'Bậc thầy' dạy trẻ về lòng can đảm

Trẻ em học giỏi hơn ở trường khi sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Mặc dù không phải trẻ nào cũng có lòng dũng cảm ngay từ đầu, nhưng giáo viên là người có thể giúp các em xây dựng đặc tính này.

Trẻ can đảm khi dám giơ tay hỏi về kiến thức mình chưa hiểu.

Trẻ can đảm khi dám giơ tay hỏi về kiến thức mình chưa hiểu.

Để trẻ đối mặt tình huống đáng sợ

Tiến sĩ tâm lý Stanley J. Rachman - Khoa Tâm lý học tại Đại học British Columbia (Canada) định nghĩa, lòng can đảm là một “hành vi tiếp cận bất chấp trải nghiệm sợ hãi”. Điều này có nghĩa, can đảm không phải là một cảm giác, mà là một sự lựa chọn để hành động.

Khi Peter Muris thực hiện nghiên cứu “Nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm ở trẻ em: Hai mặt của cùng một đồng xu?”, ông đã phỏng vấn 51 trẻ em từ 8 - 13 tuổi về điều dũng cảm nhất chúng từng làm. Ông phát hiện, cảm giác sợ hãi không chứng tỏ một đứa trẻ sẽ chùn bước. Ngược lại, mức độ sợ hãi thấp cũng không chứng tỏ trẻ sẽ thể hiện sự can đảm.

Nhà nghiên cứu Muris cũng đo mức độ can đảm và lo lắng của trẻ, thông qua những câu hỏi. Ông nhận thấy, những đứa trẻ bản lĩnh hơn thường có ít dấu hiệu lo lắng.

“Khi đối mặt với mối đe dọa, những trẻ can đảm thực hiện hành vi bằng cách tiếp xúc với kích thích hoặc tình huống đáng sợ. Trẻ ít có khả năng phát triển các vấn đề lo lắng nghiêm trọng”, nhà nghiên cứu Muris cho biết.

Ông nói thêm, việc tránh những tình huống đáng sợ khiến các vấn đề lo lắng tiếp tục tồn tại, thậm chí là leo thang. Đó là lý do các nhà trị liệu hành vi đã điều trị thành công cho bệnh nhân tâm thần bằng cách cho họ dần tiếp xúc với những kích thích gây sợ hãi.

Tương tự, giáo viên có thể khuyến khích trẻ đối mặt với những tình huống đáng sợ, như làm các bài toán khó hoặc nói chuyện với bạn cùng lớp mà trẻ chưa quen. Bằng cách nhẹ nhàng đẩy học sinh ra khỏi vùng an toàn, giáo viên có thể giúp ngăn trẻ gặp tình trạng lo lắng thường xuyên.

Theo bài báo của Tiến sĩ - nhà tâm lý học người Mỹ Michele Borba được đăng tải trên US News vào tháng 10/2017, dạy học sinh lòng dũng cảm cũng có thể giúp các em khám phá sức mạnh nội tại. Những đứa trẻ biết mình cứng rắn như thế nào sẽ đứng vững trước kẻ bắt nạt và không chịu thua trước áp lực tiêu cực từ bạn bè.

Tạo môi trường học tập an toàn

Trước khi nuôi dưỡng lòng dũng cảm ở trẻ, giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập an toàn. Trong bài báo “Tiếng nói học sinh: Tìm can đảm để kể câu chuyện của mình”, Tiến sĩ Nathan Lang-Raad tại Tổ chức Giáo dục Savaas (Mỹ) nhận định, một cách có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái là khen ngợi những câu trả lời sâu sắc, thay vì chỉ những câu đúng.

“Mục tiêu của giáo dục là giúp người học sáng tạo và đổi mới, suy nghĩ chín chắn hơn, giao tiếp hiệu quả. Nhờ đó, giúp truyền cảm hứng cho sự thay đổi và hợp tác”, Tiến sĩ Lang-Raad chia sẻ.

