'Bác sĩ' sân khấu đi đâu?

Đời sống sân khấu giờ đây thiếu vắng những 'bác sĩ' có tâm và tài để 'bắt bệnh', đưa ra những ý kiến phản biện để tạo ra không khí sáng tạo sôi nổi.

Một cảnh trong vở nhạc kịch 'Sóng' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở nhạc kịch 'Sóng' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Bình Thanh.

“Có người ví von, coi nhà lý luận phê bình sân khấu là “bác sĩ” của sân khấu. Nền nghệ thuật sân khấu nào thiếu hoặc yếu “bác sĩ” ấy, thì sẽ, còm cõi, bệnh tật, thiếu hoàn thiện và chết yểu”.

Khi đề dẫn Hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, PGS.TS Trần Trí Trắc đưa ra lời cảnh báo không khỏi giật mình!

Mỏng và yếu

“Mong ngày tháng tới, Nhà nước chọn một đầu việc trong muôn vàn nhiệm vụ phục hưng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng để thực hiện một cách thiết thực như đào tạo đội ngũ để làm nghề chuyên nghiệp; giao cho một cơ quan, tổ chức cụ thể với không gian, thời gian nhất định thực hiện và có kiểm tra, có chính sách, có tổng kết, có hiệu quả cụ thể. Chớ nên “nói rồi để đấy” theo kiểu “cha chung không ai khóc”” - PGS.TS Trần Trí Trắc.

Cùng nhìn nhận lý luận phê bình luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của sân khấu, các nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ dẫn chứng về một đội ngũ được đào tạo bài bản ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Trường Đại học Tổng hợp Văn (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ngay trong những tháng năm đất nước còn chiến tranh.

Nhờ đó, phê bình sân khấu Việt Nam được phát huy rực rỡ, tạo vị thế rất đáng tự hào từ sự góp sức của những cây bút xuất sắc như thầy Hồ Thi, GS.TS Phạm Duy Khuê, các PGS.TS: Nguyễn Tất Thắng, Trần Trí Trắc, Nguyễn Thị Minh Thái…

“Có nhiều công trình, bài viết đứng trên góc độ đa chiều, kịp thời phát hiện, giới thiệu đến công chúng những cái hay, cái đẹp, thậm chí sự hạn chế về nội dung và hình thức của các tác giả, nghệ sĩ, tác phẩm sân khấu(…).

Phê bình đã trở thành cầu nối văn nghệ sĩ với công chúng, có vai trò hướng dẫn thị hiếu của công chúng thưởng thức tác phẩm sân khấu, gắn kết sân khấu với đời sống văn hóa của công chúng, gắn kết sân khấu với cuộc đời, với nhịp sống đương đại”, TS Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam ghi nhận.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều bày tỏ sự buồn lòng vì giờ đây lực lượng “bác sĩ” đó vô cùng mỏng và yếu, thậm chí PGS.TS Trần Trí Trắc còn cho rằng “đang khủng hoảng trầm trọng” và “không phải bây giờ mà thực trạng này kéo dài suốt 50 năm qua, vẫn không có gì chuyển biến”.

Ông Trắc nhìn nhận và đánh giá, từ khi đất nước thống nhất đến nay, nền sân khấu cách mạng ngày càng xuống cấp kéo theo lý luận, phê bình sân khấu tụt hậu thảm hại. Theo ông, cái gốc của khủng hoảng bắt đầu từ việc nhiều nhà lý luận, phê bình sân khấu được Đảng, Nhà nước đào tạo cả ở trong nước và nước ngoài.

“Nhưng, khi họ tốt nghiệp “nghề lý luận, phê bình” thì Đảng, Nhà nước lại không trọng dụng họ làm chính nghề, mà chuyển sang làm nghề khác: Quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, tác giả, theo chức năng, nhiệm vụ trái với bằng cấp vốn được đào tạo”, ông Trắc cho biết.

Thêm nữa, cũng theo ông Trắc, hiện nay, không có tổ chức, cơ quan Nhà nước nào làm chức năng “phê bình sân khấu”. Ngay ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có Ban Lý luận, Phê bình sân khấu (không lương), nhưng lại mang chức năng: Tư vấn cho Ban Chấp hành Hội về thực hiện Điều lệ Hội.

Ngay Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cũng chỉ là cơ quan mang chức năng: Hội chính trị nghề nghiệp xã hội – tư vấn cho Ban Tuyên giáo Trung ương, chứ không mang chức năng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

“Và trong khi nguồn nhân lực cũ cạn kiệt (vì đã mất hoặc già yếu, ốm đau, bệnh tật) và nguồn lực mới hầu như không có (Trường Sân khấu – Điện ảnh ngót 20 năm trở lại đây không mở được lớp vì không có thí sinh đăng ký thi tuyển đầu vào; trong các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không có mã ngành lý luận, phê bình sân khấu), làm cho cơ nghiệp ngành lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam trở nên ảm đạm muôn phần”, ông Trắc nói.

Tác giả Lê Quý Hiền cũng chỉ ra dù các nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa có phòng nghệ thuật, hội đồng thẩm định nhưng việc duyệt kịch bản, vở diễn gần như chỉ là hình thức: “Hội đồng thẩm định nhiều khi duyệt kịch bản một đằng, lúc duyệt vở diễn lại như duyệt một tác phẩm khác, không như kịch bản đã duyệt, song không thấy ai nói gì, gọi là duyệt sự đã rồi. Phải chăng, lý luận phê bình đang thiếu trong các phòng nghệ thuật của nhà hát, trong hội đồng nghệ thuật ngoài sự cảm tính?”, ông Hiền đặt câu hỏi.

Rõ ràng, đời sống sân khấu giờ đây thiếu vắng những “bác sĩ” có tâm và tài để “bắt bệnh”, đưa ra những ý kiến phản biện từ đó tạo ra không khí sáng tạo sôi nổi. Thường thường, các vở diễn mới được công diễn đều đặn theo kế hoạch, có thể rào rào lên tin trên các trang báo song không có những bài viết phê bình mổ xẻ, đánh giá đem đến cho ê-kíp sáng tạo những góp ý quý giá về chuyên môn.

NSND Thanh Trầm - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Hội Sân khấu Hà Nội) còn nhìn nhận, đội ngũ lý luận phê bình đang đứng ngoài cuộc vì những người có kinh nghiệm đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ không sống được với nghề, khiến đội ngũ nhà phê bình sân khấu các năm qua trở nên “mỏng”.

Và trong số người đang hoạt động thì không hiếm người có tâm lý thương cảm những đơn vị nghệ thuật, dẫn tới loạt bài viết theo tỷ lệ “bảy khen, ba góp ý”…

 Một cảnh trong vở cải lương 'Trời Nam' của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở cải lương 'Trời Nam' của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Khắc phục thế nào?

Trước thực trạng đáng buồn đó, các chuyên gia đánh giá, không thể một sớm, một chiều mà giải được bài toán thiếu hụt trầm trọng đội ngũ lý luận phê bình. Trước mắt, cần những yếu tố thúc đẩy hoạt động này, trong đó vai trò của các đơn vị nghệ thuật đặc biệt quan trọng.

Theo tác giả Vũ Minh Nguyệt, để vở diễn đến được với công chúng đạt chất lượng cao thì các nhà hát nên mời nhà phê bình cùng đồng hành trong quá trình dựng vở hoặc xem trước vở diễn, từ đó có những ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý cần bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện trước khi ra mắt khán giả.

 Một cảnh trong vở tuồng 'Nữ tướng Lê Chân' của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở tuồng 'Nữ tướng Lê Chân' của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Tuy nhiên, có mối lo đặt ra là tuổi tác của cây bút lý luận phê bình sân khấu ngày càng cao nên khó khăn trong việc thường xuyên đến rạp hát để theo dõi góp ý cho các vở diễn.

Thế nên, bà Nguyệt đề xuất giải pháp tình thế: “Nên chăng tập hợp một đội ngũ gồm tác giả và nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau, có khả năng nghiên cứu, lý luận, có tâm với nghề nghiệp, hợp thành một nhóm làm nhiệm vụ lý luận phê bình sân khấu. Nhóm này có thể trao đổi, tranh luận nhằm làm sáng tỏ những vấn đề hay, dở xung quanh vở diễn một cách khách quan, công tâm, có tính xây dựng; đặc biệt tránh vùi dập, công kích cá nhân, níu áo nhau dẫn đến mất đoàn kết, tiếp tục làm suy thoái công tác lý luận phê bình sân khấu và kìm hãm sự phát triển của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà”.

NSND Thanh Trầm thì nhấn mạnh đến vai trò của nhà quản lý thông qua việc phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và tác động tới sáng tác.

Tác giả Lê Quý Hiền đề xuất các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận phê bình, có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn.

“Các nhà chọn, duyệt kịch thiết nghĩ cũng nên trung thành với sự chọn duyệt của mình, tránh tùy tiện chọn kịch bản một đằng, cấp phép cho vở diễn đã duyệt kịch bản một nẻo thành vở diễn khác. Khi nhà quản lý sân khấu không phải là khán giả am hiểu và có hiểu biết về lý luận phê bình sân khấu thì chuyên ngành này mãi mãi đứng ngoài rìa đời sống sân khấu”, ông Hiền trăn trở.

 Một cảnh trong vở kịch 'Người trong cõi nhớ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở kịch 'Người trong cõi nhớ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, các hội chuyên ngành cần chú trọng hơn nữa hoạt động lý luận, phê bình và Nhà nước cần tạo cơ chế hoạt động hơn nữa cho các hội trong việc thúc đẩy sự phát triển của lý luận, phê bình sân khấu.

Nhân đây, bà Thu nêu ví dụ về Hiệp hội phê bình sân khấu Hoa Kỳ (ATCA), được thành lập từ năm 1974 có uy tín và danh tiếng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống sân khấu Mỹ.

Hiệp hội tập hợp các nhà phê bình sân khấu chuyên nghiệp chuyên viết bài đánh giá và phê bình sân khấu trực tiếp cho báo in, đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

“Hàng năm, ATCA tổ chức xét và trao nhiều giải thưởng như: Giải Tony cho nhà hát hoạt động nổi bật, hiệu quả nhất; giải thưởng vở diễn mới hay nhất, nhà viết kịch mới nhiều triển vọng nhất, ghi danh ở Đại sảnh Danh vọng Sân khấu Hoa Kỳ nằm ở sảnh của Nhà hát Gershwin (thành phố New York)… Các giải thưởng này được ATCA trao tặng được coi như là bằng chứng nhận uy tín, danh tiếng cho các nhà hát và đội ngũ văn nghệ sĩ sân khấu Mỹ”, bà Thu chia sẻ.

“Hiểu chữ “phê bình” đủ nghĩa, không chỉ là “phê” cho người ta thấy cái dở, sự thiếu sót của tác phẩm, mà còn phải “bình” đến nơi đến chốn sự thành công, cái hay, cái đẹp, không chỉ về nội dung tác phẩm mà cả hình thức thể hiện theo đặc thù ngôn ngữ của ngành nghệ thuật của tác phẩm được viết cũng như giá trị của tác phẩm trong bối cảnh xã hội và của sự phát triển ngành đó nếu có.

Soi chiếu tiêu chí đó vào thực tế, có thể thấy vẫn còn nhiều bài viết “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” cũng chẳng thấu đáo. Phải chăng: Chỉ có những ý kiến sau các buổi tổng duyệt là khả dĩ, còn nói chung không có phê bình sân khấu”, NSND Thanh Trầm - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Hội Sân khấu Hà Nội).

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bac-si-san-khau-di-dau-post693291.html