Bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Abyei

Sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ xa đơn vị bất cứ lúc nào cùng với các phân đội Công binh xây dựng công trình, làm đường, cứu kéo là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các y, bác sĩ mũ nồi xanh Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Abyei…

Quân y luôn có mặt cùng với phân đội Công binh khi thực hiện các nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Quân y luôn có mặt cùng với phân đội Công binh khi thực hiện các nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Có mặt trên mọi nẻo đường…

Từ Abyei, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 - Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Quyên cho biết, phần lớn thành viên bệnh viện là nữ, trong khi đặc thù nhiệm vụ thường phải làm việc tại hiện trường xa đơn vị. “Các đồng chí nữ đảm nhiệm những nhiệm vụ ngắn ngày hơn, thường là trong ngày và tại những nơi không quá xa đơn vị. Còn các đồng chí nam có khi phải theo các phân đội Công binh làm nhiệm vụ kéo dài cả tháng ở hiện trường cách đơn vị vài chục cây số”, bác sĩ Hồng Quyên chia sẻ.

Bệnh viện luôn bảo đảm sẵn sàng phân tách thành các bộ phận nhỏ lẻ để bảo đảm quân y cho các phân đội công binh đi làm nhiệm vụ trên các hướng khác nhau. Có ngày các phân đội Công binh cơ động làm nhiệm vụ trên các hướng khác nhau, việc phân chia nhân sự vì thế cũng căng hơn do biên chế bệnh viện chỉ có 11 đồng chí.

Đại úy QNCN Trần Đức Thuận, Điều dưỡng bệnh viện cho biết anh đã theo bảo đảm quân y cho phân đội công binh làm tuyến đường huyết mạch Todach-Goli tổng cộng gần 3 tháng. Thời gian thi công tại tuyến đường này cũng đã được 7 tháng và các thành viên bệnh viện phải luân phiên, khoảng 2 tháng lại đổi nhau đảm nhận nhiệm vụ.

 Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 luôn bận rộn với các kế hoạch và công việc chuyên môn thăm khám và điều trị bệnh nhân. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 luôn bận rộn với các kế hoạch và công việc chuyên môn thăm khám và điều trị bệnh nhân. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Các đồng chí phân đội công binh thường xuyên phải làm việc dưới cái nắng nóng có khi hơn 40 độ C nên có đồng chí bị say nắng, say nóng cần chăm sóc y tế ngay. Trong quá trình làm nhiệm vụ, có một vài tình huống xử lý chấn thương nhẹ khi anh em móc cáp cứu kéo xe cho dân và xe của phái bộ… Hành trang của quân y khi làm nhiệm vụ ngoài đơn vị không thể thiếu các cơ số thuốc cần thiết, nẹp, cáng, bông, băng… Tùy theo tính chất nhiệm vụ công việc mà bệnh viện sẽ bố trí nhân viên phù hợp đi theo cũng như chuẩn bị các cơ số trang bị và thuốc, đảm bảo gọn nhẹ, dễ cơ động mà vẫn đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ.

Mùa mưa thì cứu kéo xe cho dân. Mùa hè thì tranh thủ tối đa thời gian để san gạt đất làm lại đường. Các phân đội Công binh đi làm nhiệm vụ ở đâu thì quân y có mặt ở đó. Hiện trường thi công thường cách xa phái bộ, xa bệnh viện dã chiến cấp 2, đường thì lầy lội rất khó di chuyển cũng là thách thức với quân y khi có sự cố trên đường liên quan tới bảo đảm sức khỏe bộ đội. Việc nghỉ ngơi trên đường cũng khó khăn trong khi phải luôn phòng dịch sốt rét vốn phổ biến tại địa bàn. Nơi thi công xa đơn vị nên anh em thường nghỉ trưa lại nơi làm việc còn tối về nghỉ nhờ ở các đơn vị bạn. Nếu ở lâu cả tuần hay cả tháng, quân y phải kiểm tra nguồn nước để bảo đảm vệ sinh. Nước chủ yếu là nước giếng khoan lấy từ các đơn vị bạn như Pakistan, Ghana. Có khi đơn vị để lâu không dùng nên phải kiểm tra và khử khuẩn.

 Nơi làm việc của các phân đội Công binh thường có địa hình phức tạp, đường sụt lún vào mùa mưa. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Nơi làm việc của các phân đội Công binh thường có địa hình phức tạp, đường sụt lún vào mùa mưa. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, còn có những nhiệm vụ đột xuất. Các đồng chí quân y cũng như các phân đội Công binh, cứ có lệnh là lên đường, phải luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Anh em đi làm bị ốm đau, chấn thương, tai nạn, hay bị côn trùng cắn, ong đốt phải sơ cấp cứu, chăm sóc kịp thời… là những tình huống không được báo trước.

Bác sĩ Hồng Quyên chia sẻ thêm, trong quá trình làm nhiệm vụ, đặc thù của bộ đội Công binh là thường xuyên đảm nhận các công việc nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm, nên nguy cơ mất an toàn là khó tránh. Bởi vậy khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, dù ở trong hay bên ngoài đơn vị, để bảo đảm an toàn, quân y luôn phải túc trực để kịp thời ứng phó với các tình huống mất an toàn có thể xảy ra.

Chỗ dựa tinh thần tin cậy cho đồng chí, đồng đội

Bảo đảm sức khỏe cho bộ đội tại địa bàn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều loại dịch bệnh phức tạp, các y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến cấp 1 phải làm việc với cường độ cao, có thời điểm phải căng mình vừa chống dịch vừa điều trị bệnh nhân. Nhớ lại thời điểm căng thẳng nhất khi mới triển khai tới địa bàn phái bộ ở Abyei, bác sĩ Hồng Quyên cho biết, do còn chưa quen với điều kiện môi trường, khí hậu, dịch bệnh cũng như đơn vị phải tu sửa rất nhiều nên chưa ổn định, nhiều đồng chí mới sang gặp một số vấn đề về sức khỏe, nhất là bệnh sốt rét. Kinh nghiệm trong điều trị bệnh sốt rét của bệnh viện dã chiến cấp 1 thời gian đó còn hạn chế, vì vậy có một số đồng chí bị nặng hơn phải chuyển đến bệnh viện cấp 2 của phái bộ do đơn vị bạn Ghana đảm nhiệm.

Ngoài nhiệm vụ cơ động tới các hiện trường, Đại úy QNCN Trần Đức Thuận cũng thực hiện các nhiệm vụ của một Điều dưỡng viên tại đơn vị. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Ngoài nhiệm vụ cơ động tới các hiện trường, Đại úy QNCN Trần Đức Thuận cũng thực hiện các nhiệm vụ của một Điều dưỡng viên tại đơn vị. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

“Khi đó chúng tôi có những áp lực nhất định về tâm lý. Do tại Việt Nam dịch sốt rét đã được kiểm soát, cũng như chủng sốt rét tại Abyei khác với chủng sốt rét tại Việt Nam nên loại thuốc dự phòng và điều trị sốt rét của Việt Nam mang sang ít hiệu quả. Bệnh viện đã chủ động liên hệ Bệnh viện cấp 1 của Pakistan xin hỗ trợ loại thuốc có hiệu quả cao hơn và Bệnh viện cấp 2 của Ghana để nhờ hỗ trợ kít test nhanh chẩn đoán sốt rét”, bác sĩ Hồng Chuyên cho biết.

Do điều kiện cơ sở hạ tầng tại Abyei vô cùng khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nắng hanh khô vào mùa khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao (nhiệt độ dao động từ 150C đến 450C), mùa mưa kéo dài liên tục 4 đến 5 tháng gây ngập lụt diện rộng, độ ẩm không khí cao nên đây là môi trường thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát triển như sốt xuất huyết, sốt vàng, Covid-19, tả, thương hàn, viêm màng não…

 Các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam của Bệnh viện dã chiến cấp 1. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam của Bệnh viện dã chiến cấp 1. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Để phòng, chống dịch bệnh được kịp thời và hiệu quả, ngay sau khi đến nơi đơn vị đóng quân, bệnh viện đã chủ động tham mưu cho chỉ huy Đội để tiến hành phun khử khuẩn đơn vị toàn doanh trại, phun hóa chất đuổi muỗi. Cùng với đó là lập kế hoạch, phân công khu vực dọn vệ sinh cho từng phân đội, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng bệnh, cấp phát một số các thuốc như dự phòng sốt rét, vitamin tổng hợp.

Bác sĩ Hồng Quyên khẳng định, đến nay bệnh viện đã bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch ở đơn vị, nhất là dịch sốt rét về cơ bản đã được kiểm soát hiệu quả, sức khỏe bộ đội ổn định bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ.

Thiếu tá Phạm Ngọc Hưng, Phân đội trưởng Phân đội Bảo vệ cho biết anh từng là bệnh nhân sốt rét nên hiểu rất rõ những vất vả và nỗ lực của các y, bác sĩ khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Anh và đồng đội cảm động chứng kiến đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện túc trực ngày đêm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để điều trị cho bệnh nhân cắt cơn sốt, thăm hỏi động viên bệnh nhân như những người thân trong gia đình, thường xuyên nhắc nhở anh em uống thuốc phòng sốt rét…

 Bác sĩ Hồng Quyên tham gia khám chữa bệnh thiện nguyện cho phụ nữ và trẻ em ở thị trấn Abyei. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Bác sĩ Hồng Quyên tham gia khám chữa bệnh thiện nguyện cho phụ nữ và trẻ em ở thị trấn Abyei. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Các nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 1 ân cần thăm hỏi và trò chuyện với các bệnh nhân. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Các nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 1 ân cần thăm hỏi và trò chuyện với các bệnh nhân. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Một số hình ảnh khám bệnh thiện nguyện cho người dân địa phương của Bệnh viện dã chiến cấp 1 Việt Nam. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Một số hình ảnh khám bệnh thiện nguyện cho người dân địa phương của Bệnh viện dã chiến cấp 1 Việt Nam. Ảnh: Đội Công binh Việt Nam

Đặc biệt, phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu”, bệnh viện còn giúp khám và điều trị cho người dân địa phương, không từ chối bất cứ bệnh nhân nào tìm tới bệnh viện. Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho người dân, chữa trị cho một số trường hợp đặc biệt như phu nhân của Thị trưởng thị trấn Abyei… các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã tạo được thiện cảm và để lại ấn tượng tốt với người dân bản địa. Người nọ mách người kia, họ tìm tới bệnh viện của Đội Công binh Việt Nam nhờ hỗ trợ mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe bởi điều kiện chăm sóc y tế ở địa phương vô cùng nghèo nàn.

Luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các y, bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Abyei đã góp phần vào những thành công chung của Đội Công binh số 1, là chỗ dựa tinh thần tin cậy cho đồng chí, đồng đội khi làm nhiệm vụ xa Tổ quốc.

Trong thời gian qua, Bệnh viện dã chiến cấp 1 ở Abyei đã kiểm tra, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 lượt bệnh nhân; sơ cứu, ổn định và vận chuyển về bệnh viện tuyến sau 30 trường hợp, bảo đảm an toàn đúng quy trình, đúng thủ tục, bảo đảm sức khỏe bệnh nhân.

-Bệnh viện được biên chế 2 bác sĩ, 1 dược sĩ, 7 điều dưỡng và 1 lái xe cứu thương, trong đó có 6 đồng chí là nữ quân nhân, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến cấp 1 địa bàn.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/bac-si-mu-noi-xanh-viet-nam-o-abyei-720163