Bác sĩ Tâm lý trị liệu Nguyễn Hồng Bách: Bất kỳ ai cũng có thể rơi vào trầm cảm
Theo bác sĩ Tâm lý trị liệu Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng DrMP), nguyên nhân của chứng trầm cảm, là xã hội càng phát triển, con người càng nhiều nhu cầu, luôn trong trạng thái phải đấu tranh, cố gắng thì bệnh trầm cảm càng tăng cao.
Có 4 yếu tố dẫn đến trầm cảm: từ gia đình, xã hội, mối quan hệ và tự thân theo vòng xoáy của tự duy não bộ, họ tự đưa mình vào vòng lặp như: Công việc nhàm chán, thu nhập thấp, không thay đổi được, không thoát được... rồi rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trong 2 năm sau Covid-19, chuyển biến trầm cảm đang tăng. Theo Hiệp hội Tâm lý - Tâm thần Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba, chỉ sau Malaysia và Indonesia về sức khỏe tâm thần. Áp lực bệnh tật, cuộc sống, kinh tế... tác động vào, không dừng lại ở lứa tuổi cận trung niên, trung niên mà đa lứa tuổi hơn từ thiếu niên, thanh niên và người cao tuổi. Giờ đây, bất kỳ ai cũng dễ rơi vào trầm cảm.
“Trong 5 loại sóng Gamma, Beta, Alpha, Theta, Delta, thì trong đó có sóng Beta - sóng tiếp nhận thông tin não bộ con người. Không phải ai sinh ra đã có sóng xử lý thông tin từ mức 4 đến 6. Những ai ở mức đó, họ xử lý thông tin rất tuyệt vời. Còn nếu dưới 4 thì xử lý chậm chạp, họ bị các sóng thông tin kéo vào. Những người ấy có vẻ bình thường với công việc nhưng bên trong bị cuốn vào vòng xoáy của sự lặp. Khi không đào thải được các nguồn thông tin trong đó có thông tin tiêu cực, khi đến ngưỡng không chịu được thì họ ra đi”.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sau đại dịch Covid-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Theo thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Vậy làm thế nào để chúng ta đẩy lùi được bóng đen của trầm cảm?
Bình quân một ngày trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách phải tiếp đến 5 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân trầm cảm. Một tháng vừa qua, có 12 bệnh nhân trầm cảm tìm đến anh chữa trị, có ca nhận, và ca không thể.
Với tất cả bệnh nhân trầm cảm, cần hiểu kỹ lưỡng hơn theo chuyên môn. Để điều trị, có bác sĩ tâm lý lâm sàng và tư vấn tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách tốt nghiệp khoa Tâm thần học, chứng chỉ y khoa là bác sĩ tâm thần và nghiên cứu tâm lý lâm sàng. Theo ông, tư vấn tâm lý thì khá nhẹ nhàng, còn tâm lý lâm sàng là chữa cho bệnh nhân nặng. Khi chữa, cần hai cách thức như dùng thuốc, hoặc thôi miên, sử dụng năng lượng của người chữa bệnh, tạo các vòng lặp... Với những người có bệnh lý trạng thức trầm cảm có nguồn năng lượng xấu ủ ê, buồn bã, thất thần, bác sĩ phải có nguồn năng lượng mạnh hơn, áp chế được họ thì mới có thể xử lý giúp họ. Bác sĩ khi gặp bệnh nhân trầm cảm, cũng bị u ám nặng nề, không còn cảm giác hạnh phúc và diễn tiến tâm lý giống họ.
Những biểu hiện của người trầm cảm, có người co lại nhưng cũng có người bên ngoài vẫn đi lại nói năng giao tiếp như bình thường.
Có 3 loại: Trầm cảm theo mùa, trầm cảm áp bức và trầm cảm định tiến. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách nói, nguy hiểm nhất là trầm cảm định tiến. Bệnh nhân trải qua quá trình co mình lại không muốn giao tiếp, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn và dẫn tới trạng thái rối loạn lưỡng cực (rối loạn trầm hưng cảm) và dẫn tới tâm thần phân liệt. Trầm cảm định tiến chiếm tỉ lệ phần trăm rất lớn và đa phần bệnh nhân mà ông đang tiếp xúc là nguy hiểm nhất hiện nay.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, khi bị trầm cảm, chúng ta nên đến bác sĩ tâm thần và các bác sĩ tâm lý lâm sàng, có hai liệu pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc. Bác sĩ điều trị phải là người cực kì kiên trì và bệnh nhân cũng cần kiên trì. Có thêm cách là dùng hóa dược chữa bệnh, nhưng hậu quả việc dùng thuốc là bệnh nhân bị ảnh hưởng tới thần kinh sau này, họ bị lệ thuộc vào thuốc, dẫn đến suy kiệt sức khỏe tinh thần cũng như mắc bệnh lý khác như tim mạch nội khoa... Thuốc thì giải quyết nhanh nhưng độ bền thì không có. Còn chữa lâm sàng thì bền nhưng bác sĩ không thể nhận được bệnh nhân nhiều.
“Mỗi thể thức con người khác nhau, mỗi người tiếp nhận thông tin hay áp lực cuộc sống khác nhau, điều đầu tiên tránh rơi vào trầm cảm nên cởi mở bản thân, tìm một người bạn có thể tâm sự được”, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách chia sẻ. “Khi bị áp lực trong công việc, những vấn đề trong gia đình, xã hội, mỗi người phải nhận thức được bản thân có rơi vào trầm cảm hay không. Nếu có, thì phải tìm một người bạn để nói ra, đó là giao thức trong chia sẻ. Khi chia sẻ với người thân, chúng ta sẽ giải phóng được chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và oxytocin. Đó là điều quan trọng nhất để không dẫn tới trầm cảm.
Người có trầm cảm không nên tìm đến không gian tĩnh lặng để giải phóng não bộ, mà cần đến những nơi nhiều âm thanh ồn ào có tiếng nhạc. Nên giao lưu bạn bè, đến quán cà phê, đông vui nhộn nhịp, tránh chỗ trầm lặng”.