Bác sĩ khuyến cáo về việc tập thể dục buổi sáng trong gió rét
Không khí lạnh tràn về, người dân ở Hà Nội đã đốt lửa sưởi ấm hoặc mỗi người có một cách riêng để giữ nhiệt cho bản thân dưới nền nhiệt độ thấp chỉ khoảng 12 độ C. Cùng với đó, bác sĩ khuyến cáo về việc tập thể dục vào sáng sớm ngày rét.
Người dân đốt lửa sưởi ấm trong gió rét
Những ngày qua, không khí lạnh tràn về ảnh hưởng đến nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam, trong đó, đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12. Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều khu vực ở Hà Nội như: gần công viên Nghĩa Đô, đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Linh Đàm... nhiều người dân đã đốt lửa để sưởi ấm nhằm giảm giá lạnh của đợt rét này. Ghi nhận tại khu vực dốc Bưởi, nhiều người dân ở “chợ lao động” đã đốt lửa sưởi ấm trong lúc chờ đợi người tới thuê.
Anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội) cho biết, những ngày lạnh giá này ở trong nhà sẽ không cảm nhận được cái rét của Hà Nội bởi các nhà thường rất kín. Nhưng mọi người ra đường sẽ cảm thấy rét, lạnh và anh cùng một số người ở đây, vì lý do công việc nên phải đi mưu sinh. “Khi không có việc, chúng tôi ngồi đây khá rét, phải co ro và đốt lửa để sưởi ấm nhưng khi có người thuê, chúng tôi làm việc sẽ nóng lên và đỡ rét hơn”, anh Hải chia sẻ.
Cùng với đó, anh Nguyễn Văn Toán, chạy xe ôm đường Nguyễn Xiển cho biết, những ngày này anh phải mặc 3-4 áo mỏng bên trong cùng với áo len và áo khoác ấm mới đỡ lạnh. Việc anh chạy ngoài đường chở khách gió sẽ lùa khiến anh bị lạnh hơn nên có ngày anh phải mặt áo mưa ở bên ngoài để ngăn chặn gió. “Công việc của tôi là phải ở ngoài đường nhiều nên tôi đã trang bị cho mình từ găng tay, mũ, quần áo đủ ấm để đi làm việc. Mặc dù mặc dày hơn khó cử động chút nhưng bù lại giữ được nhiệt độ cơ thể ấm. Từ đó, tôi mới làm việc của mình thuận lợi và có thu nhập về lo cho vợ con”, anh Toán chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hải, một người bán trà đá cho biết, ngày thường khoảng 6-7h sáng chị đã ra mở hàng để pha trà phục vụ khách nhưng những ngày lạnh giá này chị đã dậy muộn hơn vì khách ra đường từ sớm cũng ít. Đặc biệt, vào mỗi buổi sáng, khách đi tập thể dục về sẽ ghé quán bên cạnh ăn sáng rồi ra quán chị ngồi uống cốc trà nhưng mấy ngày này, khách tập thể dục ít hơn.
Bác Trịnh Tùng, ở quận Tây Hồ cho biết, trước để nâng cao sức khỏe, ngày nào bác cũng đi bộ dọc Hồ Tây cùng các bạn đồng niên, nhưng đợt này Hà Nội nhiệt độ giảm sâu, buốt lạnh, nên để đảm bảo an toàn bác và mọi người tạm dừng hoạt động. Dù rất thích và nhớ cảm giác ngày ngày cùng mọi người tản bộ, hít thở không khí trong lành, nhưng theo sự hiểu biết của mình, bác đành ở nhà để đảm bảo sức khỏe. Bởi theo bác, đã có những người cao tuổi từng bị đột quỵ khi tập thể dục vào những ngày đông lạnh. Nên dù có là thói quen, sở thích thì cũng cần phù hợp với bản thân, để đảm bảo an toàn về sức khỏe trong những ngày Hà Nội lạnh giá.
Phải đặc biệt lưu ý đến điều kiện thời tiết
BS. Nguyễn Ngọc Định, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, thực tế việc tập thể dục quá sớm vào mùa đông sẽ gây ra nhiều tác hại hơn có lợi.
Vào mùa Đông, nhiệt độ buổi sáng sớm thường khá thấp, cộng thêm hiện tượng sương mù dày đặc. Hơn thế, do thời tiết lạnh, trời sáng muộn hơn nên cây cối cũng quang hợp muộn hơn. Vì lý do này mà lúc 4-5 h sáng, lượng khí các-bon do cây thải ra vẫn còn nhiều trong không khí, có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là những người cao tuổi, người có tiền sử bệnh mạn tính như hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Để đảm bảo sức khỏe, cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy, chúng ta có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà để cơ thể tỉnh táo. Nên tập thể dục muộn hơn để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Nếu thời tiết rét đậm, không nên tập thể dục ngoài trời. Mặc dù không khí lạnh lần này có nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm nhưng nhiều người dân vẫn giữ thói quen tập thể dục buổi sáng.
Khởi động trước khi tập thể dục là hoạt động cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, việc khởi động khi tập thể dục vào mùa lạnh cần kéo dài lâu hơn vì lúc này thân nhiệt thấp, dành nhiều thời gian khởi động giúp làm ấm người, thư giãn cơ xương khớp để hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, có thể áp dụng các bài tập khởi động cơ bản như xoay cổ, vai, xoay cổ tay, xoay cẳng tay, cổ chân, xoay hông… Sau khi khởi động các khớp, có thể chạy tại chỗ, chạy nâng cao đùi hoặc gót chạm mông… Một số tư thế ép dọc, ép ngang, giãn cơ sẽ làm tăng sự dẻo dai của cơ, hạn chế chấn thương.
Thời tiết lạnh cần giữ ấm chân tay, tuyệt đối không đi chân đất khi tập thể dục, vì nếu đi chân đất chân sẽ bị lạnh, khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt là vùng tay chân dễ gây viêm khớp và nhiều căn bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ghi nhận của PV, tại nhiều nơi, người dân vẫn dậy sớm tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp,... Việc tập thể dục vào sáng sớm dưới nền nhiệt thấp sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chia sẻ về vấn đề trên, PGS Võ Tường Kha, người có các bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh khi tập thể dục thể thao thời tiết lạnh hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao.
Để phòng chống đột tử khi tập thể dục thể thao, PGS Võ Tường Kha khuyến cáo, việc đầu tiên là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, xem mình có mắc các bệnh lý tiềm tàng, mãn tính hay không (tim mạch, hô hấp, huyết áp)...
Nếu có thì phải lựa môn thể thao phù hợp, chọn lựa cường độ vận động phù hợp với cơ thể. Trong quá trình tập, cần theo dõi các dấu hiệu bệnh lý như có khó thở, tức ngực, choáng, ngất, hoa mắt chóng mặt... để dừng lại kịp thời và tư vấn bác sĩ hay đi kiểm tra ngay.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, tập luyện thể dục thể thao là thói quen là rất tốt, không chỉ góp phần hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hô hấp, rối loạn chuyển hóa mạn tính, mà còn giúp cơ thể chống được lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, việc tập thể dục phải đặc biệt lưu ý đến điều kiện thời tiết, chọn không gian, thời gian, cường độ và môn thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhất là người có bệnh lý nền.