Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Nên có mã số duy nhất để quản lý F0
Chia sẻ với báo TG&VN, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) nêu quan điểm, cần tăng cường quản lý bằng công nghệ, nên có mã số duy nhất để quản lý F0, quản lý công dân đã tiêm mấy mũi vaccine, có triệu chứng gì, có bệnh nền gì không?
Bước vào năm thứ ba Covid-19, việc tiêm vaccine trong cộng đồng hiện nay đã đạt tỷ lệ cao, không thể “ngăn sông, cấm chợ” để phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát dịch có hiệu quả. Ông có cảnh báo gì khi nhu cầu đi lại, tiếp xúc của người dân sẽ cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến?
Nhu cầu đi lại của mọi người là nhu cầu chính đáng, nhất là trong điều kiện hiện nay tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 đã cao và hòa với xu thế của thế giới trong việc mở cửa, thích ứng an toàn và sống chung với dịch.
Do vậy, không thể “ngăn sông cấm chợ” như trước được nữa, vẫn phải đảm bảo nhu cầu đi lại. Tất nhiên lúc này, khi mở cửa sẽ sinh ra nhiều nguy cơ, dịch bệnh khó được kiểm soát hơn trước.
Từ đó, khi sống chung với dịch thì chính sách chống dịch của ta lúc này cũng khác, không còn truy vết một cách kiên quyết để ngăn chặn F0 nữa, mà tập trung vào xử lý điều trị cho những trường hợp bệnh nặng, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao để không quá tải hệ thống y tế. Đồng thời, tăng cường việc điều trị tại nhà và tại tuyến cơ sở ở y tế xã, phường để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo tôi, hệ thống y tế phải chuyển đổi thế nào để điều trị những người bệnh nặng, cũng không thể yêu cầu người dân hạn chế đi lại được, bởi ai cũng phải làm ăn, có thu nhập để ổn định cuộc sống.
Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, dù có nguy cơ thật nhưng vấn đề chủ yếu do chính quyền cơ sở. Chúng ta không nên để người dân đi lại quá thoải mái, không nên tụ tập đông người, những hoạt động không cần thiết cũng nên được hạn chế.
Tuy nhiên, nhiều nơi yêu cầu người dân xa quê không được về Tết hoặc bắt buộc cách ly 7 ngày ở nhà sẽ giảm mất ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền.
Do đó, chính quyền cơ sở cũng cần có biện pháp uyển chuyển, khéo léo để làm sao vẫn vừa đáp ứng được nhu cầu thăm gia đình, thăm họ hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Để làm được như vậy thì các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương phải rất linh hoạt, không thể cứng nhắc, áp đặt.
Vậy làm sao để lây nhiễm Covid-19 không còn là nỗi ám ảnh và đã đến lúc chúng ta không cần quá lo sợ?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch trên thế giới. Ví dụ, trước đây biến thể Delta lây lan rất nhanh, làm thay đổi phương án chống dịch ở tất cả các nước. Tuy nhiên, khi biến thể mới Omicron xuất hiện cũng thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, các nước đang dần mở cửa, cho kinh tế phát triển trở lại, việc đi lại cũng dễ dàng hơn.
Theo thông tin bước đầu thì biến thể Omicron có vẻ như dễ lây lan nhưng khả năng gây tổn thương cho bệnh nhân dường như nhẹ hơn so với Delta. Có nghĩa là số ca nhiễm nặng, số ca tử vong do biến chủng Omicron có tỉ lệ thấp hơn so với biến thể Delta trước đây.
Mọi người cũng kỳ vọng đến một lúc nào đó, biến thể Omicron chiếm ưu thế so với Delta, nhưng lại không gây ra tình trạng bệnh nhân phải nhập viện hay nằm khoa hồi sức cấp cứu đến mức quá tải hệ thống y tế, sẽ là bước giúp nhân loại thoát ra khỏi đại dịch, tạo thành miễn dịch cộng đồng. Tức là, dù lượng người bị nhiễm cao nhưng không gây quá tải cho hệ thống y tế, giống như vaccine tự nhiên.
Thực tế, diễn biến dịch thế nào vẫn rất khó đoán định vì từ trước đến nay, virus này biến đổi khôn lường. Do đó, mỗi người dân vẫn nâng cao cảnh giác, biết tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân cũng như bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.
