Bác sĩ TP.HCM cứu ca bệnh hiếm 100 năm mới có 156 ca

Thai phụ nhập cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng vì mắc bệnh hiếm gặp. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bất ngờ khi lần đầu tiếp nhận ca bệnh hiếm.

Thông tin được PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ trong buổi họp báo diễn ra chiều 14/3.

Thai phụ N.T.M.T. (21 tuổi, Đồng Tháp) được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 29/1 trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, cô đã được chuyển qua 2 bệnh viện tỉnh nhưng không chẩn đoán được bệnh.

Bệnh nhân khi đang mang thai con đầu 33 tuần, suy hô hấp, tụt huyết áp. Khi nhập viện, thai phụ gần như không thể nằm thẳng vì khó thở, chỉ có thể kê đầu cao và thở oxy.

Nội tạng dồn lên lồng ngực

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả chụp chiếu hình ảnh cho thấy các tạng trong cơ thể cô bị đẩy lên lồng ngực, khiến phổi trái xẹp hoàn toàn, gây suy hô hấp cao. Dạ dày bị tổn thương do thiếu máu nuôi.

Ngay lập tức, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị hoành kiểu Bochdalek nghẹt rất hiếm gặp. Đây cũng là trường hợp đầu tiên gặp trên thai phụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

"Xác định đây là tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu gấp, chúng tôi đã tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa nội viện, đồng thời liên lạc với Bệnh viện Hùng Vương hội chẩn liên viện để tìm ra phương án xử lý tốt nhất cho mẹ con bệnh nhân", ThS.BS Trần Vũ Đức, khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: L.T.

PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: L.T.

Trong quá trình hội chẩn, các bác sĩ đã rất đắn đo giữa 2 phương án xử lý. Nếu chờ thêm thời gian em bé phát triển đầy đủ để mổ bắt thai, các khối thoát vị có khả năng cao sẽ hoại tử, gây nguy hiểm tới sức khỏe người mẹ. Ngược lại, nếu phẫu thuật ngay để cứu sống người mẹ, nguy cơ cao sẽ khó giữ được thai nhi.

Không chần chừ, ác bác sĩ nhanh chóng quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay cho người mẹ, đồng thời sử dụng thuốc hỗ trợ não, phổi cho thai nhi. Nếu phải chào đời sớm hơn dự kiến, em bé vẫn được đảm bảo điều kiện sức khỏe cũng như giảm các di chứng về sau.

Ca mổ cấp cứu diễn ra ngay trong đêm, kéo dài trong hơn 4 giờ, hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi.

“Phương án mổ mở để giải phóng tạng thoát vị sẽ dễ hơn nhưng nguy cơ tổn thương tạng và sảy thai cao hơn. Vì thế, các bác sĩ chọn phẫu thuật nội soi để hạn chế va chạm vào tử cung, tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi nhất có thể”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp đã thành công giải áp cho khối thoát vị hoành. Một điều may mắn là các tạng chưa có dấu hiệu hoại tử.

Thai phụ được khâu tăng cường, khâu phục hồi lại cơ hoành trái cũng như đặt lưới chống dính 2 mặt. Điều này giúp cô hạn chế khả năng tái mắc bệnh trong lần mang thai tiếp theo.

 Bác sĩ Đức thăm khám cho sản phụ sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Đức thăm khám cho sản phụ sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Cuộc "chạy đua" căng thẳng

Sau phẫu thuật, thai phụ tương đối ổn định nhưng thai lớn khiến cô có tình trạng suy hô hấp nặng, phải chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị và bắt đầu có dấu hiệu của suy thai sau 36 giờ.

Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc Hà, bác sĩ hội chẩn từ Bệnh viện Hùng Vương, tại thời điểm đó, chỉ số SpO2 của người mẹ giảm, có thể bị ảnh hưởng đến thai nhi. Qua đo tim thai và cơn gò, các bác sĩ cũng phát hiện thai có nhịp tim kém, hầu như không có cử động.

Sau quá trình hồi sức thai nhưng không cải thiện, các bác sĩ quyết định mổ bắt thai.

Ca mổ kéo dài 40 phút, bé gái nặng 2 kg chào đời. Sau khi phẫu thuật, em bé được đưa về chăm sóc tại khoa Nhi, Bệnh viện Hùng Vương. Sức khỏe tiến triển hàng ngày và được xuất viện sau 7 ngày chăm sóc.

Người mẹ lúc này tiếp tục nằm hồi sức ở khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau một ngày, tình trạng hô hấp của người mẹ cải thiện rõ, phổi nở tốt, có thể rút nội khí quản và được xuất viện sau 6 ngày điều trị.

Sau một tháng xuất viện, sản phụ tiến triển tốt, riêng em bé cũng khỏe mạnh, bú sữa bình tốt và lên cân đều.

Theo PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thoát vị hoành bẩm sinh kiểu Bochdalek như trường hợp của sản phụ T. thường gặp ở gia đoạn thai nhi và tồn tại đến khi trưởng thành.

Tỷ lệ bệnh nhân là thai phụ mắc bệnh này là rất hiếm. Từ năm 1941 đến nay, y văn thế giới chỉ ghi nhận 156 ca bệnh có tình trạng tương tự. Tỷ lệ tử vong ở mẹ và bé lên tới 10-20%.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/bac-si-tphcm-cuu-ca-benh-hiem-100-nam-moi-co-156-ca-post1464893.html