Bác sĩ ngạc nhiên khi lấy ra nhiều thứ kỳ dị trong bụng bệnh nhân
Người đàn ông 50 tuổi đã nuốt 3 chiếc bật lửa. Mới đây, bác sĩ tiếp tục phát hiện hàng loạt dị vật trong ruột non bệnh nhân.
Các bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nam 50 tuổi nuốt nhiều dị vật, gây biến chứng thủng đại tràng nghiêm trọng.
Bệnh nhân có tiền sử tâm thần phân liệt 26 năm, sống một mình và thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Theo người nhà, cách đây hai tuần, bệnh nhân đã tự nuốt ba chiếc bật lửa, phải nội soi để can thiệp lấy dị vật. Lần này, ông nhập viện với triệu chứng đau bụng, chướng bụng tăng dần.
Bác sĩ Lê Văn Duy, Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, cho biết qua thăm khám lâm sàng, vùng bụng bệnh nhân chướng căng, đau mạnh ở vùng bụng dưới. Chụp cắt lớp cho thấy hai dị vật hình que đầu kim loại nằm trong quai ruột vùng hạ vị, đâm xuyên thành ruột và tạo ổ dịch khí trong ổ bụng. Dị vật khác được phát hiện ở ruột non.
Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe trong ổ bụng do thủng đại tràng sigma bởi dị vật, cùng hội chứng tâm thần phân liệt.
Ê-kíp phẫu thuật đã mở ruột non lấy ra các dị vật gồm bút bi, ruột bút, tăm nhựa, đồng thời cắt bỏ đoạn đại tràng sigma bị xuyên thủng và làm hậu môn nhân tạo. Sau mổ, bệnh nhân ổn định và sẽ cần một cuộc phẫu thuật khác để lập lại lưu thông đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Duy, bệnh nhân mắc hội chứng Pica - một rối loạn ăn uống khiến người bệnh thèm ăn các vật thể không phải thực phẩm như đất, đá, giấy, kim loại hoặc nhựa. Hội chứng này đã được ghi nhận từ thế kỷ 14 và mô tả đầy đủ vào thế kỷ 18. Nguyên nhân có thể liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng (như sắt, kẽm), căng thẳng tâm lý hoặc rối loạn tâm thần.
Hội chứng Pica không phổ biến nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như tắc nghẽn, tổn thương đường tiêu hóa, nhiễm trùng, ngộ độc và thậm chí tử vong nếu không được điều trị. Bệnh nhân cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý hoặc nhi khoa để tìm nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Bệnh Pica được chẩn đoán dựa trên các tiêu chí:
Ăn các vật liệu không phải thực phẩm (như đất, sỏi, tóc, giấy, xà phòng, hay các vật dụng khác) trong một khoảng thời gian dài (thường kéo dài hơn một tháng).
Không phải là một phần của văn hóa hoặc thói quen ăn uống thông thường.
Hành vi này không thể giải thích bằng một tình trạng y tế khác (như thiếu hụt dinh dưỡng, tâm lý bệnh lý).
Khi thăm khám, người bệnh có thể không thừa nhận hành vi này hoặc không nhận thức rõ về tác hại của nó, ví dụ như ngộ độc hoặc tổn thương hệ tiêu hóa.
Chẩn đoán Pica chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và hỏi bệnh, kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng khi cần thiết (như xét nghiệm máu, kiểm tra các chất dinh dưỡng thiếu hụt, hoặc kiểm tra chức năng tiêu hóa).