Khi nào chúng ta có thể coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm khác và các thuốc điều trị có thể bán như những loại thuốc thông thường?
Theo tôi, cái đó phụ thuộc vào số lượng người nhiễm bệnh, tỉ lệ người tử vong... Nghĩa là, khi lượng người nhiễm nhiều tạo ra miễn dịch cộng đồng, không gây ra số lượng (hoặc tỷ lệ) tử vong cao, không làm quá tải hệ thống y tế, đến lúc đấy người ta sẽ coi nhiễm Covid-19 là bệnh đặc hữu, một bệnh thông thường.
Dù không thể tiêu diệt được hoàn toàn, dịch tái đi tái lại nhưng mức ảnh hưởng đối với xã hội không quá cao, giống như cúm mùa tại Mỹ, hằng năm người ta vẫn tiêm vaccine. Hy vọng dịch Covid-19 cũng sẽ chuyển biến theo hướng ấy.
Làm thế nào để phòng ngừa Covid-19 trong điều kiện “bình thường mới”? Cần hiểu bình thường mới như thế nào để an toàn mùa lễ Tết, theo ông?
Thích ứng an toàn mới thực ra cũng thay đổi thường xuyên. Theo tôi, mọi người vẫn phải đề cao việc thực hiện nguyên tắc 5K như Bộ Y tế đã hướng dẫn. Ngoài ra, những đối tượng có thể tiêm được vaccine thì cần tiêm đủ để đạt được độ miễn dịch cộng đồng nhất định.
Còn vấn đề chủ yếu vẫn là truyền thông làm sao để người dân không chủ quan. Nên thay đổi thói quen như hạn chế tụ tập ăn uống, tránh những hoạt động gây ra lây nhiễm cao.
Trước đây, người ta ăn hàng thì giờ đây mua về nhà, nghĩa là đã có sự thay đổi về mặt thói quen. Cái đó đòi hỏi truyền thông, cùng với các biện pháp hành chính để dần từng bước thay đổi thói quen của người dân, qua đó khả năng phòng chống sự lây lan của Covid-19 sẽ tốt hơn.
Ông có thể đưa ra giải pháp nào để giảm các ca nặng, tử vong?
Hiện tại, thứ nhất, cần tăng cường quản lý bằng công nghệ. Nên có mã số duy nhất để quản lý bệnh nhân, quản lý F0, quản lý công dân bị nhiễm như người đó đã tiêm mấy mũi vaccine, có triệu chứng gì, có bệnh nền gì? Tóm lại, cần quản lý bằng công nghệ, bằng một đầu mối, mã số duy nhất có thể tích hợp các thông tin.
Thứ hai, tăng cường, nâng cao vai trò hệ thống y tế cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục phủ vaccine và tìm kiếm các loại vaccine có hiệu quả kết hợp với các loại thuốc điều trị Covid-19 tốt nhất. Tập trung cứu chữa cho những người có nguy cơ cao, những người có bệnh nền, để không gia tăng tỉ lệ tử vong, đồng thời cũng không quá tải hệ thống y tế.
Cuối cùng, phải truyền thông cho người dân, cho các cơ quan công quyền để người ta hiểu nhiệm vụ của bộ máy y tế trong việc phòng chống dịch bệnh.
Cần quan tâm đến vấn đề tâm lý hậu Covid-19 thế nào?
Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Đa phần những người bị nhiễm bệnh đều sẽ bị rối loạn lo âu, căng thẳng, rối loạn thần kinh sau Covid-19.
Để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó vai trò của các chuyên gia trị liệu tâm lý là rất quan trọng. Ngoài ra, người bệnh sau Covid-19 cần tích cực vận động, thể dục nhẹ nhàng cho bớt căng thẳng tâm lý, nên ăn các loại thức ăn giàu chất chống oxy hóa,...
Về góc độ quản lý, cần có chính sách hỗ trợ tốt cho người bệnh cũng như đội ngũ y tế chăm sóc người bệnh hậu Covid-19. Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng nên cần sự tham gia sát sao của các ngành, các cơ quan chức năng để có chính sách kịp thời, hợp lý cũng như có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng của hậu quả sau Covid-19 đối với đời sống xã hội.
Cảm ơn bác sĩ!
Nguyệt Anh