Bác sĩ khuyến cáo bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng

Cùng với các tỉnh, thành phố miền Bắc, Bắc Giang đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ dao động từ 37 đến 40 độ C. Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Dự, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo người dân một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đề phòng sốc nhiệt, say nắng.

Từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 80-100 bệnh nhân nhập viện. Trong số này, nhiều bệnh nhân được người nhà đưa đến với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, sốt, đau mỏi người, kích thích vật vã…

Qua khám lâm sàng, những bệnh nhân này cho biết đã làm việc ngoài trời trong thời gian dài; có trường hợp thể lực yếu, ít rèn luyện nên khi lao động quá sức dưới thời tiết nắng nóng đã bị sốc nhiệt. Để bảo đảm công tác điều trị, Khoa Cấp cứu cũng như các khoa của Bệnh viện đã tăng cường thêm quạt điện, điều hòa, bổ sung bình nước uống.

Bác sĩ Đỗ Văn Dự khám sức khỏe cho người dân mới nhập viện ngày 31/5.

Bác sĩ Đỗ Văn Dự khám sức khỏe cho người dân mới nhập viện ngày 31/5.

Bác sĩ Dự cho biết, thời tiết nắng nóng làm cơ thể bài tiết ra nhiều mồ hôi gây nên tình trạng mất nước, mệt mỏi, chuột rút, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nếu không xử trí kịp thời người bệnh dễ bị tắc nghẽn mạch máu, nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ. Ngoài ra, người có sức đề kháng kém dễ mắc phải một số bệnh như: Tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tiêu hóa. Trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt phát ban, ngộ độc thức ăn, chân - tay - miệng.

Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý sắp xếp không gian nhà ở, nơi làm việc bảo đảm thoáng mát, sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mũ, găng tay, kính râm, mặc quần áo rộng, dễ thấm mồ hôi. Nếu phải lao động ngoài trời nên điều chỉnh giờ làm việc hợp lý. Buổi sáng có thể làm việc sớm và nghỉ sớm, buổi chiều làm việc sau 14 giờ để tránh lúc nắng nóng đỉnh điểm tác động bất lợi đến sức khỏe; hạn chế thấp nhất việc để nắng nóng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể, nhất là vùng đầu, vai, gáy.

Người dân lưu ý thường xuyên uống đủ nước, thực hiện ăn chín, uống sôi, thức ăn dạng lỏng, mềm; hạn chế đồ cay, nóng, dầu mỡ. Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà người dân cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ cần chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo. Cho bệnh nhân uống nước từng ngụm nhỏ, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol. Trường hợp mức độ nặng cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị.

Người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Người dân cần uống tối thiểu 1,5 đến 2 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần trong ngày, chú ý luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng.

Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/405715/bac-si-khuyen-cao-bao-ve-suc-khoe-phong-ngua-soc-nhiet-trong-thoi-tiet-nang-nong.html