Chung tay phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử

Hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bày bán bằng hình thức truyền thống mà còn bán trên nền tảng thương mại điện tử. Chống hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử tiếp tục là nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh tập trung thực hiện trong năm 2025.

Đội Quản lý thị trường số 5 lập biên bản cơ sở vi phạm hành chính về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh, bên cạnh những thuận lợi cũng tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Quản lý thị trường nói riêng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân hàng ngày livestream bán hàng đi khắp nơi. Đáng nói, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, nên các hành vi vi phạm trên nền tảng TMĐT vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không được bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, nhà trọ rồi lợi dụng TMĐT để kinh doanh. Hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Nhiều đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên nhiều fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng…

Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, lợi dụng chính sách tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về thuế, như không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế; không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế. Ngành thuế cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử. Khó khăn nữa, đó là máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội. Do đó, ngành thuế khó xác định được các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của người kinh doanh mở tại các tổ chức tín dụng, bảng sao kê giao dịch…

Trong khi đó, đại diện Công an tỉnh cho biết trên không gian mạng hiện nay có nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến rượu ngoại, hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử, thực phẩm chức năng...

Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm

Ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Công thương, cho biết phòng chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương, mà là trách nhiệm chung của các ngành liên quan. Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên TMĐT, cần coi mạng xã hội, các sàn TMĐT là một mặt trận, không gian ảo cũng như thật, để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo ông Hà Văn Út, cũng cần xây dựng hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát không gian mạng xuyên suốt, thống nhất từ các địa phương để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm; tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Ông Lê Văn Danh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết hiện các bộ, ngành đang hoàn thiện các quy định liên quan về TMĐT để trình Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó có 2 nghị định liên quan về sàn TMĐT xuyên biên giới và sàn TMĐT chung. Khi 2 nghị định này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương, cơ quan quản lý tổ chức quản lý hiệu quả lĩnh vực TMĐT. Hiện tại, các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh trên nền tảng TMĐT; tập huấn cho cán bộ, nhân viên các ngành liên quan kiến thức về không gian mạng, TMĐT để công tác quản trị, quản lý TMĐT tốt hơn, hiệu quả hơn...

Ông Lê Văn Danh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết hiện nay, trong khi chợ truyền thống ngày càng thưa khách thì hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT lại rất sôi động. Khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà, lướt mạng xã hội, sau 1-2 ngày hàng hóa sẽ được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Với việc mua - giao nhận hàng quá đơn giản, thuận tiện, vô hình chung các công ty chuyển phát trở thành kênh vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.

THANH HỒNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chung-tay-phong-chong-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-a339773.html