Bác sĩ quân hàm xanh tận tâm với đồng bào biên giới

Hơn 20 năm gắn bó với các địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An như: xã Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, chăm sóc sức khỏe cho người dân và đồng đội được tốt hơn. Đặc biệt, thầy thuốc biên phòng Lê Anh Đức còn tìm ra bài thuốc giải độc lá ngón, cứu được nhiều người.

Bác sĩ quân y Lê Anh Đức cứu sống thanh niên V.B.D ăn lá ngón tự tử ngày 12/11 vừa qua.

Bác sĩ quân y Lê Anh Đức cứu sống thanh niên V.B.D ăn lá ngón tự tử ngày 12/11 vừa qua.

Nhiều năm qua, ở một số xã vùng cao, biên giới thuộc tỉnh Nghệ An, trong đó có địa bàn xã Tri Lễ còn tồn tại vấn nạn người dân khi túng quẫn, mẫu thuẫn gia đình thường tìm cách kết liễu cuộc đời bằng cách ăn lá ngón. Khi được gia đình phát hiện đưa đến cơ sở y tế, trong tình trạng nguy kịch, họ mới nhận ra sự nông nổi và mong muốn được cứu sống.

Công tác ở địa bàn biên giới, nhiều lần bác sĩ Lê Anh Đức đã phải đau lòng chứng kiến những câu chuyện thương tâm, đáng tiếc.

Trường hợp chị P.T.C người dân tộc H’Mông. Chị ở tỉnh Hà Giang, lập gia đình và theo chồng về bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) định cư. Sau nhiều năm kết hôn, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có con, có lúc dẫn đến tranh cãi, bất hòa trong cuộc sống.

Vốn chịu cảnh xa quê, những lần mâu thuẫn với chồng đều rất tủi thân, ấm ức trong lòng. Một lần sau cuộc cãi vã với chồng, nghĩ quẩn, chị C. tìm ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời. Khi phát hiện sự việc, chồng và người thân hốt hoảng, ngay lập tức gọi điện cho bác sĩ Đức rồi nhanh chóng đưa chị đến trạm y tế xã.

May mắn, chị C. được bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp cấp cứu thành công, giữ được mạng sống. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Tri Lễ, sức khỏe của chị dần dần hồi phục.

Lá ngón chứa thành phần alkaloid có độc tính cao. Người ăn lá ngón thường bị ngộ độc rất nhanh, nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong.

Lá ngón chứa thành phần alkaloid có độc tính cao. Người ăn lá ngón thường bị ngộ độc rất nhanh, nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong.

“Tôi rất hối hận về hành động nông nổi của mình. Các thầy thuốc đã cho tôi một cuộc đời thứ hai. Bác sĩ Đức còn cho vợ chồng tôi những lời khuyên chân thành nhờ đó chúng tôi đã giải tỏa mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm để cuộc sống gia đình được ấm êm”, chị C. tâm sự.

Gần đây nhất là trường hợp nam thanh niên V.B.D (sinh năm 2001) ở bản Huồi Mới. Do bất hòa trong sinh hoạt gia đình, D. đã vào rừng hái lá ngón tự tử, nhưng được gia đình kịp thời phát hiện và đưa đến Trạm y tế xã Tri Lễ. Tại đây, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã phối hợp các nhân viên trạm y tế xã tiến hành cấp cứu, cứu sống cho nam thanh niên.

Bác sĩ Lê Anh Đức chia sẻ: “Ánh mắt ân hận, khao khát được sống của những người lỡ dại ăn ngón tự tử khi được người thân đưa đến cơ sở y tế đã thôi thúc tôi phải tìm ra bài thuốc giải độc để cứu người”.

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức thăm, khám bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức thăm, khám bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Khi hỏi về công thức của bài thuốc mà chính anh nghiên cứu ra, bác sĩ Lê Anh Đức không ngần ngại chia sẻ, quá trình theo dõi biểu hiện của những người ăn lá ngón, nghiên cứu độc tính của loại cây này và từ việc quan sát cách ăn uống của bà con đồng bào dân tộc H’Mông ở các bản làng vùng cao. Bà con người H’Mông khi đi rừng, lên núi thường vắt nước từ thân cây chuối rừng để uống. Tài liệu y khoa cũng chỉ ra rằng, nước từ cây chuối có thể đẩy được độc tố ra khỏi cơ thể con người. Từ đó, ý tưởng dùng nước ép từ cây chuối cho những người ăn lá ngón uống, rồi dùng các thủ thuật gây nôn, đẩy độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân đã được anh nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Nhờ bài thuốc bằng nước thân chuối, đến nay, bác sĩ Lê Anh Đức cùng các đồng nghiệp đã cứu chữa được 27 người bị ngộ độc lá ngón.

Ánh mắt ân hận, khao khát được sống của những người lỡ dại ăn ngón tự tử khi được người thân đưa đến cơ sở y tế đã thôi thúc tôi phải tìm ra bài thuốc giải độc để cứu người!

Bác sĩ Lê Anh Đức

Việc nghiên cứu tìm ra bài thuốc và cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón của Thiếu tá Đức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm sáng đẹp hình ảnh người "thầy thuốc quân hàm xanh" trong lòng nhân dân.

Bài thuốc quý này cũng được bác sĩ Đức chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp ở địa bàn khác và lan tỏa tới bà con các vùng biên giới, giúp cứu chữa được nhiều người ăn phải cây độc.

Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn tích cực triển khai nhiều chương trình giúp đỡ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói-giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe.

"Mô hình khám, chữa bệnh kết hợp quân dân y ở các đồn Biên phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đội ngũ quân y luôn tận tâm, tận lực để khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cùng người dân trên địa bàn, tiêu biểu là bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức với bài thuốc chữa độc lá ngón, cứu sống được rất nhiều người trong thời gian qua.

Sự gương mẫu, tận tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nói chung và đội ngũ y, bác sĩ công tác ở các trạm xá quân dân y kết hợp được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, góp phần gắn kết tình quân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng vùng biên vững mạnh toàn diện", Đại tá Lê Như Cương nhấn mạnh.

Lá ngón chứa thành phần alkaloid có độc tính cao, người ăn lá ngón thường bị ngộ độc rất nhanh, nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong. Để cứu nạn nhân thì phải nhanh chóng đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng cách gây nôn, móc hầu họng, nhưng cái khó nhất là chất độc alkaloid gây tử vong rất nhanh, nếu cho nạn nhân uống nhiều nước mà chưa kịp đào thải ngay thì cũng không kịp", bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức cho biết.

TRUNG HIẾU – VIẾT LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-si-quan-ham-xanh-tan-tam-voi-dong-bao-bien-gioi-post849356.html