Bác sĩ ở tâm dịch New York: 'Tôi dặn đồng nghiệp hãy lập sẵn di chúc'

Lực lượng y tế tại Mỹ thấy sốc khi các vật dụng bảo hộ cạn kiệt, còn số bệnh nhân mắc virus tăng phi mã. Không ít người nghĩ đến viễn cảnh họ sẽ ra đi khi cố đẩy lùi đại dịch.

Những ngày này, Michelle Au, bác sĩ tại bệnh viện Emory St. Joseph (Atlanta, Mỹ) cảm thấy công việc của mình đang làm tựa như các công nhân đang dọn dẹp đống đổ nát sau thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra năm 1986.

“Nồng độ phóng xạ cao chết người, những người tham gia dọn dẹp chỉ được phép ra ngoài thực hiện nhiệm vụ trong một vài phút ngắn ngủi. Đồng hồ đếm ngược 30 giây, 20 giây, 10 giây. Giờ đây, tôi thấy mình cũng đếm y hệt vậy khi tiếp xúc với người bệnh mắc virus. Cảnh tượng vốn chỉ thấy trên phim, giờ là điều tôi đang trực tiếp trải qua ”, cô kể.

Là bác sĩ gây mê, Au chịu trách nhiệm cho phần nhiệm vụ được đánh giá là nguy hiểm nhất khi chữa trị virus corona: đặt nội khí quản vào những bệnh nhân không còn tự thở được.

Phương pháp này bao gồm việc đặt một ống vào khí quản người bệnh, khiến rủi ro lây nhiễm tăng vọt khi bác sĩ phải đến gần miệng bệnh nhân. Nhiều người có phản ứng thở ra hoặc ho khi ống được đưa vào.

 Số ca mắc bệnh tăng chóng mặt theo từng ngày tại Mỹ khiến lực lượng y tế tại nước này phải gồng mình chiến đấu đến kiệt sức. Ảnh: Reuters.

Số ca mắc bệnh tăng chóng mặt theo từng ngày tại Mỹ khiến lực lượng y tế tại nước này phải gồng mình chiến đấu đến kiệt sức. Ảnh: Reuters.

Mối lo giọt bắn mang theo virus tồn tại ngoài môi trường từ bước chữa trị này là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuần trước, Au đã đặt nội khí quản cho hai bệnh nhân mắc Covid-19.

Song, những rủi ro vô hình như virus có thể dính dưới móng tay hay trên tóc không làm nữ bác sĩ sợ sệt. Điều khiến cô lo lắng hơn cả là ở nhà, chồng và ba người con đang ngóng chờ cô.

Mỗi ngày, khi tan ca làm, cô sẽ đi tắm, gội đầu và thay quần áo. Chu trình được làm lại tương tự khi về đến nhà vì nỗi lo trên đường lái xe có thể vô tình nhiễm bệnh từ đâu đó.

Mới tháng trước, những biện pháp phòng ngừa đến cả một bác sĩ như cô vốn nghĩ là điều điên rồ, giờ trở nên không thể thiếu. Lấy dung dịch thuốc tẩy pha loãng. Lau sạch mọi bề mặt từng chạm vào: tay nắm cửa, tay cầm xe, điện thoại.

Hai tuần vừa qua, Au ngủ dưới tầng hầm. Trong khi chồng cô, một bác sĩ phẫu thuật, nằm tại phòng ngủ. “Một trong hai phải khỏe mạnh, không được phép ngã bệnh”, nữ bác sĩ giải thích.

Câu chuyện của vợ chồng bác sĩ Au không còn là cá biệt khi Mỹ đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân và lực lượng y tế gồng mình chữa trị đến kiệt sức.

"Sẽ có nhiều y bác sĩ ra đi"

Kể từ cuối tháng 2, John Marshall, Trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Maimonides (Brooklyn, New York), chọn cách không nằm ngủ chung với vợ mình.

Sống cùng gia đình giúp bác sĩ Marshall ít ra vẫn có cơ hội gặp mặt 3 người con trai của ông vài tiếng ngắn ngủi mỗi ngày. Nhưng không ít đồng nghiệp của anh chọn cách gửi vợ con đến nơi an toàn hơn hoặc thuê nhà ở một mình, tránh về nhà.

 Nhiều bác sĩ trải qua cú sốc khi lần đầu chứng kiến các vật dụng bảo hộ vốn sẵn có như khẩu trang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Ảnh: AP.

Nhiều bác sĩ trải qua cú sốc khi lần đầu chứng kiến các vật dụng bảo hộ vốn sẵn có như khẩu trang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Ảnh: AP.

Nhiều bác sĩ đã dính virus trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân. Chồng của bác sĩ Richa Bhardwaj, làm việc tại Bệnh viện Lenox Hill ở Manhattan (New York) đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Cô cũng đang chờ kết quả xét nghiệm của mình.

Gia đình giờ chịu cảnh chia cắt mỗi người một nơi. Cô con gái 5 tháng tuổi đang trong giai đoạn nuôi bằng sữa mẹ đành nhờ cậy vào sự chăm sóc của ông bà nội.

Hàng ngày, cô vắt sữa và nhờ bố mẹ chồng cho bé con ăn.

“Tôi phân vân liệu có nên tìm một chỗ đảm bảo an toàn hơn không cho con bé. Tôi quá rối bời vào lúc này. Tôi lo sợ mình sẽ truyền virus cho con gái”, Bhardwaj kể lại.

“Chúng tôi biết phải làm gì với vết thương do đạn bắn, phải xử lý thế nào khi ai đó bị nhiễm trùng hay đau tim. Nhưng hiện tại, chúng tôi không hề rõ cách nào chắc chắn bảo vệ bản thân và gia đình”, bác sĩ Marshall thừa nhận.

