Bác sĩ trả lời: Trẻ bị vàng da kéo dài có sao không?
Đến hiện tại thì bệnh này của bé không thấy giảm, bé chỉ bị vàng da trên mặt còn dưới người thì không bị và bé đi ngoài rất nhiều, thường xuyên bị nôn trớ ra ngoài. Xin bác sĩ cho biết bé bị như vậy thì có nguy hiểm gì không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!
(Anh Hải, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào anh Hải!
Theo thông tin của anh thì bé có 2 vấn đề là vàng da và các rối loạn của hệ tiêu hóa.
1. Về biểu hiện vàng da như mô tả thì bé có tình trạng vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con, cần được nhập viện chiếu đèn theo khuyến nghị của bác sĩ hoặc kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác để đào thải chất vàng da, hạn chế để lại di chứng cho bé nếu ngưỡng vàng da quá nhiều. Dù sao, bây giờ bé đã qua giai đoạn đó. Hiện tại bé chỉ vàng da vùng mặt nghĩa là không vàng nhiều và vàng da bất đồng nhóm máu thường kéo dài do lượng kháng thể còn tồn tại trong cơ thể bé, gây vỡ hồng cầu, và sẽ giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, vàng da trên 3 tuần tuổi được định nghĩa là vàng da kéo dài và có nhiều nguyên nhân gây vàng da kéo dài như suy giáp, bất thường hệ gan mật, nhiễm trùng đường tiểu, vàng da liên quan bú sữa mẹ… Trong đó suy giáp và bất thường hệ gan mật là các nguyên nhân cần được phát hiện sớm và can thiệp sớm để tránh các biến chứng bất lợi cho bé.
2. Rối loạn hệ tiêu hóa (đi ngoài rất nhiều và thường xuyên bị nôn trớ): có nhiều nguyên nhân liên quan đến tình trạng rối loạn của bé và cần được khai thác kỹ thông tin như số lần đi tiêu, tính chất phân, màu sắc phân, số lượng phân và các triệu chứng đi kèm; tình trạng nôn trớ của bé cũng cần thêm thông tin như bé sinh đủ tháng hay non tháng, tốc độ tăng trưởng, số lượng sữa bé bú mỗi cữ, khoảng cách giữa các cữ sữa… thì bác sĩ mới đánh giá cụ thể để có tư vấn chính xác. Nếu bé có nhiều vấn đề mà phụ huynh thắc mắc thì nên cho bé khám tại phòng khám sơ sinh để tư vấn cụ thể hơn nhé!
Trân trọng!
BS CKI Mai Xuân Tâm,
Khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