Bắc Yên lãnh đạo phát triển nông lâm nghiệp bền vững

Huyện vùng cao Bắc Yên có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cộng với nhiều năm canh tác, đất bị thoái hóa, bạc màu, ảnh hưởng nhiều đến phát triển nông nghiệp. Nhưng, với sự vào cuộc nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân, cơ cấu cây trồng đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần vào công cuộc xóa đói nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chè cổ thụ.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chè cổ thụ.

Với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm qua, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai mới được 1.800 ha rừng và cây lâm nghiệp; khoanh nuôi tái sinh gần 1.100 ha rừng. Bảo vệ hơn 48.000 ha rừng hiện còn (bao gồm cả diện tích cây ăn quả), tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,7%. Nổi bật là chủ trương trồng cây sơn tra được triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân từ việc thu hái sản phẩm quả, đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có gần 2.600 ha cây sơn tra, trong đó, hơn 1.500 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô, tiêu thụ tại các tỉnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã vùng cao. Rừng từng bước được phục hồi và phủ xanh đã góp phần giữ đất, giữ nước, để người dân khai hoang ruộng bậc thang. Chỉ tính ở các xã vùng cao hiện đã có hơn 1.500 ha ruộng bậc thang, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 245 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó gần 219 ha VietGap, 15 ha nông nghiệp hữu cơ, 12 ha tưới tiết kiệm. Tiêu biểu như việc bảo tồn, phát huy gần 200 ha chè Shan tuyết Tà Xùa; trong đó gần một nửa là cây chè cổ thụ, đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh. Hiện nay, Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh với Trà xanh mây Tà Xùa, Trà xanh thiện; Hợp tác xã Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè. Trong số hơn 2.900 ha cây ăn quả toàn huyện, đã có 44% diện tích áp dụng giống, công nghệ mới, chủ yếu gồm: nhãn chín muộn, xoài GL4, mận hậu, bưởi da xanh... Đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, liên kết các hộ sản xuất phát triển bền vững, huyện khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân thành lập các HTX. Hiện toàn huyện có 28 HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân của HTX đạt 340 triệu đồng/năm.

Đồng chí Mùi Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Với mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án và Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 2/4/2021 về lãnh đạo thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2025”. Đồng thời, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ. Chỉ đạo UBND huyện ban hành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án giai đoạn 2021-2025 và hằng năm sát với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Cụ thể hóa Đề án, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sau hơn 1 năm đã triển khai thực hiện được 13 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,3 tỷ đồng với 2 HTX và 2.979 hộ nông dân được hưởng lợi. Gồm các mô hình như: Hỗ trợ trồng 905 ha cây xanh phân tán theo Đề án trồng một tỷ cây xanh; trồng gần 10.000 cây phân tán dọc đường hành lang giao thông; hỗ trợ cải tạo đàn bò địa phương bằng giống bò đực lai Sind; sản xuất, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ 107 ha; triển khai mô hình thử nghiệm ghép mắt lê trên cây sơn tra thực sinh với 2.800 cây; trồng 33,5ha cây lê ghép; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất thảo quả, sa nhân tím gần 148ha; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất chè Shan tuyết hơn 47 ha; mô hình trồng dứa Queen 32,3 ha; trồng măng tre bát độ phục vụ chế biến xuất khẩu 34,5 ha; mô hình trồng đào ghép giống địa phương 31 ha...

Xã vùng cao Hang Chú đã có nhiều đổi thay từ việc thực hiện tốt Đề án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2025”. Đồng chí Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Cụ thể hóa Đề án, xã tập trung phát triển nông lâm nghiệp gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương là giữ rừng, trồng cây sơn tra và khai hoang ruộng bậc thang. Hiện nay, toàn xã đang khoanh nuôi bảo vệ hơn 8.000 ha rừng, hơn 1.000 ha cây sơn tra, trong đó có 600 ha cho thu hoạch. Nhờ giữ rừng tốt có nguồn nước để phát triển hơn 500 ha ruộng bậc thang, góp phần xóa nạn đói giáp hạt, bảo đảm lương thực, nâng cao đời sống cho người dân.

Về Bắc Yên bây giờ, điều dễ nhận thấy là màu xanh bao phủ của những đồi cây ăn quả, những cánh rừng xanh tốt, hay những thửa ruộng bậc thang trải dài trên những sườn đồi... Đây là kết quả của cả quá trình thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề để ngành nông lâm nghiệp Bắc Yên sẽ tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng huyện vùng cao ngày càng phát triển.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bac-yen-lanh-dao-phat-trien-nong-lam-nghiep-ben-vung-52642