 Các bệnh viện ở New York đang đối mặt với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, tình trạng tương tự từng khiến các cơ sở ở Trung Quốc và Italy quá tải. Ảnh: Reuters.

Các bệnh viện ở New York đang đối mặt với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, tình trạng tương tự từng khiến các cơ sở ở Trung Quốc và Italy quá tải. Ảnh: Reuters.

Các nghiên cứu chỉ ra nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc virus corona có nhiều khả năng nhiễm bệnh với các triệu chứng nặng hơn người bình thường.

Nhiều bác sĩ đã chia nhau đồ bảo hộ, găng tay và khẩu trang cần thiết để giữ an toàn. Họ cũng buộc phải nghĩ đến những kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra với chính mình.

Cuối tuần trước, vợ chồng bác sĩ Au ngồi cùng nhau, bàn bạc việc ủy thác chăm sóc con cái trong trường hợp cả hai đều ra đi trong cuộc chiến chống đại dịch. Lần lượt 4 lựa chọn được đưa ra.

Tại bệnh viện, bác sĩ Marshall thậm chí đã khuyến khích các đồng nghiệp của ông viết sẵn di chúc.

“Chúng tôi đều nhận thức điều gì sắp xảy tới. Số người tử vong sẽ nhiều thêm, trong số đó chắc chắn có không ít các nhân viên y tế”, nam bác sĩ nói.

Bác sĩ Vicki Jackson làm việc tại bệnh viện Mass General tại bang Massachusetts, nhắn nhủ với chồng rằng cô muốn anh tái hôn nếu cô chết vì Covid-19.

“Nếu anh ấy có vợ mới, tôi chỉ cần cô ấy là một người dũng cảm, thế sẽ tốt hơn cho những đứa trẻ”, Jackson cho hay.

Sốc khi hệ thống y tế trở nên thiếu thốn

Những đoạn đối thoại bàn trước về tình huống xấu nhất có thể xảy ra là điều các bác sĩ như Au, Marshall, Jackson đã thực hiện trong nhiều năm làm việc, khi họ cần các bệnh nhân mắc bệnh nặng sẵn sàng tâm lý đối mặt với thực tế.

Giờ đây, họ đang áp dụng điều đó với chính mình.

“Hầu hết mọi người đều cố gắng chối bỏ rằng cuộc sống có thể xoay chuyển đột ngột trong thoáng chốc. Trong y học, chúng tôi hiểu rõ điều đó và nói sự thật với bệnh nhân về bệnh tình của họ là một phần công việc”, Jackson bộc bạch.

 Nhân viên y tế bang Indiana đưa một người có triệu chứng nhiễm virus corona đến bệnh viện. Ảnh: Getty.

Nhân viên y tế bang Indiana đưa một người có triệu chứng nhiễm virus corona đến bệnh viện. Ảnh: Getty.

Hiện tại, những cuộc nói chuyện với bệnh nhân có phần dễ dàng hơn. “Dường như bệnh dịch quá nặng nề, buộc các bệnh nhân phải có can đảm chấp nhận sự thật”, cô nói.

Bác sĩ Levine đã dành vài tuần qua để nói chuyện với các người bệnh lớn tuổi về việc họ có thay đổi ước nguyện chăm sóc y tế cuối đời nào không.

“Một bệnh nhân cho hay không muốn đặt nội khí quản. Bà ấy nhấn mạnh nếu người nào cần đến máy thở hơn, hãy nhường suất cho người đó”.

Nỗi sợ thiếu thốn máy thở, cạn kiệt đồ bảo hộ như khẩu trang giờ hiển hiện rõ rệt trong các bệnh viện Mỹ. Không ít nhân viên y tế bị sốc bởi đại dịch này đã phơi bày sự bấp bênh của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại đất nước họ.

“Ai có thể tưởng tượng rằng ở Mỹ, các bác sĩ sẽ phải lên mạng xã hội, cầu cứu kêu gọi hỗ trợ? Thậm chí, nhiều bệnh nhân đã gọi đến giúp đỡ chúng tôi. Họ đến bên ngoài bệnh viện để tặng những chiếc khẩu trang quý giá”, bác sĩ Au kể lại.

“Chúng tôi vốn mặc định những vật dụng y tế thiết yếu này luôn có sẵn. Chúng tôi không tin được khi có lúc phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn như vậy. Nhiều năm qua, bạn hoàn toàn tin tưởng hệ thống y tế”, cô nói thêm.

“Lực lượng y tế như thể đang đứng trong bóng tối nơi đại dương, chờ đợi những cơn sóng đổ ập tới tấn công, chỉ là không ai biết những đợt sóng sẽ dữ dội và cao đến mức nào”, bác sĩ Jackson so sánh.

Số ca mắc bệnh tăng theo cấp số nhân tại Mỹ khiến lực lượng bác sĩ, y tá tại nước này đang trải qua giai đoạn quá tải, gồng mình chữa trị, chăm sóc người bệnh không ngừng nghỉ trong nhiều giờ liên tục. Số giờ làm việc lên đến 80-100 tiếng/tuần.

Tuy nhiên, khi được hỏi về ý định bỏ cuộc vì quá áp lực, bác sĩ Bhardwaj khẳng định: “Với tư cách một người mẹ, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ đứa trẻ của mình. Song, tôi không bao giờ quên mình là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước”.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bac-si-o-tam-dich-new-york-toi-dan-dong-nghiep-hay-lap-san-di-chuc-post1065269.html