Khi giáo viên biểu dương trẻ vì chấp nhận rủi ro trong học tập, học sinh sẽ chú tâm hơn vào tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên cần hiểu thế nào là lòng can đảm trong lớp học. Ron Berger tại Tổ chức Giáo dục EL (Mỹ) đã nói trên bài báo Edutopia năm 2017 rằng, lòng dũng cảm trong học tập có nghĩa là không ngồi trên ghế giả vờ hiểu giáo viên nói gì khi bạn không hiểu.

“Điều đó có nghĩa là bạn chấp nhận rủi ro để giơ tay và đặt câu hỏi, chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác, nhận sự phê bình từ những bạn cùng lớp. Việc học sẽ không xảy ra nếu không có sự dũng cảm. May mắn thay, sự dũng cảm có thể được trau dồi”, ông Berger nhấn mạnh.

Lòng can đảm ở trẻ có thể được trau dồi.

Lòng can đảm ở trẻ có thể được trau dồi.

Làm thế nào để dạy học sinh lòng dũng cảm

Theo ông Berger, bồi dưỡng lòng dũng cảm nên bắt đầu từ việc giáo viên nêu gương. Giáo viên có thể thể hiện sự gan dạ bằng cách thừa nhận khi mắc sai lầm, chấp nhận rủi ro, luôn lạc quan và có tư duy phát triển. Khi giáo viên làm mẫu cho hành vi dũng cảm, học sinh sẽ noi theo.

Giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh ủng hộ một mục tiêu mà họ tin tưởng. Ví dụ: Các chương trình như Active Minds và LETS (Let’s Erase the Stigma) cho phép học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Đồng thời, đưa ra lời tư vấn cho trẻ nhỏ hơn. Theo bài báo năm 2016 của nhà tư vấn tâm lý Mark Katz trên Greater Good Magazine, mặc dù học sinh có thể sợ hãi khi chia sẻ những vấn đề mình phải đấu tranh, nhưng làm như vậy sẽ giảm cảm giác bị cô lập và tủi thân.

Giáo viên cũng có thể truyền cảm hứng cho học sinh bằng những câu chuyện về các nhân vật lịch sử và nhà khoa học, đặc biệt là những người thuộc các nhóm thiểu số. Khi trẻ từ nhiều hoàn cảnh khác nhau có những hình mẫu để noi theo, chúng sẽ nỗ lực hơn ở trường.

Điều trẻ nên biết về lòng dũng cảm

Theo bài báo của chuyên gia tâm lý Karen Young’s trên Hey Sigmund, giáo viên nên cho trẻ biết, can đảm vẫn là can đảm ngay cả khi chúng cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc thiếu tự tin.

“Điều này là do lòng dũng cảm và sự sợ hãi luôn tồn tại cùng nhau. Nếu không sợ hãi, thì không cần can đảm”, bà Young nhận định.

Ngoài ra, trẻ cũng cần biết rằng, đôi khi kết quả tích cực của những hành động can đảm sẽ đến muộn.

“Dũng cảm có thể nghĩa là tử tế với bạn mới trong lớp, thử điều gì mới, nói lên điều gì đó mà trẻ tin tưởng. Thông thường, những điều này không đi kèm với pháo hoa hay tiếng vỗ tay. Trong thực tế, trẻ hiếm khi làm điều đó. Sự khác biệt mà trẻ tạo ra có thể mất thời gian để bộc lộ.

Tuy nhiên, khi hành động được thúc đẩy bởi lòng can đảm, sự khác biệt mà những hành động này tạo ra sẽ luôn ở đó, nhẹ nhàng hình thành và thay đổi những góc rất quan trọng trong thế giới của trẻ theo một cách nào đó”, bà Young chia sẻ.

Trẻ em là nhóm có nhiều tiềm năng. Do đó, điều các nhà giáo dục cần làm là chỉ cho trẻ cách tin vào bản thân và chấp nhận rủi ro. Khi giáo viên tạo ra một môi trường học tập an toàn để nuôi dưỡng lòng can đảm ở trẻ, kết quả học tập của học sinh sẽ tốt hơn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/bac-thay-day-tre-ve-long-can-dam-EjjLC85nR.html