Bác sĩ xuyên kim, truyền dịch trực tiếp vào buồng ối cứu thai nhi
Các bác sĩ xuyên kim qua buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Nhờ đó, thai nhi bị thiểu ối được cứu sống kịp thời.
BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết có tới 4-5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối.
Tình trạng này khiến thiểu sản phổi thai nhi thai chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Ngoài nguyên nhân thiểu ối do bệnh lý của mẹ, bất thường thận thai nhi giảm sản xuất nước ối, 30% trường hợp không rõ nguyên nhân.
Trước đây, khi gặp tình trạng thiếu ối, các sản phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế, đa số bác sĩ khuyên bà bầu chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ. Do đó, nhiều gia đình phải chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.
Giúp ối trở về trạng thái sinh lý bình thường là phương pháp hiện đại đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Với can thiệp này, thai nhi sẽ tiếp tục phát triển an toàn trong bào thai mà không bị mắc các dị tật.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên của cả nước thực hiện phương pháp này.
Với phương pháp truyền ối, dưới hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ xuyên kim siêu nhỏ vào buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Khi lượng nước ối trở về bình thường, các bác sĩ dừng thủ thuật, đồng thời lấy 10 ml mẫu ối làm xét nghiệm di truyền cho thai.
Sau truyền ối, sản phụ được đánh giá tình trạng nhiễm trùng, toàn trạng mẹ và thai trong hai ngày, nếu ổn định thì được ra viện. Sản phụ được tư vấn chế độ sinh hoạt, lao động, chế độ ăn uống phù hợp.
Đồng thời, các bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm ối - em bé. Khi bộ nhiễm sắc thể của em bé bình thường, các bố mẹ có thể yên tâm giữ thai. Trong trường hợp bất thường, thiểu ối do di truyền, các bác sĩ sẽ có định hướng quyết định sớm cho sản phụ. Nếu 1-2 tháng sau, sản phụ tiếp tục thiếu ối, có thể sẽ được chỉ định truyền lại.
Thủ thuật này được thực hiện trong một phòng can thiệp vô trùng tuyệt đối. Đây là điều kiện quan trọng để bảo đảm thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, điều tiên quyết cho sự thành bại của can thiệp buồng ối là cần phải có những bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm can thiệp bào thai.
Hiện tại, kíp thực hiện chính kỹ thuật này ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện và BSCKI Nguyễn Thị Sim.
Bác sĩ Sim kể ca truyền ối đầu tiên được thực hiện cuối năm 2019 cho một thai phụ mang thai ở tuần 24. Tại thời điểm này, thai phụ có biểu hiện cạn ối sớm, thai suy dinh dưỡng. Sau khi được can thiệp truyền ối thành công, thai nhi đã sinh ra khỏe mạnh, sinh lý bình thường như những em bé khác. Đến nay, gần 20 trường hợp “mẹ tròn, con vuông” nhờ kỹ thuật này.
“Thủ thuật truyền ối phải xuyên kim chính xác. Khi em bé bị bó sát trong buồng ối như bị mặc áo chật, khe ối còn lại rất bé chỉ chừng 1 cm, chúng tôi phải bảo đảm kỹ thuật đưa kim vào đúng khe ối đó thì mới truyền được dịch mà không làm tổn thương cho bào thai. Nhưng nhờ kinh nghiệm chọc ối lâu năm, dù khó đến mấy, chúng tôi chỉ cần xuyên kim đúng một lần duy nhất là truyền ối được luôn”, bác sĩ Sim chia sẻ.
Theo BS Sim, kỹ thuật này được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần. Các bác sĩ cũng chống chỉ định can thiệp kỹ thuật này cho các thai phụ dưới 16 tuần, tử cung ngắn có dấu hiệu dọa đẻ non, rỉ ối, vỡ ối, thai dị dạng, nhiễm trùng cấp.