Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Sáng 1.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì Hội nghị góp ý kiến đối với Đề án 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước'.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì hội nghị

Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của nhà nước”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị

Đề án có phần mở đầu và 3 phần, bao gồm: Phần thứ nhất: Một số vấn đề chung về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; Phần thứ hai: Thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; Phần thứ ba: Một số giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước và 2 phụ lục.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận và tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào những nội dung trọng tâm liên quan đến Đề án như: tên gọi, phạm vi của Đề án; các quy định của Đảng, vai trò, nội dung, hình thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng và kết quả đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật.

 Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Đề án, đồng thời, nêu những kiến nghị cụ thể để nhằm góp phần hoàn thiện Đề án và bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án ghi nhận các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó, các ý kiến thống nhất nội dung của Đề án cần bám sát theo yêu cầu của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh Chỉ thị có hai nội dung, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực xây dựng thể chế và phải gắn liền với nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ giữa Đề án và Chỉ thị, trong đó, Đề án là thuyết minh cho Chỉ thị, Chỉ thị là “hồn cốt” của Đề án.

Với cách tiếp cận như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, trong Đề án cần làm rõ Đảng lãnh đạo toàn diện công tác thể chế hóa thành pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết, Đảng phải đổi mới chính mình, đổi mới công tác xây dựng, ban hành văn bản của Đảng để bảo đảm văn bản rõ ràng, cụ thể.

Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo công tác quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng và thể chế hóa. Đảng lãnh đạo tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đổi mới quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng để thể chế hóa nhanh hơn, sát hơn, đi vào cuộc sống hơn. Cùng với đó, Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; bảo đảm nguồn nhân lực.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị

Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một số ý kiến đề nghị trong Đề án và Chỉ thị cần bổ sung về mối quan hệ giữa thể chế pháp luật nói chung và thể chế thành pháp luật phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ về trách nhiệm của các chủ thể trong thể chế hóa; mức độ và các trường hợp thể chế hóa; cấp độ thực hiện thể chế hóa; các cơ quan kiến nghị xây dựng đường lối để từ đó thể chế hóa; công tác phối hợp giữa các chủ thể trong thể chế hóa và kiểm soát quyền lực trong thể chế hóa. Mặt khác, có ý kiến, kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo sớm sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có những quy trình đặc biệt để ban hành nhanh, khắc phục độ trễ của chính sách, nhanh chóng đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Đề án, xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-trong-the-che-hoa-chu-truong-chinh-sach-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post391934.html