Bác sĩ ở TPHCM được đào tạo thế nào để có chứng chỉ hành nghề sau 18 tháng thực hành?
6 năm học ngành y khoa, sau khi tốt nghiệp các bác sĩ trẻ sẽ tiếp tục tham gia thực hành 18 tháng ở bệnh viện để thi cấp chứng chỉ hành nghề mới có thể hành nghề y.
Nếu như trước đây việc thực hành 18 tháng này chỉ thực hiện ở các bệnh viện lớn thì TPHCM đã thí điểm cho bác sĩ thực hành song song tại các trạm y tế xã, phường và trong bệnh viện.
Bác sĩ thực hành 18 tháng kết hợp Viện - Trạm
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề, với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa.
Đây là chương trình thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Có 295 bác sĩ mới tốt nghiệp ngành Y khoa của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đăng ký tham gia. Theo đó, các bác sĩ trẻ sẽ thực hành song song tại các bệnh viện lớn và trạm y tế.
Theo, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngay khi được giao đào tạo thực hành, các bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung đào tạo cho các bác sĩ tham gia chương trình.
Mỗi bác sĩ trẻ được hướng dẫn trực tiếp bởi các thầy cô là những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao tại 6 bệnh viện đa khoa tham gia đào tạo thực hành đợt này gồm: BV Nhân dân Gia định; BV Nhân dân 115; BV Nguyễn Trãi, BV Nguyễn Tri Phương; BV Lê Văn Thịnh; BV thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, còn có một số bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Từ Dũ, BV Nhi đồng 1.
Thời gian làm việc tại trạm y tế, các bác sĩ đã thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như: khám bệnh, chuyển viện, khám sàng lọc an toàn tiêm chủng, công tác truyền thông, quản lý các chương trình sức khỏe, tham gia phòng chống dịch Covid-19…
"Các bác sĩ trẻ tham gia chương trình này vào đúng ngay sau đợt cao điểm của dịch Covid-19 đi qua, khi lực lượng bác sĩ hỗ trợ từ cả nước đã 'rút quân' về. Lúc đó, khối lượng công việc lớn chồng chất tại các trạm y tế, chính sự bổ sung nhân lực từ các bác sĩ trẻ này đã giúp ích rất lớn cho các trạm y tế tại thời điểm đó. Họ đã dấn thân vào hỗ trợ ở thời điểm khó khăn nhất", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu xúc động chia sẻ.
Tương tự, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh đây là chương trình thí điểm đầu tiên ở TP.HCM và cả nước. Thay vì chỉ thực hành ở các bệnh viện lớn như từ trước đến nay thì khóa này thực hiện song song ở trạm y tế và bệnh viện.
Chương trình này Sở Y tế đã mời các bệnh viện đầu ngành để cùng ngồi lại và thống nhất chương trình đào tạo thực hành.
Chương trình đào tạo này đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Y tế nhưng lại có thêm phần thực hành tại trạm y tế. Cái hay của chương trình là các em được trải nghiệm cộng đồng, giúp các em hiểu người dân, người bệnh hơn và được trải nghiệm hết các vị trí công việc khác nhau để trưởng thành hơn.
"Lực lượng bác sĩ trẻ tham gia chương trình rất vất vả khi vừa thực hành ở trạm y tế các ngày trong tuần, thứ 7, chủ nhật thay vì nghỉ thì các em quay về bệnh viện trực. Thời gian thực hành thực tế nhiều hơn so với trước đây", PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nói.
Theo người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, trong chương trình đào tạo thực hành, các bác sĩ sẽ tham gia với vai trò là một bác sĩ. Được tham gia vào quá trình khám, chữa bệnh trực tiếp và được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên môn.
Trưởng thành hơn từ chương trình đào tạo 18 tháng
Là một trong những lứa bác sĩ trẻ đầu tiên tham gia chương trình thực hành 18 tháng để thi cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ trẻ Phạm Văn Phúc cho biết đã học hỏi và trường thành hơn rất nhiều.
Phúc thực hành tại trạm y tế Long Thành Mỹ (TP.Thủ Đức). Thời gian đầu thực hành Phúc và nhiều bác sĩ trẻ khác tham gia chương trình Chống dịch Covid-19, hỗ trợ trạm y tế khám sàng lọc, tiêm chủng.
Khi dịch bệnh giảm bớt, Phúc tham gia hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh ở y tế tuyến cơ sở và thực hành nâng cao chuyên môn, kiến thức ở bệnh viện đa khoa.
Thực hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia định, Phúc thực hành ở hầu hết các khoa và được cấp chứng chỉ hành nghề đa khoa.
"Thực hành tại trạm y tế, lợi thế của chúng tôi là được tiếp cận bệnh nhân từ lúc ban đầu, được tham gia thực hiện cấp cứu - hồi sức. Còn ở bệnh viện thì thực hiện nâng cao tay nghề khi được hướng dẫn nghiên cứu sâu cũng như theo dõi bệnh", Phúc chia sẻ.
Khi học ở đại học thì chúng tôi học lý thuyết nhiều hơn, còn khi thực hành bị giới hạn, chỉ dừng lại ở mức khám bệnh và chia sẻ lại với bác sĩ hướng dẫn. Còn khi tham gia đào tạo thực hành tại bệnh viện thì chúng tôi được tham gia với vai trò là một bác sĩ, được đưa ra chỉ định và chẩn đoán điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Sau 18 tháng tôi thấy mình có nhiều kinh nghiệm, áp dụng được lâm sàng nhiều hơn và cảm thấy tự tin vào tay nghề của mình", nam bác sĩ chia sẻ sau khóa thực hành kéo dài của mình.
Ngoài ra, tùy theo định hướng của mỗi người, nhiều bác sĩ trẻ sẽ theo học và xin đi trực thêm ở những chuyên khoa mà bản thân mong muốn làm việc sau này để nâng cao tay nghề.
Cũng vừa hoàn thành chương trình thực hành 18 tháng, bác sĩ trẻ Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết bản thân được lập hồ sơ bệnh án, thăm khám và ra chỉ định. Các thầy cô là các phó khoa, trưởng khoa là người trực tiếp hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" trong thời gian học việc ở đây.
"Việc được trực cấp cứu cũng giúp chúng tôi trưởng thành nhanh chóng khi tiếp xúc đa dạng loại bệnh, học cách xử trí trong những trường hợp khác nhau và cả cách giao tiếp với bệnh nhân", Thanh Tùng chia sẻ.