Bác Tôn với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người con ưu tú của dân tộc, được Nhân dân kính trọng gọi là 'Bác Tôn'. Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, Bác Tôn luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, tạo nên sức thu hút, lôi cuốn quần chúng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đoàn kết những người công nhân chống lại tư bản, thực dân
Sau khi học xong bậc tiểu học, người thanh niên 19 tuổi Tôn Đức Thắng quyết định rời quê hương Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) lên Sài Gòn lập nghiệp.
Anh gia nhập đội ngũ thợ thuyền khi giai cấp công nhân đang hình thành và làm việc tại các garage, đềpô tư nhân, rồi Xưởng Krupp thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn. Nhận thức được sự áp bức, bóc lột tàn bạo của tư bản, thực dân, đồng thời nhận thấy sức mạnh to lớn tiềm tàng của giai cấp công nhân nếu được quy tụ, tập hợp, Tôn Đức Thắng đã sớm có những hoạt động yêu nước, tham gia vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học (năm 1909), anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn chống bọn chủ cai, ký, cúp phạt, đánh đập vô lý và đòi tăng lương (1910).
Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son và vận động học sinh Trường Bá nghệ Sài Gòn bãi khóa.
Từ tháng 3/1915 đến tháng 9/1916, Tôn Đức Thắng học ở Trường Bá nghệ theo chương trình hai năm. Khi làm thợ cũng như lúc học và thực hành tại Trường, Tôn Đức Thắng luôn thương cảm với anh em có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó với anh em thợ thuyền, tổ chức họ đấu tranh với sự bất công, với áp bức, bóc lột của bọn tư bản, thực dân.
Năm 1920, Tôn Đức Thắng tổ chức và lãnh đạo công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam với tên gọi Công hội bí mật. Công hội được thành lập ở Cảng Sài Gòn, Xưởng Ba Son, Xưởng FACI, Nhà máy đèn Sài Gòn, Nhà máy đèn Chợ Quán, sau phát triển ra các cơ sở khác trong thành phố. “Lần đầu tiên ở Sài Gòn có tổ chức cách mạng chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga chính là Công hội của Tôn Đức Thắng và cũng là một tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, vì lúc bấy giờ các nơi khác chưa có Người đầu tiên đề xướng thành lập ra tổ chức này là Cụ Tôn Đức Thắng”1.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, đồng chí đã tích cực giác ngộ hội viên Công hội của mình và kết nạp một số người vào Hội Thanh niên và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển tổ chức Hội ở Nam Bộ.
Ngày 28/7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị địch bắt và một năm sau bị đưa ra đày ở Côn Đảo cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Theo dõi và nắm bắt sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí trong Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức giành chính quyền bằng biện pháp hòa bình trên đảo.
Ngày 23/9/1945, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng 1.800 tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền để tiếp tục đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng trước âm mưu xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc.
Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Tháng 2/1946, Bác Tôn được điều động ra Hà Nội để cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946), đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu bổ sung làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.
Nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút tất cả mọi cá nhân, đảng phái yêu nước ngoài Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương thành lập một tổ chức Mặt trận mới.
Bác Tôn đã tham gia Ban sáng lập, tích cực chuẩn bị mọi mặt và đóng góp quan trọng cho sự ra đời tổ chức này. Ngày 29/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt). Hội nghị đã nhất trí suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự; cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng; đồng chí Tôn Đức Thắng làm Phó hội trưởng. Từ đây, những đóng góp của Bác Tôn với sự nghiệp cách mạng luôn gắn với vai trò là người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Pháp đặt ra phải thống nhất một mặt trận đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 1948, Đảng ta đã có chủ trương củng cố Việt Minh, phát triển Liên Việt chuẩn bị hợp nhất Việt Minh và Liên Việt. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Ban vận động thống nhất Việt Minh - Liên Việt xúc tiến lấy ý kiến các cơ quan, đoàn thể, quân, dân, chính đảng, các nhân sĩ, trí thức, các đồng chí phụ trách các bộ, ban, ngành,... chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thống nhất hai tổ chức Mặt trận.
Từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã khai mạc tại Tuyên Quang, Việt Bắc. Đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Đoàn Chủ tịch với cương vị Quyền Hội trưởng Hội Liên Việt và trình bày Báo cáo chính trị.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt; thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ của Mặt trận; nhất trí việc xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; tán thành Nghị quyết của Hội đồng hòa bình thế giới.
Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Sau Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp tục tham gia dự Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đóng góp vào việc củng cố khối đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.
Với tư cách là người đứng đầu Mặt trận Liên Việt từ năm 1950 đến 1955, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt bắt tay ngay vào giải quyết những công tác nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau Hiệp định Genève, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trong tình hình mới đòi hỏi phải có một hình thức tổ chức mặt trận mới để đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội.
Từ ngày 5 đến ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Cương lĩnh, Điều lệ của Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 1955 - 1977, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng trong việc tập hợp toàn dân, đoàn kết với nhân dân tiến bộ thế giới, động viên mọi nguồn lực tập trung cho công cuộc khôi phục nền kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 2/1977 đã suy tôn đồng chí là Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh trách nhiệm lãnh đạo Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng còn đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Ban thường trực Quốc hội (1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976),...
Ở cương vị nào, đồng chí cũng không ngừng chăm lo bồi đắp cho khối đoàn kết toàn dân, giữ gìn và mở rộng đoàn kết quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Với những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta nhân dịp Bác tròn 70 tuổi (8/1958).
Đồng chí Tôn Đức Thắng từng giữ cương vị Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị.
Với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình thế giới, ngày 9/12/1955, Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin (giải thưởng này sau mang tên Lênin) của Liên Xô quyết định trao tặng đồng chí Giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”.
Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết đã trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Lênin, vì những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết và xây dựng tình hữu nghị Việt - Xô.
Quan điểm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đánh giá rất cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bởi “Sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh vô địch! Sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh chiến thắng!”2, “Trên 30 triệu đồng bào chúng ta trong cả nước đoàn kết một lòng là một khối vững chắc như dãy Trường Sơn, có thể đương đầu với mọi phong ba bão táp”3. Do đó “vũ khí sắc bén nhất của toàn dân ta là đoàn kết và đấu tranh”4, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch, bảo đảm chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm. Đó là chân lý sáng ngời rút ra từ kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng trong cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta”5.
Để xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng rộng rãi và vững chắc trước hết phải có “đường lối chính sách thích hợp với quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhận xét: Tình đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất của chúng ta là tình đoàn kết lâu dài thành thật. Chúng ta đã cùng chung nguyện vọng, cùng chung quyền lợi, thì không có gì mà không bàn bạc, thỏa thuận với nhau được. Những thành kiến, nghi ngờ do đế quốc và phong kiến gây ra, đều có thể xóa bỏ; trái lại, tình thân ái, giúp đỡ, nhường nhịn lẫn nhau sẵn có trong nhân dân đều có thể phát triển”6.
Với Bác Tôn, chính sách đoàn kết trong Mặt trận là để thực hiện mục tiêu cách mạng cụ thể, đồng thời phải giải quyết hài hòa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp, trong đó đặc biệt chăm lo đến quyền lợi của quần chúng lao động tạo nền tảng của Mặt trận.
Bác nói: “Chính sách Mặt trận của ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được diễn giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo vì họ là nền tảng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”7.
Đoàn kết không phải là tuyệt đối thống nhất một chiều, mà là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, “Song chúng ta tiến hành đấu tranh trong nội bộ Mặt trận dân tộc một cách có lợi, có lý, có chừng mực, đặng chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”8.
Theo Bác Tôn, “Chính sách đoàn kết của Mặt trận phải thể hiện đầy đủ trong mọi chủ trương chính sách, trong mọi công tác lớn nhỏ, thậm chí trong việc đối xử với nhau hàng ngày. Toàn thể cán bộ, toàn thể nhân dân cần tự mình nhận rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, không xem công tác đó là riêng của các Ủy ban Mặt trận”9.
