'Bác sĩ zona' và tấm lòng hết mình vì người bệnh

Gặp bác sĩ chuyên khoa II (BS CKII), Đại tá Lại Lan Phương khi chị đang chăm sóc cho người bệnh cao tuổi, tôi mới thấy công việc của một nữ Trưởng Khoa Tim mạch và Nội tiết ở một bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) không hề đơn giản.

Đứng đầu một đơn vị tim mạch “sinh sau đẻ muộn” và được coi là yếu thế so với các bệnh viện y học hiện đại là điều không hề dễ dàng. Nhưng khi gặp nữ bác sĩ nổi tiếng với bài thuốc điều trị thành công căn bệnh zona thần kinh, tôi đã hiểu được, vì sao chị lại giải được bài toán khó ấy. “Bác sĩ zona” chính là cái tên thân mật mà người bệnh đặt cho chị suốt hơn 20 năm qua.

Đại tá, bác sĩ Lại Lan Phương, Trưởng Khoa Tim mạch - Nội tiết Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an).

Đại tá, bác sĩ Lại Lan Phương, Trưởng Khoa Tim mạch - Nội tiết Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an).

Kết hợp Y học cổ truyền và y học hiện đại điều trị thành công bệnh zona thần kinh

Gặp Đại tá, BS CKII Lại Lan Phương, Trưởng Khoa Tim mạch và Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an khi chị vừa được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết chị chính là “bác sĩ zona” nổi tiếng bấy lâu.

Chị kể rằng, sau khi tốt nghiệp BS đa khoa của Học viện Quân y, chị đến với ngành YHCT như một duyên số khi đánh đổi nhiều cơ hội và hướng đi khác để gắn bó với YHCT. Năm 1989, chị nhận công tác tại Viện Sức khỏe Bộ Nội vụ, tiền thân của Bệnh viện YHCT Bộ Công an ngày nay. Chị may mắn là một trong những người đầu tiên góp nền móng xây dựng bệnh viện, từ quy mô nhỏ chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp, đến bây giờ là bệnh viện với quy mô hơn 400 giường bệnh.

Hơn 30 năm qua, chị không ngừng học hỏi, đọc sách để nâng cao trình độ chuyên môn và ứng dụng các phương pháp không dùng thuốc và những cây thuốc, vị thuốc Nam sẵn có để điều trị cho người bệnh. Và bài thuốc thành công được ứng dụng hơn 20 năm qua, đưa tên tuổi của nữ bác sĩ trở nên nổi tiếng chính là kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị thành công bệnh zona thần kinh.

Thời điểm đó chị công tác tại Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện, gặp rất nhiều ca bệnh zona thần kinh nặng tới khám. Người bệnh đến với chị hầu hết đều đã nhiễm khuẩn do bội nhiễm vi khuẩn, mình mẩy lở loét, đau rát, hôi tanh. Chị nhớ mãi, có một nữ bệnh nhân đến viện trong tình trạng gần như cả đầu và trán đều đã lở loét, chảy mủ, không ai dám lại gần. Bệnh nhân tuyệt vọng khi chữa chạy nhiều nơi không khỏi, đau đớn, không ăn không ngủ được, người suy kiệt.

Ngày đó zona thần kinh là bệnh mới, nhiều người chưa biết về bệnh nên đã tự chữa, đắp đậu xanh, gạo nếp và các loại lá cây không đảm bảo vệ sinh lên vết thương khiến bệnh càng biến chứng nặng. Nhìn bệnh nhân đau đớn, chị không đành lòng, động lực và niềm tin thôi thúc chị quyết tâm tìm ra bài thuốc chữa trị căn bệnh này.

Chị cùng BS Lê Đình Hà (khi đó là Phó Giám đốc Bệnh viện) sử dụng nhiều bài thuốc Nam, từ cây chó đẻ răng cưa, cây bọ mắm kết hợp với một số vị thuốc YHCT đắp vào vết thương cho bệnh nhân, kết hợp uống, không ngờ bệnh nhân khỏi bệnh rất nhiều. Lúc đó, chị mới nghĩ đến phải chế thành thuốc chứ không bôi tươi được.

Hằng ngày, chị vẫn ân cần thăm khám, bắt bệnh cho bệnh nhân.

Hằng ngày, chị vẫn ân cần thăm khám, bắt bệnh cho bệnh nhân.

Thế là, trong suốt 3 năm (1999-2002), chị bắt tay vào nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Đánh giá hiệu quả bài thuốc y học cổ truyền trong điều trị bệnh zona thần kinh” và phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội đưa ra bài thuốc Kim Hoàng giải độc (đóng viên nén) điều trị bệnh zona thần kinh. Sau đó, cũng từ cây thuốc này đưa vào chiết xuất với nước, cồn và sản xuất thành kem bôi cho bệnh nhân nhanh lành.

Cả hai phương pháp kết hợp điều trị bệnh rất hiệu quả, vừa giảm đau nhanh và vết thương mau lành. Thuốc và kem bôi đã nhanh chóng đưa vào sử dụng điều trị tại Bệnh viện YHCT Bộ Công an và bệnh viện trở thành một trong những bệnh viện đầu ngành về YHCT điều trị thành công nhất về bệnh zona thần kinh.

Kể từ đó, tên của BS Lại Lan Phương gắn liền với bệnh zona thần kinh, chị được bệnh nhân trên cả nước biết đến và gọi bằng cái tên trìu mến “Bác sĩ zona”. Hơn 20 năm qua, bài thuốc đến hiện tại vẫn đang được ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Bác sĩ có duyên với những ca bệnh khó

Chia sẻ về chặng đường hơn 30 năm gắn bó với ngành YHCT, BS Lại Lan Phương có những giai đoạn rất vất vả, đó là khi chị vừa tốt nghiệp, bệnh viện mới thành lập, cơ sở vật chất, điều kiện thiếu thốn; rồi những ngày dài chị đắm mình trong phòng nghiên cứu để tìm ra bài thuốc quý; hay những đêm trường thức tìm tài liệu, nghiên cứu và học tập không ngừng.

“Quá trình nghiên cứu và chế tạo thuốc rất gian nan. Nhưng khi thành công thì vô cùng hạnh phúc. Bệnh nhân trong cả nước tìm đến mình rất đông. Bệnh nhân điều trị zona thần kinh xong lại tiếp tục điều trị đau sau zona bằng châm cứu và kết hợp với YHCT. Phương pháp này rất hiệu quả, nhiều người đau dai dẳng nhiều năm, chạy chữa nhiều nơi không khỏi nhưng khi đến đây điều trị lại khỏi. Tôi đã hướng dẫn cho các bác sĩ trong khoa tiếp cận điều trị sau zona và rất thành công”, “Bác sỹ zona” chia sẻ.

Chị kể rằng, tài liệu nghiên cứu về bệnh zona thần kinh thời ấy rất ít nhưng may mắn chồng chị cũng là bác sĩ, khi đó anh đang ở Pháp và đã gửi về cho vợ rất nhiều tài liệu bổ ích để chị nghiên cứu.

Chị nhận mình là bác sĩ có duyên với các bệnh da liễu khi dày công nghiên cứu để điều trị được nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng như: nhiễm trùng da, bệnh lý bàn chân do biến chứng đái tháo đường, suy tim, tăng huyết áp kháng trị, các bệnh da liễu nặng như mày đay mãn tính, vảy nến... Chị nhớ lại, cách đây hơn chục năm, có một nam bệnh nhân sau khi đi nước ngoài trở về bị rối loạn tiêu hóa rất nặng, tóc rụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, phù toàn thân, da lở loét nghiêm trọng.

Bệnh nhân này đi đến đâu cũng đeo tấm biển trước ngực “tôi không bị “HIV” vì nhìn anh ấy ai cũng ám ảnh là người nhiễm HIV. Không ai muốn lại gần vì không chịu được mùi tanh từ anh bốc lên. Bệnh nhân đã chữa ở vài bệnh viện lớn nhưng đều không chẩn đoán được anh mắc căn bệnh gì. Cứ thế, anh bị kỳ thị, xa lánh đến nỗi người thân cũng phải ngần ngại mỗi khi chăm sóc, tiếp xúc với anh.

Khi BS Lại Lan Phương khám cho nam bệnh nhân, một mặt chị gửi người bệnh đi truyền máu, mặt khác chị không ngừng suy nghĩ, tìm tòi căn nguyên dẫn đến căn bệnh như một dạng nhiễm trùng da nghiêm trọng này. May mắn một lần nữa lại đến khi thời điểm đó chị đang tham gia nghiên cứu đề tài “Nâng cao sức miễn dịch cho người bệnh HIV/AIDS”.

Một ý nghĩ táo bạo nhưng đầy sáng tạo đã nảy sinh khi chị thử cho bệnh nhân sử dụng thuốc nâng miễn dịch điều trị cho người HIV để điều trị cho nam bệnh nhân. Kết quả vượt ngoài mong đợi, sau vài đợt dùng thuốc, bệnh nhân hết viêm da, hết tiêu chảy, cơ thể khỏe mạnh và trở về sinh hoạt bình thường.

Ngày bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, anh và gia đình đã rất xúc động, bày tỏ lòng biết ơn tới bác sĩ. Trong hơn 30 năm làm nghề, chị đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân viêm da cơ địa, viêm da dị ứng thành công. Có bệnh nhân vào viện da bong tróc như da rắn, chảy dịch đã được chị điều trị tiến triển rất tốt.

Bác sĩ Lại Lan Phương hướng dẫn các đồng nghiệp phương pháp điều trị biến chứng bàn chân do tiểu đường.

