Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần chỉ dấu hiệu nghiện mua sắm ở phụ nữ trung niên
Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy chưa có ca bệnh phải nằm viện vì chứng nghiện mua sắm, song ảnh hưởng rối loạn tâm thần của dạng nghiện này là có…
Tại tọa đàm truyền thông về chủ đề “nghiện internet và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần” chiều 25-7, bác sĩ Bùi Nguyễn Bảo Ngọc, Phòng Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nghiện internet được xếp vào nghiện hành vi, chia thành 5 nhóm.
Cụ thể gồm: nghiện tình dục trên mạng; nghiện quan hệ trên mạng; nghiện cờ bạc trực tuyến; nghiện mua sắm trực tuyến; quá tải thông tin (liên quan đến việc lướt web và tìm kiếm dữ liệu quá mức); nghiện game online.
Trong đó, nghiện mua sắm trực tuyến thường xảy ra nhiều ở phụ nữ, độ tuổi 18+ và trung niên. Dạng “nghiện” này có thể dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể, cũng như sự gián đoạn quan hệ và công việc, đặc biệt có thể dẫn đến hội chứng nặng hơn là trầm cảm.
Chia sẻ thêm về nghiện mua sắm trực tuyến, thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nghiện mua sắm gặp nhiều nhất ở nữ giới tuổi trung niên.
Người nghiện mua sắm ngoài các biểu hiện chung là tăng nhu cầu mua sắm, mua sắm liên tục ngay cả những hàng hóa mà bản thân chưa có nhu cầu dùng… thì biểu hiện rõ nhất thường liên quan chi tiêu vượt khả năng chi trả. Hoặc như nhiều bạn trẻ hiện nay quẹt thẻ tín dụng để mua, chi tiêu trước, trả tiền sau nên “mua vô tội vạ” dẫn đến mắc nợ, vượt quá khả năng chi tiêu..
Thông thường, lúc đầu việc mua sắm chỉ là ý thích, hoặc đôi khi là mua sắm trên mạng để giải tỏa căng thẳng thần kinh, ức chế tâm lý. Song dần dần ở một số người đã "say" đến mức không thể "phanh" được, thậm chí gia đình can ngăn cũng không được. Đó là hiện tượng của bệnh rối loạn tâm thần.
“Nghiện mua sắm thường gặp ở người có tâm lý không ổn định, có liên quan trầm cảm, lo âu. Thông thường, các hành vi nghiện mua sắm chỉ can thiệp tâm lý, bệnh nhân ngoại trú chứ không phải nhập viện điều trị” – bác sĩ Hải Yến chia sẻ.
Để can thiệp, các chuyên gia tâm lý có thể trao đổi, tư vấn tạo động lực giúp họ trả nợ nần, tái cấu trúc nhận thức thay đổi hành vi.
Ví dụ, khi mua sắm, cá nhân đó sẽ để món hàng định mua vào giỏ hàng và chờ thêm thời gian để cân nhắc, quyết định mua (có thể sau 7 ngày) để chắc rằng chỉ mua khi thực sự cần; khi mua một món đồ cần bỏ đi một món tương ứng không sử dụng chứ không mua ngay lập tức, thậm chí vay mượn để mua như trước đó.
Các liệu pháp cần áp dụng can thiệp là khi bệnh nhân tăng chi tiêu mà không ý thức về những nợ nần.
"Tuy nhiên, trước khi điều trị tập trung điều chỉnh hành vi tiêu dùng, mua sắm, cần tập trung giải quyết các bệnh lý khác trước. Ví dụ như, người đó có thể có các bệnh lý về trầm cảm, lo âu. Các bệnh lý này cần được điều trị trước, còn hành vi tiêu dùng sẽ điều trị sau" – bác sĩ Hải Yến cho biết thêm.