Công tác Mặt trận phải được quán triệt trong các ngành, các giới, theo Bác “ở đâu các Đảng bộ các Đảng đoàn, các đồng chí ta chú ý đến chính sách Mặt trận đến công tác Mặt trận, thì ở đấy thường hoàn thành tốt được nhiệm vụ của Đảng, của đoàn thể, của Nhà nước giao cho. Làm trái lại, thì dễ mắc khuyết điểm, sai lầm có khi nghiêm trọng”10, do vậy, cần phê phán các quan điểm xem nhẹ chính sách Mặt trận, xem nhẹ công tác Mặt trận.
Trong công tác Mặt trận, theo Bác Tôn cần phải chú ý thực hiện ba nguyên tắc: (1) Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng; (2) Cần phải luôn luôn tăng cường liên minh công - nông, dựa vào lực lượng công - nông để tranh thủ các tầng lớp nhân dân khác; (3) Công tác Mặt trận vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, đoàn kết để giữ vững Mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn.
Một nhân cách lớn
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là con người vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị, từ dáng vẻ cho đến phong cách. Dù ở cương vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và Mặt trận, giữa Bác Tôn với quần chúng nhân dân không khi nào có khoảng cách. Khi làm thợ hay trong cảnh tù đày, Bác Tôn luôn đồng cảm, sẻ chia với anh em thợ thuyền và những người cùng cảnh ngộ, ngay cả đối với tù thường phạm cũng được Bác quan tâm, gần gũi và cảm hóa.
Bác Tôn hiền hậu nhưng có khí chất hào hiệp, trượng nghĩa “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” của người Nam Bộ. Khi học ở Trường Bá nghệ Sài Gòn, Bác Tôn đã tập hợp sinh viên trừng trị bọn du côn hiếp đáp anh em sinh viên. Ở môi trường nào Bác Tôn cũng được mọi người yêu mến, cảm phục.
Bác Tôn là tấm gương sáng quên mình vì nước, vì dân. Sau 15 năm bị tù đày ở Côn Đảo, khi trở lại đất liền đúng lúc thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Bác Tôn đi thẳng đến Cần Thơ nhận nhiệm vụ mà không kịp qua nhà thăm vợ, con, mặc dù chỉ cách Cần Thơ mấy chục cây số. GS. Trần Văn Giàu viết: “Cụ Tôn không phải là một nhà lý luận mà là người tiên phong cách mạng, người mà cả cuộc đời giành cho giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng dân tộc”. “Cụ không có một tác phẩm nào cả, có chăng là chúng ta ghi lại những điều Cụ nói thôi. Tuy nhiên, theo tôi, có thể nói tác phẩm hay nhất của Cụ chính là cuộc đời của Cụ.
Cụ Tôn là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng tác phẩm của mình. Nhưng thực tế Người đã để lại cho đời sau chúng ta rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm hay hơn nhiều những bài viết!”11.
Trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách lớn đã làm nên sức hút mạnh mẽ của Bác Tôn đối với quần chúng, để từ đó tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng chiến đấu, lao động và học tập.
Bác Tôn đã để lại cho đời di sản tinh thần vô giá, mà theo đồng chí Phạm Văn Đồng thì: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người.
Tinh túy của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thuở thanh niên đến cuối đời vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên vẻ đẹp đẽ và cao quý”12.
Chú thích:
1. GS. Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn đã để lại cho chúng ta “Tác phẩm cuộc đời””, in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.301-302.
2. Tôn Đức Thắng: “Tăng cường đoàn kết đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.725.
3. Tôn Đức Thắng: “Chung sức, chung lòng với đồng bào miền Nam” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.724.
4. Tôn Đức Thắng: “Diễn văn khai mạc Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.656.
5. Tôn Đức Thắng: “Nhiệt liệt hoan nghênh và triệt để ủng hộ Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.736.
6. Tôn Đức Thắng: “Diễn văn trong Lễ kỷ niệm ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.633.
7,8. Tôn Đức Thắng: “Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.602.
9. Tôn Đức Thắng: “Trách nhiệm chung” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.671-672.
10. Tôn Đức Thắng: “Vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất” in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.716.
11. GS. Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn đã để lại cho chúng ta “Tác phẩm cuộc đời”, in trong sách “Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.306.
12. Phạm Văn Đồng: “Bác Tôn - Nhà cách mạng bất tử”, in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.211.
* Chu Văn Khánh - Thạc sĩ, Phó Giám đốc
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
** Bùi Thị Hoàn - Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam