Bác sĩ lưu ý nguyên tắc ăn uống lành mạnh cho trẻ trong ngày Tết
Để hạn chế các bệnh lý gặp phải do ăn uống trong ngày Tết phụ huynh nên cần bằng dinh dưỡng, không để con ăn quá nhiều chất béo hoặc đồ ngọt.
Dưới đây là những lưu ý được bác sĩ Ninh Thị Phương Mai, Khoa Nội Nhi Tổng hợp – Bệnh viện E chia sẻ nhằm giúp bố mẹ đảm bảo sức khỏe cho trẻ suốt kỳ nghỉ Tết.
1. Chú ý đến đồng hồ sinh học của trẻ
Kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm là dịp được học sinh rất mong chờ.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết dài ngày, khi quay trở lại với việc học tập, không ít trẻ còn vấn vương với không khí Tết nên dễ xảy ra tình trạng uể oải, không tập trung cho việc học, khiến thầy cô giáo và bố mẹ phải mất rất nhiều thời gian để giúp trẻ quay lại với nhịp độ học tập, nề nếp hàng ngày.
Chính vì vậy, để tránh cho trẻ bị không “sốc” sau kỳ nghỉ Tết, cha mẹ nên cùng con lập thời gian biểu cụ thể và làm theo trong thời gian nghỉ Tết dài này.
Hãy đảm bảo trong kế hoạch đó, con trẻ vẫn dành ra một khoảng thời gian nhất định để duy trì thói quen, nề nếp trước đó trong suốt kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt, phụ huynh cố gắng không để giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ tránh sự chênh lệch quá nhiều so với ngày thường để đảm bảo sức khỏe vừa học, vừa chơi.
Nghỉ ngơi ngày Tết cũng cần được chú trọng, phụ huynh nên nhắc nhở con em mình ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, không thức quá khuya. Tết không nên chênh lệch quá 30 phút so với lịch sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Trẻ nên đi ngủ trước 21 giờ và đảm bảo ngủ đủ giấc. Theo tuyên bố đồng thuận của Học viện Y học về giấc ngủ Hoa Kỳ năm 2016, thời gian ngủ mỗi ngày (bao gồm cả thời gian ngủ trưa) với trẻ từ 3 đến 5 tuổi là 10 – 13 giờ, trẻ 6 đến 12 tuổi là 9 – 12 giờ và với trẻ từ 13 tuổi trở lên là 8-10 giờ.
2. Chế độ dinh dưỡng
Theo bác sĩ Mai, các món ăn ngày Tết thường có năng lượng rất cao, không cân đối về dinh dưỡng, nhiều đường, nhiều chất béo và chất đạm, ít rau xanh và trái cây tươi.
Thêm vào đó, trong những ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt và ăn uống thường bị đảo lộn, đôi khi trẻ không được ăn đúng giờ, thậm chí bỏ bữa, dẫn đến trẻ bị ăn khi chưa đói hoặc chỉ được ăn khi đã quá đói, ăn qua loa hoặc ăn bù.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khó tiêu, giảm cảm giác ngon miệng, đầy hơi, chướng bụng và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây rối loạn tiêu hóa.
Trong dịp Tết những năm trước, chúng tôi cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp các trẻ đến khám do rối loạn tiêu hóa, thậm chí có trẻ bị viêm tụy cấp do ăn bữa ăn quá thừa chất béo. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý cân bằng dinh dưỡng trong các món ăn cho con trẻ, đừng để trẻ ăn theo sở thích của mình.
3. Một số nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, tránh rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết như sau:
- Đảm bảo giờ giấc ăn uống của trẻ không quá chênh lệch so với ngày thường, tránh bỏ bữa, ăn dồn bữa.
- Nên ăn vừa đủ cả về lượng và chất, tương đương với bữa ăn ngày thường của trẻ. Tránh ngon miệng ăn quá nhiều hoặc chỉ tập trung vào một món ăn khiến trẻ mất cân đối về dinh dưỡng.
- Hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, bố mẹ nên chuẩn bị những món ít đường, tốt cho sức khỏe như hoa quả tươi, các loại hạt dinh dưỡng, bánh quy ít đường, và nói chuyện trước với trẻ để trẻ biết lựa chọn đồ ăn khi ăn tại nhà và khi đi chúc Tết, tránh ăn quá nhiều đồ ngọt làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Đối với những trẻ béo phì hay mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận hoặc một số bệnh lý khác phải tuân thủ chế độ ăn riêng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bố mẹ nên tham khảo và lưu ý thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ.