Bác sĩ pháp y tâm sự, nhiều người không muốn ngồi cạnh

Các bác sĩ pháp y của Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện trong quá trình làm nghề, trong đó có việc nhiều người không muốn ngồi cạnh.

Ngày 30-3, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Những câu chuyện nghề pháp y nhân dịp giới thiệu bộ sách pháp y gồm: Báo cáo pháp y, Hồ sơ di cốt, Tử thi kể chuyện, Chết chưa phải là hết.

Tại đây, thầy thuốc Ưu tú Ngô Hường Dũng - Bác sĩ chuyên khoa I, Cử nhân luật, nguyên Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Pháp y Quốc gia, Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, chia sẻ nghề pháp y là "nghề chọn người" chứ không phải người chọn nghề.

Theo ông Dũng, giống như trong tình yêu, có những cặp đôi yêu nhau trước rồi mới cưới, nhưng cũng có cặp cưới trước rồi mới yêu. Nghề pháp y cũng vậy, ban đầu ông từng rất sợ hãi, nhưng khi đã bước vào nghề, ông bắt đầu đam mê và yêu nghề. Ông chia sẻ: "Tôi ăn pháp y, ngủ pháp y", bởi để gắn bó lâu dài, phải thực sự yêu công việc mình làm.

Theo bác sĩ Dũng, pháp y Việt Nam hiện nay đã phát triển toàn diện trên ba lĩnh vực: pháp y truyền thống (giám định tử thi), giám định trên người sống và giám định trên hồ sơ.

 Bác sĩ Pháp y Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an (phải) chia sẻ câu chuyện về nghề Pháp y. Ảnh: VIẾT THỊNH

Bác sĩ Pháp y Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an (phải) chia sẻ câu chuyện về nghề Pháp y. Ảnh: VIẾT THỊNH

Ông cũng kể về những kinh nghiệm đáng nhớ, như vụ án phát hiện ba hài cốt trong khe núi ở A Sào, A Lưới. Những chi tiết nhỏ như lá chuối khô phủ lên hài cốt đã giúp các nhà pháp y xác định nhiều manh mối quan trọng.

Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng nhấn mạnh rằng pháp y là "nghệ thuật y học phục vụ pháp luật".

Nghề này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khả năng quan sát nhạy bén. Ông cũng chia sẻ những khó khăn trong việc viết sách pháp y ở Việt Nam, bởi "làm là một chuyện, viết lại là chuyện khác".

Theo ông Sơn, rất nhiều vụ án ly kỳ nhưng chưa được kể ra bởi sự thiếu hụt người viết chuyên sâu.

Ông cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn của nghề pháp y ở Việt Nam là nhận thức của xã hội. Theo ông Sơn, muốn công chúng có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề này thì cần thay đổi quan niệm pháp y với những hình ảnh ghê rợn.

"Nhiều người không muốn ngồi gần ông pháp y"- bác sĩ Pháp y Trần Ngọc Sơn nói và mong muốn có sự thay đổi trong nhận thức, tuyên truyền về nghề nghiệp của mình.

Nhã Nam vừa giới thiệu tới bạn đọc Bộ sách Pháp y với bốn tác phẩm chất lượng từ những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hình sự - pháp y bao gồm:

- Báo cáo pháp y của Sue Black (Anh)

- Tử thi kể chuyện của Ueno Masahiko (Nhật Bản)

- Hồ sơ di cốt của Lý Diễn Thiến (Trung Quốc)

- Chết chưa phải là hết của Mary Roach (Mỹ)

VIỆT LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bac-si-phap-y-tam-su-nhieu-nguoi-khong-muon-ngoi-canh-post841603.html