Bác sĩ Lại Lan Phương hướng dẫn các đồng nghiệp phương pháp điều trị biến chứng bàn chân do tiểu đường.

Từ “yếu thế” trở thành “hot” nhất Bệnh viện

Trải qua nhiều vị trí, từ bác sĩ điều trị tại Khoa Nội, đến Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Phó Trưởng Khoa Nội II, ở nhiệm vụ nào chị cũng luôn hết lòng vì bệnh nhân, luôn lấy tấm lòng nhiệt huyết để đối đãi với người bệnh. Bệnh viện YHCT Bộ Công an “sinh sau đẻ muộn” hơn các bệnh viện YHCT khác, do còn non trẻ nên hướng đi của bệnh viện là phải kết hợp YHCT và y học hiện đại (YHHĐ) để điều trị, và hướng đi này đã tạo nên tên tuổi của bệnh viện trong những năm gần đây.

Năm 2010, BS Lại Lan Phương được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Tim mạch và Nội tiết, nếu so với các bệnh viện YHHĐ thì Khoa Tim mạch và Nội tiết trong Bệnh viện YHCT là thế yếu. Làm thế nào để dẫn dắt khoa phát triển, thu hút bệnh nhân là bài toán khó đặt ra với chị.

“Lúc đó tôi cũng lo lắm, trăn trở, suy tư nhiều đêm, sau đó nghiên cứu kỹ lên phương án xây dựng kế hoạch để thu hút bệnh nhân. Được sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, chúng tôi tham mưu, đề xuất lãnh đạo bệnh viện xin chỉ tiêu cho bác sĩ đi đào tạo ở Đài Loan, Trung quốc; gửi bác sĩ học nâng cao chuyên môn tại Khoa Nội tiết, Tim mạch Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tim Hà Nội và thực hiện hội chẩn nội viện, liên bệnh viện với các chuyên gia đầu ngành.

Còn bản thân tôi đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế... để có thêm kinh nghiệm. Sau 2-3 năm, nhờ kết hợp nhuần nhuyễn giữa YHCT và YHHĐ, người bệnh đến với Khoa Tim mạch - Nội tiết tăng lên theo cấp số nhân, nhiều bệnh nhân rất nặng tin tưởng đến khám và điều trị”.

BS Lại Lan Phương không khỏi tự hào khi chị đã dẫn dắt đội ngũ y, bác sĩ của khoa xây dựng được cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, được tín nhiệm, trở thành khoa chủ lực của bệnh viện. Khoa Tim mạch và Nội tiết liên tiếp nhiều năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và Cờ thi đua của Bộ Công an.

Đến nay, khoa xây dựng được cả phòng khám chuyên khoa, có hơn 2.000 bệnh án bệnh mãn tính về tim mạch và nội tiết. Khoa luôn có từ 70-80 bệnh nhân nội trú, phòng khám ngoại trú khám hơn 100 bệnh nhân/ngày. Hiện, khoa đang có phòng tư vấn chăm sóc cho bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp. Bệnh nhân đến khám, tư vấn chủ yếu là lớn tuổi, mắc nhiều bệnh một lúc, vừa tim mạch, tiểu đường, vừa xương cơ khớp, dạ dày, suy nhược thần kinh...

BS Lại Lan Phương cho biết, chị đang tâp trung xây dựng mũi nhọn của khoa là điều trị biến chứng bàn chân do tiểu đường, các vết loét bàn chân lâu liền bằng kết hợp YHCT và YHHĐ, đã điều trị rất nhiều ca thành công. Bệnh viện vừa nhập máy chiết tách huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị các vết loét mãn tính, lâu liền cho bệnh nhân, đỡ chi phí tốn kém và thời gian chăm sóc so với phương pháp điều trị của YHHĐ là ghép da, kích thích tăng sinh biểu bì.

“Áp dụng phương pháp dùng máy chiết tách huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp YHCT khiến vết thương nhanh liền và giảm chi phí điều trị” - BS Phương nói.

BS Lại Lan Phương chia sẻ, trước đây chị không bao giờ nghĩ áp dụng YHCT điều trị suy tim nhưng giờ điều trị rất tốt. Bệnh động mạch vành mãn tính, bệnh viêm tắc động mạch chi, huyết khối tĩnh mạch chi, tăng huyết áp, biến chứng tăng huyết áp đều được khoa kết hợp YHCT và YHHĐ điều trị rất thành công.

Hơn 30 năm cống hiến cho ngành YHCT, BS Lại Lan Phương đã hoàn thành 5 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 công trình cấp Bộ, được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Công an, Bộ Y tế, 7 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua và năm 2020 chị được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Với chị, niềm vui là được chăm sóc người bệnh, là được cống hiến cho y học, là không ngừng say mê, sáng tạo tìm những bài thuốc quý chữa trị những căn bệnh da liễu khó, giúp người bệnh có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Trần Hằng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/bac-si-zona-va-tam-long-het-minh-vi-nguoi-benh-585110/