Bác sĩ kể về ca mổ 'giật gấu vá vai' đầy áp lực
Mới đây, Ths.Bs Lại Bình Nguyên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã có những chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống về một ca phẫu thuật cực khó, khiến các bác sĩ của Bệnh viện không tránh khỏi áp lực.
Đó là trường hợp của bệnh nhân T.H.L (SN 1994, một diễn viên khá nổi tiếng với giới trẻ bằng những video hài với phong cách xéo sắc, nói xoáy), được chẩn đoán mắc u men xương hàm dưới phải. Đây là một bệnh lành tính của xương hàm, tuy nhiên, cần phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn xương hàm. Nếu không được tái tạo lại thì sẽ để lại di chứng khiến khuôn mặt biến dạng, tàn tật suốt đời, ảnh hưởng lớn đến chức năng và giao tiếp xã hội.
"Bệnh nhân có chia sẻ "bản thân biết mình mắc bệnh trong lúc đang tham gia cuộc thi tài năng trẻ được phát trên sóng truyền hình. Lúc đó, chằng muốn làm gì, chỉ có cảm giác hoang mang tột cùng"…. Nếu không được phẫu thuật tái tạo lại tầng mặt dưới thì có thể nói sự nghiệp của bệnh nhân gần như là chấm hết", Bs. Nguyên nói.
Đặt niềm tin vào ca mổ là con đường cuối cùng...
Trước khi đến với Bệnh viện Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, bệnh nhân L. đã trải qua hai lần phẫu thuật ở cơ sở y tế khác nhưng không thành công.
Lần đầu gặp Bs. Nguyên là lúc bệnh nhân đã phẫu thuật lần hai được ba tháng với tình trạng mặt biến dạng, lệch trái, khớp cắn sai, miệng méo, ăn nhai khó khăn, do đoạn khuyết xương làm sai khớp cắn. Tình trạng nhiễm trùng vết thương vẫn còn nước, dịch mủ vẫn chảy ở vết mổ cũ, lúc nào cũng phải có miếng băng gạc để thấm dịch dưới cổ phải.
"Khi một người phẫu thuật không thành công tìm đến để đặt niềm tin, với tôi đó là là một niềm vinh dự lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng gây cho tôi một áp lực nặng nề, bởi chúng tôi sẽ không được phép có một chút sai sót nào, ca phẫu thuật bắt buộc phải thành công.
Dự kiến ít nhất hai lần mổ nữa sẽ phải diễn ra. Lần một để tháo bỏ dụng cụ kết hợp giữ khoảng xương hàm của lần phẫu thuật trước, cắt bỏ tổ chức viêm, làm sạch ổ nhận, sửa soạn cho lần mổ sau đó 4 tháng. Rất may, sau lần mổ này, vết mổ của bệnh nhân khô, không còn chảy dịch, không phải dùng miếng băng gạc để thấm dịch chảy ra ở dưới cổ nữa.
Lần mổ thứ hai xác định sẽ khó khăn và áp lực hơn rất nhiều. Bởi tổ chức tại chỗ viêm dính nhiều sẽ không mềm mại, không thuận lợi như lần mổ đầu tiên. Cộng với việc chưa biết mạch máu cấp và thoát của bệnh nhân như thế nào, có còn không hay đã tổn thương? Hơn nữa, lần mổ này chỉ còn một xương cẳng chân còn lại, đây là cơ hội duy nhất", bác sĩ nhớ lại.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười khi ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ diễn ra thuận lợi. Mặc dù khó khăn hơn cả dự kiến do bệnh nhân đùi to gây khó ở nơi lấy vạt, nhưng ekip phẫu thuật đã nối thông mạch máu và tái tạo thành công đoạn khuyết xương hàm dưới phải cho bệnh nhân.
Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân T.H.L. cho biết, sau khi trải qua ca phẫu thuật cuối cùng thì hiện tại sức khỏe đã hoàn toàn bình phục, bản thân cảm thấy thoải mái và mọi thứ diễn ra rất tốt. Diện mạo cũng thay đổi nhiều kể từ khi được Bs. Nguyên phẫu thuật, khuôn mặt đã bớt sưng và cân đối hơn.
"Là người đã trải qua nên mình hiểu nhiều bệnh nhân sẽ có sự tuyệt vọng rất lớn. Chính vì vậy, khi gặp được thầy thuốc giỏi như Bs. Nguyên và các y bác sĩ ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thì cuộc đời của họ đã được an ủi, đó gần như là một sự cứu vớt…
Nhân ngày 27/2, không biết nói gì hơn, xin gửi lời chúc đến Bs. Nguyên cũng như toàn thể ekip mổ, các y bác sĩ đang và đã hoạt động trong ngành y luôn có thật nhiều sức khỏe để lúc nào cũng tinh tấn tinh thần, ngày càng giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn nữa", bệnh nhân T.H.L. xúc động.
"Phẫu thuật vi phẫu mạch máu hay phẫu thuật chuyển vạt ghép từ xa đến để tạo hình, tái tạo lại cơ quan, bộ phận trên mặt, giúp cho bệnh nhân phục hồi lại giải phẫu và phục hồi được chức năng hoàn toàn, là một phẫu thuật có thể kéo dài đến hàng chục giờ đồng hồ.
Phẫu thuật bao gồm hai quá trình cắt, ghép, bắt buộc ê kíp phẫu thuật làm việc phải nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Mục tiêu là tái tạo lại tổ chức khuyết hổng khi vừa được cắt bỏ xong và tái lưu thông tuần hoàn cho tổ chức đó. Nếu phẫu thuật không thành công thì tổn thất sẽ nhân đôi, vừa phải trải qua một lần phẫu thuật tháo bỏ tổ chức hoại tử và lại mất đi tổ chức nơi cho một cách vô ích.
Chính bởi điều này mà bác sĩ chúng tôi vẫn nói đùa với nhau đây là công việc giật gấu vá vai, vì phải hi sinh tổ chức nơi này để tái tạo cho nơi khác cần thiết hơn…".