Bác sỹ…robot
Các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối của TPHCM đang tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo vào nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, góp phần đặt những nền móng vững chắc để xây dựng thành phố trở thành 'Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực các nước Đông Nam Á' theo định hướng của UBND TPHCM.
Mổ giỏi hơn… người
Sự thành công của ca phẫu thuật u não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive tại bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) trong năm 2019 là dấu ấn quan trọng trên bản đồ y khoa thế giới. Bệnh viện này là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot Modus V Synaptive vào phẫu thuật thần kinh, sọ não. Bệnh nhân được phẫu thuật là một phụ nữ 67 tuổi, quê ở huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), nhập viện với triệu chứng đau đầu, nói khó khăn, tay chân phải bị yếu...
Sau khi thăm khám, xét nghiệm và khảo sát cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u não ở vùng trán đính (T) khoảng 2cm, cách vỏ não khoảng 1,5 - 2cm ảnh hưởng đến chức năng vận động. Khối u kích thước rất nhỏ, đơn độc. Các phẫu thuật thông thường sẽ “vén” não tìm tổn thương và sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh cho người bệnh. Sau khi thăm khám, hội chẩn đánh giá các chức năng cần thiết, các chuyên gia nhận định người bệnh nằm trong giới hạn cho phép được phẫu thuật bằng robot để lấy khối u và tránh các tổn thương lên não.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị, robot Modus V Synaptive và GS Amin Kassam (Phó chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora - Hoa Kỳ), ê kíp phẫu thuật của bệnh viện gồm 3 bác sĩ Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại - Thần kinh); Lưu Kính Khương (Trưởng khoa Gây mê hồi sức) và Nguyễn Văn Tuấn(Phó Trưởng khoa Ngoại - Thần kinh) đã bóc tách lấy ra khối u từ trong não bộ của bệnh nhân mà gần như không gây tổn thương đến cấu trúc não kế cận.
Đặc biệt hơn, ca mổ chỉ kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, sớm hơn dự kiến 2 giờ và nhanh hơn rất nhiều so với mổ bằng kính vi phẫu cổ điển thường phải mất khoảng 4 giờ. Và, chỉ sau 2 tiếng được phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định…
Modus V Synaptive trang bị trong ca phẫu thuật nói trên là hệ thống robot tiên tiến, hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Hệ thống được ứng dụng tại Mỹ từ năm 2015 và chỉ 3 năm sau được đưa về bệnh viện Nhân dân 115 với thế hệ thứ hai, có tính năng vận hành nhanh và độ chính xác cực cao. Hệ thống robot nói trên do Canada sản xuất chuyên dùng trong phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến sọ não và cột sống.
So với hai hệ thống robot Da Vinci và Rosa, Modus V Synaptive có ưu thế hơn khi trực tiếp chụp ảnh MRI từng phần trên cơ thể bệnh nhân, sau đó hướng dẫn phẫu thuật viên thực hiện với độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh. Đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác đến cực tiểu. Đến thời điểm này, bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai phẫu thuật robot Modus V Synaptive thành công cho hơn 10 trường hợp bệnh lý u não, u tủy sống và chưa xảy ra biến chứng sau mổ.
Nhanh chóng làm chủ công nghệ
Phẫu thuật nội soi robot (robotic surgery) được thực hiện đầu tiên ở Mỹ từ cuối thập niên 1980. Hiện nay, phẫu thuật robot đã trở thành phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, đi đầu trong việc ứng dụng robot vào phẫu thuật là bệnh viện Bình Dân (TPHCM).
Bệnh viện này đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi robot trên bệnh nhân là người lớn đầu tiên vào tháng 11/2016 và được Bộ Y tế đánh giá là thành tựu y khoa của Việt Nam. Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 64 tuổi quê ở Quảng Ngãi được robot phẫu thuật cắt khối u đại trực tràng với sự hỗ trợ của các chuyên gia phẫu thuật nước ngoài. Đến nay, chỉ sau 4 năm, các bác sĩ Việt Nam đã tự tin làm chủ công nghệ phẫu thuật này.
Hiện nay, tại bệnh viện Bình Dân, nhiều bệnh lý được chỉ định phẫu thuật bằng robot. Phương pháp nói trên đặc biệt hiệu quả trong phẫu thuật điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim... Các bệnh nhân được phẫu thuật bằng robot tại bệnh viện Bình Dân đến nay đều phục hồi sức khỏe rất tốt.
Trong một lần tháp tùng lãnh đạo Thành ủy TPHCM đến thăm bệnh viện Bình Dân, chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến bác sỹ mổ chính trong một ca phẫu thuật bằng robot cứ như đang... chơi game thực tế ảo. Ông không đứng hay ngồi sát bàn mổ, trực tiếp cầm dao như thông thường mà ngồi ở bàn điều khiển đặt ở góc phòng mổ, cách bàn mổ khoảng 4m. Bác sĩ quan sát trên màn hình, hai tay thao tác cần điều khiển một cách khéo léo. Dưới chân bác sĩ mổ chính còn có bộ phận điều khiển khác.
Tương ứng với mỗi cử động tay và chân của bác sĩ tại bàn điều khiển, cánh tay robot sẽ thực hiện chính xác các y lệnh và trực tiếp mổ cho bệnh nhân. Trong lúc bác sĩ chính thao tác trên các cần điều khiển, các bác sĩ khác trong ê kíp sẽ hỗ trợ cánh tay robot phẫu thuật như thay dụng cụ, thay dao mổ, hút dịch,… theo y lệnh của bác sĩ mổ chính. Tất cả các hoạt động trong phòng mổ diễn ra nhịp nhàng và chính xác cao độ.
Tại Việt Nam, bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) là bệnh viện thứ ba triển khai phẫu thuật nội soi bằng robot (chỉ sau Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Bình Dân TPHCM) vào điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, cắt nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận -niệu quản, ung thư gan,… Đây là robot Da Vinci do Mỹ sản xuất. Robot phẫu thuật tại bệnh viện Chợ Rẫy đã phát triển đến thế hệ thứ tư với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D...
Robot phẫu thuật Da Vinci cho phép bác sĩ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu của các cơ quan qua màn hình 3D, chất lượng hình ảnh chuẩn HD với độ phóng đại 12 lần. Trong khi đó, các hoạt động của cánh tay máy có thể thao tác ở những vị trí sâu, khó trong cơ thể. Robot còn có khả năng bóc tách khối u và khâu nối một cách tỉ mỉ…
Ưu thế vượt trội
Theo TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, hệ thống robot phẫu thuật khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi và mổ hở truyền thống. Mổ bằng robot, bệnh nhân ít bị mất máu, được điều trị triệt để và giảm được đáng kể các tai biến, biến chứng... Ngoài ra, bệnh nhân ít chịu đau đớn bởi vết mổ ngắn, có thẩm mỹ tốt hơn đồng thời sức khỏe bệnh nhân nhanh hồi phục và sớm xuất viện. Phẫu thuật bằng robot đặc biệt hiệu quả đối với các bệnh lý mà các kỹ thuật mổ khác chưa hoàn thiện như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư trực tràng...
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/bac-syrobot-1651149.tpo