Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từng bước khẳng định vị thế GD
Để cung cấp nguồn lực lao động cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, giáo dục đào tạo vì thế được các địa phương quan tâm, đầu tư.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được giáo viên, nhà trường áp dụng.
Gạch nối trong giáo dục STEM
Triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã có bước chuẩn bị từ sớm cho giáo dục STEM, đặc biệt là khâu đào tạo đội ngũ. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết:
Sở GD&ĐT đã phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin Việt – Hàn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh để tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng bài giảng và phương pháp đánh giá học tập liên môn STEM, cách triển khai hoạt động STEM theo phương pháp dạy học dự án…
Từ cán bộ quản lý, tổ trưởng/tổ phó bộ môn liên quan đến STEM/STEAM như Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Kỹ thuật, Mỹ thuật đều tham gia những khóa tập huấn này.
Nhờ vậy, chất lượng triển khai giáo dục STEM những năm qua có bước tiến rõ rệt. Các trường thực hiện nội dung giáo dục STEM chủ động, sáng tạo. Nhiều đơn vị tổ chức câu lạc bộ STEM để học sinh tham gia. Trong quá trình thực hiện các bài học theo chủ đề giáo dục STEM, học sinh đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhiều sản phẩm vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn của học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi KHKT các cấp.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Với quy mô diện tích lớn nhất cả nước, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo…
Từ các hội thảo, khóa tập huấn này, giáo viên phổ thông cập nhật các xu hướng giáo dục STEM/STEAM tích hợp, giới thiệu phương pháp giáo dục liên môn STEM/STEAM và kinh nghiệm thực tiễn của một số nước tiên tiến trên thế giới.
Thầy cô giáo cũng có cơ hội trao đổi, thảo luận về nhu cầu và khó khăn trong việc triển khai giáo dục STEM/STEAM đặc biệt là theo hướng liên môn tại nhà trường. Được hướng dẫn cách xây dựng bài giảng và bộ tiêu chí đánh giá học tập liên môn STEM/STEAM nhằm đảm bảo chất lượng chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo bà Thuận, từ sự hợp tác, hỗ trợ của cơ sở giáo dục đại học, các trường phổ thông ở Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận với nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục STEM, học sinh có cơ hội được hoạt động trải nghiệm đổi mới sáng tạo tại các không gian sáng chế, phòng thí nghiệm của trường đại học. Đây là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các em phát triển ý tưởng và thực hiện đề tài NCKH; truyền cảm hứng cho học sinh niềm đam mê đối với khoa học, công nghệ, góp phần định hướng nghề nghiệp.
Tăng cường tuyển dụng giáo viên người dân tộc thiểu số
Tình trạng thiếu giáo viên tại các huyện miền núi Quảng Ngãi được xem là căn bệnh “trầm kha” của ngành Giáo dục. Nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt đó, những năm qua các cấp thẩm quyền đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, nổi bật là việc cho phép UBND các huyện miền núi tuyển dụng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện (không quá 40% chỉ tiêu).
Đơn cử, tại huyện Sơn Tây, trong 3 lần tổ chức thi tuyển giáo viên gần nhất, huyện đã tuyển dụng được 63 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, kết quả trên rất đáng mừng. Vì trước giờ cũng như các huyện miền núi khác, Sơn Tây thuộc diện “vùng trũng giáo dục”, nhưng giờ đây thế hệ người Ca Dong đã có thể trở về giảng dạy cho chính con em quê hương mình.
Ông Anh chia sẻ thêm, con số đạt được rất đáng ghi nhận nhưng nó chưa thể giải quyết được vấn đề nan giải thiếu giáo viên. Vì chỉ tiêu nhiều nhưng số lượng tuyển dụng được vẫn còn rất thấp. Lý giải cho điều này, ông Anh cho rằng, xuất phát từ việc số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển giáo viên của người tại địa phương là chưa cao nên sau thi tuyển, số lượng được tuyển dụng lại càng thấp.
Tương tự, tại huyện Trà Bồng, việc thiếu giáo viên còn trầm trọng hơn sau khi sáp nhập huyện (huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng năm 2020). Cùng với đó, hằng năm, nhiều giáo viên xin thuyên chuyển về xuôi khiến chính quyền huyện này càng đau đầu.
Theo bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, việc khuyến khích tuyển dụng giáo viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình tại các địa phương miền núi. Tuy nhiên số lượng tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu là điều đáng tiếc. Cũng theo bà Hương, tuyển dụng giáo viên người địa phương có nhiều thuận lợi cho công tác giáo dục: Giao tiếp với học sinh, phổ cập tiếng Việt sẽ hiệu quả và ít tốn thời gian hơn so với giáo viên đến từ nơi khác.
Chia sẻ về thực trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - ông Nguyễn Ngọc Thái nhìn nhận: Năm học nào ngành Giáo dục tỉnh cũng đối diện với tình trạng thiếu giáo viên do luôn có sự biến động trong việc sắp xếp giáo viên như nghỉ hưu, chuyển công tác. Trong khi đó, thi tuyển có năm chỉ tổ chức một lần nên không bao giờ đủ giáo viên.
Một nguyên nhân nữa là trước đây, thi tuyển giáo viên mầm non, tiểu học chỉ cần có bằng trung cấp sư phạm, THCS là bằng cao đẳng sư phạm. Nay yêu cầu phải có bằng cao đẳng trở lên, còn THCS phải có bằng đại học. Nhiều giáo viên dạy lâu năm cũng phải đi học liên thông để đáp ứng yêu cầu bằng cấp, dẫn đến thiếu lại càng thiếu. Cùng với đó, những kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, miền núi luôn gặp khó khăn bởi phần lớn thí sinh đăng ký thi và dạy ở đồng bằng, không muốn lên các huyện miền núi. Dẫn đến đồng bằng nhu cầu ít thì hồ sơ nhiều, còn miền núi nhu cầu nhiều, hồ sơ lại ít.
Thanh Hóa đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT. Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển. Đối với khu vực miền núi, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú. Nghiên cứu chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.
Giải bài toán thiếu giáo viên, chính quyền Quảng Ngãi đã có nhiều đề án. Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh việc cho phép các huyện miền núi tuyển dụng giáo viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không quá 40% chỉ tiêu, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn quyết liệt thực hiện đề án cử tuyển.
Mới đây, qua xét chọn 58 hồ sơ đăng ký, Hội đồng cử tuyển tỉnh Quảng Ngãi đã chọn được 46 trường hợp đủ điều kiện cử đi học đại học ngành Sư phạm theo chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cũng theo ông Tuấn, tất cả hồ sơ dự xét tuyển được rà soát đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ, cũng như xuất phát từ nhu cầu vị trí, việc làm tại địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều học sinh, sinh viên ở khu vực miền núi không mặn mà với ngành Sư phạm. Đơn cử như việc khuyến khích đi học theo dạng cử tuyển vẫn còn khá ít hồ sơ đăng ký. “Để tiến tới ổn định giáo viên ở khu vực miền núi, tỉnh đang duy trì thực hiện các đề án khuyến khích giáo viên công tác lâu dài, nhất là đề án cử tuyển. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các em đi học để trở về giảng dạy tại địa phương”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại Thanh Hóa, bước vào năm học 2023 - 2024, tỉnh thiếu hơn 10.000 giáo viên các cấp học theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu kịp tuyển hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao năm 2023 vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho hay: UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành GD phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng việc thực hiện các giải pháp, như: Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2023 theo Quyết định số 4670/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh. Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT, bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở GD, nhất là khi số lượng học sinh, số lớp tăng...
Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở GD&ĐT xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ giáo viên để đảm bảo điều kiện dạy liên môn, liên cấp. Động viên giáo viên các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi, liên trường. Hợp đồng lao động với giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và số sinh viên sư phạm ra trường chưa được tuyển dụng để giảng dạy các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên trong các nhà trường.
Cũng theo người đứng đầu ngành GD-ĐT Thanh Hóa, UBND tỉnh đã giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với sở Nội vụ, Tài chính, các địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên trong và ngoài tỉnh triển khai tốt kế hoạch đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, để tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&Đ, bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở GD, nhất là khi số lượng học sinh, số lớp tăng.
“Riêng khối đơn vị trực thuộc, sở chỉ đạo các trường THPT xây dựng phương án bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý. Đảm bảo có đủ giáo viên dạy các môn bắt buộc, môn lựa chọn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chuyên đề và hoạt động giáo dục địa phương theo chương trình GDPT mới. Đối với môn Nghệ thuật, căn cứ vào nhu cầu thực tế, có phương án chủ động hợp đồng hoặc thuê giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu để dạy môn Nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh...”, ông Thức thông tin.
Rạng danh đất học
Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Hà Tĩnh có 69/84 học sinh tham gia và đoạt giải (chiếm tỷ lệ 82,14%), trong đó có 8 giải Nhất, 25 giải Nhì, 19 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Các đội tuyển Toán, Lý, Hóa có 100% học sinh dự thi đều đoạt giải.
Trong đó, đội tuyển Toán có 2 giải Nhất, 8 giải Nhì; đội tuyển Lý có 9 giải Nhì, 1 giải Ba; đội tuyển Hóa có 1 giải Nhất, 4 giải Nhì và 1 giải Ba. Đặc biệt, có 2 em đạt điểm thủ khoa toàn quốc; 2 học sinh được chọn tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Thành tích đó đưa Hà Tĩnh đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng giải Nhất (sau TP Hà Nội) và thứ 5 về số học sinh đoạt giải.
Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Hà Tĩnh có 2.837 em đoạt giải các môn văn hóa, trong đó có 263 giải Nhất, 762 giải Nhì, 988 giải Ba và 824 giải Khuyến khích. Ngoài ra, 207 học sinh các khối lớp 9, 10, 11, 12 được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh vì đạt chứng chỉ IELTS, trong đó có 45 em giải Nhất, 77 giải Nhì và 85 học sinh đoạt giải Ba.
Trường THPT chuyên Hà Tĩnh được xem là “cái nôi” phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Số lượng học sinh của trường tham gia và đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia tăng lên mỗi năm. Đây cũng đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic khu vực, quốc tế. Vì vậy, sở GD&ĐT luôn chỉ đạo nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, chú trọng công tác phát hiện, ươm mầm học sinh tiêu biểu, xuất sắc để bồi dưỡng, phát huy tài năng.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh cho hay: “Nhà trường đã chủ động sớm việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển. Ngay sau khi có kết quả học sinh giỏi tỉnh, trường triển khai công tác tập trung đội tuyển, lựa chọn những giáo viên tâm huyết, chuyên môn cao.
Trong quá trình bồi dưỡng, thầy cô vừa bồi dưỡng, đồng thời luôn quan tâm sát sao đời sống, sức khỏe, giúp các em yên tâm, vững tin để chinh phục đỉnh cao tri thức. Nhà trường đã tạo môi trường giáo dục cởi mở, khai phóng, tôn trọng sự khác biệt để nhà giáo và học sinh phát huy tối đa năng lực của bản thân, nỗ lực sáng tạo và thăng hoa khẳng định phẩm chất, trí tuệ của mình”.
Tương tự, những năm qua, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thanh Hóa tiếp tục được duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực. Chất lượng GD đại trà có chuyển biến tích cực (Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2021).
Cống hiến của những người “gieo hạt”
Phía sau những thành tích đó là sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên – những người “gieo hạt” thầm lặng trên cánh đồng tri thức. Và quả ngọt của họ chính là thành công của các em qua mỗi chặng đường.
Thầy giáo trẻ Trần Hoài Bảo, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh - chủ nhiệm đội tuyển Toán thi quốc gia cho biết: “Kết quả của các em là nguồn động viên để chúng tôi thêm yêu nghề, gắn bó với công việc. Để có kết quả thành công như hiện nay, phần nhiều dựa vào sự cố gắng của học sinh. Trong 10 thành viên đội tuyển, mỗi em một miền quê những tất cả đều đồng lòng với quyết tâm cao chinh phục tri thức. Cùng với đó là sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp bồi đắp thêm kiến thức cho học sinh”, thầy Bảo chia sẻ.
Bên cạnh trường THPT chuyên, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, còn có sự góp mặt của các học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn. Điều đáng mừng tất thí sinh dự thi đều đoạt giải với 1 giải Nhất Địa lý của học sinh Trường THPT Vũ Quang; 2 em đoạt giải Nhì (môn Vật lý ở Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ và môn Toán của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà)…
Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Quang - thầy Nguyễn Hữu Toàn cho biết: “Những năm gần đây nhà trường đặc biệt quan tâm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi qua nhiều kênh. Trường cũng lựa chọn những giáo viên có trình độ, tâm huyết để theo sát các em trong quá trình bồi dưỡng. Phần lớn học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, nhà trường còn kịp thời động viên bằng tinh thần và hiện vật để các em yên tâm ôn tập”.
Sự quan tâm của nhà trường đã tiếp thêm nguồn động lực để các em quyết tâm hoàn thành mục tiêu của bản thân. Em Nguyễn Khánh Linh, lớp 12A3, Trường THPT Vũ Quang (giải Nhất HS giỏi quốc gia môn Địa lý) tâm sự: “Trong quá trình ôn tập chúng em nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp ngành, thầy cô, nhà trường. Những động viên ấy giúp chúng em vững tin và quyết tâm hơn trên con đường vươn tới tri thức”.
Về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 95,1% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 82,4% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 57,1% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 chiếm tỷ lệ 98,54% (cao hơn 0,45% so với bình quân cả nước và đứng thứ hai trong các vùng kinh tế - xã hội, chỉ sau vùng Đồng bằng Sông Hồng). Tuy nhiên, có 4/14 địa phương trong vùng có tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 chiếm tỷ lệ 99,1% (thấp hơn 0,05% so với bình quân cả nước và đứng hai trong sáu vùng kinh tế - xã hội, chỉ sau vùng Đồng bằng Sông Hồng).