Bác sĩ ở Quảng Nam hơn 50 ngày không thể ra khỏi 'vùng đỏ'
Do thiếu nhân sự, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam phải làm việc liên tục tại khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sáng 14/8, Quảng Nam ghi nhận thêm 3 người nhiễm SARS-CoV-2. Đây là tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 của Việt Nam, sau tâm dịch Đà Nẵng.
PGS.TS Đặng Đức Nhu, chuyên viên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, người được tăng cường chống dịch tại Quảng Nam, đã chia sẻ với Zing về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây.
Thiếu hụt nhân sự
- Hai bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam sức khỏe giờ ra sao?
- Về cơ bản, 2 bệnh nhân này đều tiến triển tạm ổn. Tuy nhiên, với các bệnh lý nền khá phức tạp, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, BN592 (L.T.H., nữ, 100 tuổi) được chẩn đoán suy tim, sốc nhiễm trùng và dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân tỉnh, ăn uống khá hơn, không sốt, nhịp tim đều. Trường hợp này vẫn phải thở oxy, phát hiện tổn thương phổi.
Trường hợp còn lại là BN624 (T.T.M., nữ, 69 tuổi), được chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu, đái tháo đường type II, tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não kết hợp Covid-19. Bệnh nhân ngại tiếp xúc, không sốt và không cần thở oxy.
- Từ bệnh viện đa khoa chuyển sang điều trị Covid-19 khiến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam gặp khó khăn gì?
- Sau khi trở thành bệnh viện chuyên khoa, cơ sở y tế này cần số lượng lớn bác sĩ trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu, nội khoa và truyền nhiễm.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam có tổng nhân sự là 733. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, những người đang nuôi con nhỏ dưới 3-6 tháng tuổi và nhóm có bệnh nền được phép ở nhà. Sau khi đánh giá lại con số, chúng tôi nhận thấy bệnh viện đang thiếu 86 bác sĩ và 99 điều dưỡng để đảm bảo việc điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Do đó, một số bác sĩ phải túc trực trong bệnh viện nhiều ngày để điều trị những người dương tính với SARS-CoV-2. Chẳng hạn TS.BS Lê Viết Nhiệm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, đã làm việc hơn 50 ngày trong khu vực bệnh nhân nặng, chưa thể ra ngoài. Anh chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại, gọi video với gia đình.
Thông thường, các bác sĩ đổi ca sau 8 tiếng hoặc tối đa 14 ngày cách ly. Do thiếu bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, những trường hợp như bác sĩ Nhiệm buộc phải ở lại lâu hơn.
Xây bệnh viện dã chiến khi số lượng bệnh nhân tăng
- Với số lượng bệnh nhân đang gia tăng, trang thiết bị, cơ sở vật chất tại bệnh viện có đảm bảo công tác điều trị?
- Sau khi chuyển đổi thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đòi hỏi phải bổ sung nhiều bộ xét nghiệm, máy thở cùng các thiết bị bảo hộ.
Mỗi ngày, các nhân viên y tế phải sử dụng rất nhiều khẩu trang, quần áo bảo hộ khi di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Bên cạnh đó, vấn đề xử lý rác thải cũng yêu cầu bệnh viện phải làm nghiêm ngặt hơn. Trước đây, rác thải y tế và sinh hoạt có thể tách ra xử lý riêng. Tuy nhiên, hiện toàn bộ rác thải của bệnh viện đều được đưa vào danh sách nguy hại và xử lý theo quy trình đặc biệt. Qua đó, chi phí dành cho rác thải tăng lên 400 triệu đồng/tháng.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chỉ có thể tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân. Nguyên nhân là những khu vực còn lại được bố trí cho nhân viên hành chính, bệnh nhân điều trị khỏi, người cách ly.
Các trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã được dự phòng nhưng sẽ không đảm bảo khi số lượng bệnh nhân tăng. Ảnh: BVCC.
- Những phương án nào đã được đưa ra để khắc phục khó khăn?
- Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Đặc biệt, Sở Y tế Phú Thọ vừa điều động 24 cán bộ y tế gồm 12 bác sĩ, 12 điều dưỡng có chuyên môn về hồi sức, nội khoa và truyền nhiễm tới hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên y tế, chúng tôi ngăn không gian bệnh viện thành 3 khu vực, chia lối đi riêng cho các nhóm. Lối cho người an toàn là vùng xanh. Khu vực vận chuyển bệnh nhân hoặc bác sĩ di chuyển là vùng vàng. Nơi điều trị cho bệnh nhân nặng, người dương tính với virus là vùng đỏ.
Nếu số lượng bệnh nhân tăng lên, tỉnh Quảng Nam có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến. Địa điểm xây dựng có thể tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hoặc các cơ sở y tế khác thuộc tỉnh. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chịu trách nhiệm quyết định và xử lý.
Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam một số trang thiết bị như máy thở, bộ xét nghiệm, khẩu trang N95, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ... Ban lãnh đạo bệnh viện đã dự phòng các trang thiết bị cần thiết để ứng phó kịp thời trong trường hợp số lượng bệnh nhân tăng cao.