Bác sĩ khâu vết thương cho tình nguyện viên chăm F0 dưới ánh đèn điện thoại
Khi đem bình oxy đến phòng cho bệnh nhân Covid-19, anh Tú bị ngã rách đầu gối. Anh được bác sĩ soi đèn điện thoại khâu vết thương trên xe cấp cứu.
Anh Trần Ngọc Tú, sinh năm 1986 từng mắc Covid-19, được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 (TP.HCM) cách ly và điều trị. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, anh xin ở lại chăm sóc F0 ở khu B của bệnh viện.
Đến nay, anh Tú đã làm tình nguyện viên được hơn 2 tháng. Có tính cách vui vẻ, hòa đồng, lại chăm chỉ, nhiệt tình, anh Tú được các y bác sĩ, tình nguyện viên và nhiều bệnh nhân quý.
Tối 29/9, anh Tú vận chuyển bình oxy đến phòng bệnh cho F0 thì không may bị ngã, rách đầu gối.
Bác sĩ Võ Thành Nhân, tham gia điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4, cho biết, vết rách ở đùi anh Tú gần chạm xương, xung quanh vết thương bầm tím. Nghi ngờ anh bị vỡ xương bánh chè, các bác sĩ vận chuyển anh đến Khu cấp cứu chụp X-quang và kiểm tra. “May mắn, Tú không bị gãy xương”, bác sĩ Nhân nhớ lại.
Tại Bệnh viện dã chiến số 4 có xe cứu thương trưng dụng để đáp ứng nhu cầu cấp cứu bệnh nhân. Bên trong xe có bông băng sát khuẩn và các dụng cụ sơ cấp cứu để sẵn trong va li dã chiến. Lúc đó, bác sĩ Dương Quốc Trường cũng đang tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện. Bác sĩ được đồng nghiệp gọi đến khâu vết thương cho anh Tú.
Do trên xe không có đèn, bác sĩ Trường và đồng nghiệp phải tận dụng đèn đường, soi đèn điện thoại khâu vết thương cho anh Tú.
“Phải khâu 'sống' vết thương, dù rất đau nhưng Tú vẫn vui vẻ, lạc quan. Suốt quá trình khâu vết thương, cậu ấy chọc bác sĩ Trường cười đến mức bị run tay, mờ kính chắn giọt bắn. Khi bác sĩ hỏi có đau không, cậu ấy bảo: tận cùng của nỗi đau là nụ cười nên tôi phải cười”, bác sĩ Nhân chia sẻ.
Vết thương khâu xong, anh Tú cảm ơn bác sĩ. Vừa bị té đau cần phải nghỉ cho vết thương nhanh lành, nhưng anh vẫn xin được đi giúp bác sĩ chăm sóc F0.
“Cứ thấy bác sĩ làm việc gì nặng là Tú lại kêu: “bác để em làm cho”. Khi bệnh nhân buồn, mệt, Tú đến pha trò, vỗ lưng, kể đủ chuyện cho họ vui. Có khi, giữa 3h sáng, sợ bệnh nhân chuyển nặng, Tú cầm máy SpO2 đi từng phòng của khu đo cho bệnh nhân”, bác sĩ Nhân kể.
Bác sĩ Nhân cho biết, Khu B, Bệnh viện dã chiến số 4 thời gian qua đã tiếp nhận cả F0 lớn tuổi, trẻ em, người có dấu hiệu nhẹ và cả những bệnh nhân chuyển nặng. Đã có nhiều người qua đời vì Covid-19 khiến các tình nguyện viên chăm sóc F0 như anh Tú và các y bác sĩ rơi nước mắt. Thế nhưng, họ vẫn động viên nhau, lạc quan để có thể chăm sóc hết mình cho các F0 đang cần sự giúp đỡ của mình.
Tú Anh