Tạo lối sống xanh từ việc hạn chế dùng túi nilon

Để tạo thói quen sống xanh lành mạnh, nhiều cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai mô hình 'Đi chợ bằng làn' tới hội viên để hạn chế tối đa việc thải rác nilon ra môi trường.

Mỗi khi đi chợ, chị Nguyễn Thị Huệ, ở phường Mỏ Chè (TP. Sông Công), đều dùng làn hoặc túi giấy tự phân hủy để đựng thức ăn.

Mỗi khi đi chợ, chị Nguyễn Thị Huệ, ở phường Mỏ Chè (TP. Sông Công), đều dùng làn hoặc túi giấy tự phân hủy để đựng thức ăn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ở phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) lâu nay đều dùng làn đi chợ và túi giấy thân thiện với môi trường thay vì túi nilon.

Chị Nguyễn Thị Huệ: Hồi đầu, khi ra chợ, các chị bán hàng thịt, rau, hoa quả thấy tôi từ chối dùng túi nilon đều ngạc nhiên. Rồi họ quen dần với việc tôi cho đồ ăn vào túi giấy có khả năng tự phân hủy hoặc bỏ thẳng vào làn xách về nhà. Dùng làn đi chợ và túi giấy vừa bảo vệ môi trường cũng là vì sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Không riêng chị Huệ, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã chủ động hạn chế dùng túi nilon khi đi chợ để giảm thiểu việc xả túi nilon ra môi trường. Được biết, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã triển khai phong trào "Phòng chống rác thải nhựa" gắn với mô hình “3 có, mô hình nhà sạch - vườn đẹp”, mô hình "Đi chợ bằng làn” tại tất cả các huyện, thành trên địa bàn tỉnh.

Thực tế ở huyện Phú Lương, chúng tôi thấy các chi hội phụ nữ trên địa bàn đều tuyên truyền đến hội viên về tác hại từ túi nilon sau khi không sử dụng, sẽ rất lâu mới phân hủy được, còn nếu đốt thì mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Chị Khuông Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Lương: Hội đã phát động và triển khai mô hình "Đi chợ bằng làn" trong toàn huyện, trao trên 2.000 chiếc làn cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, giúp chị em hình thành lối sống xanh lành mạnh, hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ và trong sinh hoạt.

Tôi nhớ lại mấy năm trước mình hay đến mua đồ ở cửa hàng TokyoLife trên địa bàn TP. Thái Nguyên, được nhân viên thông báo dừng cung cấp miễn phí túi mua hàng bằng nilon trên toàn hệ thống. Cửa hàng cũng khuyến khích khách sử dụng túi của mình hoặc bỏ tiền mua túi gấp gọn tiện lợi, có khả năng tái sử dụng nhiều lần. Việc kiên định "lập trường" không phát túi nilon từ nhiều năm nay của cửa hàng đã hình thành thói quen cho người đến đây chỉ có thể mang theo túi của mình hoặc bỏ phí mua túi thân thiện.

Nói như thế để khẳng định, việc loại bỏ thói quen dùng túi nilon khi đi chợ và trong sinh hoạt không chỉ từ một phía người dân mà còn cần sự vào cuộc của đơn vị bán hàng. Và dần dần, việc dùng làn hay túi thân thiện với môi trường khi đi chợ, mua sắm sẽ không còn lạ lẫm trong đời sống, để lan tỏa tinh thần sống xanh, lành mạnh trong mỗi gia đình…

Túi nilon thải ra môi trường mất từ 400-1.000 năm mới phân hủy, là tác nhân gây hủy hoại môi trường, giết chết nhiều sinh vật trên cạn và cả dưới nước. Những túi nilon thường là đồ tái chế, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ có nguy cơ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng sang thức ăn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, mỗi ngày, ở Việt Nam có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra, phần nhiều từ việc các bà nội trợ dùng để mua hàng.

Duy Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202411/tao-loi-song-xanh-tu-viec-han-che-dung-tui-nilon-924301a/