Bắc Yên nỗ lực chuyển đổi số
Thực hiện chuyển đổi số, huyện Bắc Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, mang lại cuộc sống tiện ích cho nhân dân.
Bắc Yên đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện chuyển đổi số của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông được đầu tư tới vùng sâu, vùng xa. Triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh; tăng cường quản lý công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, giúp người dân, doanh nghiệp nhận thấy những tiện ích của chuyển đổi số, từ đó tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện có hạ tầng băng rộng cáp quang; 86,9% bản, tiểu khu được phủ băng rộng cố định; 35% số hộ có thuê bao cáp quang; 60,29% dân số có điện thoại thông minh; 43% dân số sử dụng internet.
Phát triển chính quyền số, UBND huyện Bắc Yên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường mạng, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-ioffice; hệ thống hội nghị trực tuyến; phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của huyện liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Áp dụng phòng họp không giấy E-Cabinet; sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đẩy mạnh số hóa hồ sơ giải quyết TTHC.
Đến nay, huyện đã triển khai 201/267 dịch vụ công toàn trình cấp huyện, triển khai 68/126 dịch vụ công toàn trình cấp xã; tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến cấp huyện đạt 97,76%, cấp xã đạt 81,78%. Tích hợp 247 dịch vụ công trực tuyến của huyện trên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Triển khai 109 chứng thư số, đảm bảo 100% các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cấp huyện và xã sử dụng chữ ký số, trao đổi văn bản dưới dạng điện tử. Tỷ lệ số hóa TTHC cấp huyện đạt 97,76%, cấp xã đạt 81,78%...
Tham dự Kỳ họp thứ tám, HĐND huyện Bắc Yên khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026, vừa qua, các đại biểu sử dụng máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh tải tài liệu và thực hiện biểu quyết thông qua các nghị quyết trên phần mềm phòng họp không giấy E-Cabinet.
Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Yên, cho biết: Qua 5 kỳ họp áp dụng phòng họp không giấy, các đại biểu có thể truy cập nhiều tài liệu liên quan đến nội dung họp; tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu; rút ngắn thời gian cuộc họp, tăng cường sự tương tác giữa các đại biểu dự họp, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành...
Giúp nhân dân tiếp cận với tiện ích số, từng bước phát triển kinh tế số và hình thành xã hội số, huyện Bắc Yên đã thành lập 115 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 709 thành viên, tích cực hướng dẫn nhân dân sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ đời sống sinh hoạt; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và triển khai hóa đơn điện tử.
Đến nay, 100% các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện đều ứng dụng nền tảng số trong hoạt động quản trị nội bộ, sản xuất, kinh doanh; 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% các đại lý, cửa hàng phân phối hàng hóa có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt; nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Anh Mùa A Lệnh, Giám đốc HTX nông nghiệp và bảo tồn văn hóa dân tộc - Pla, xã Tà Xùa, cho biết: HTX có 17 thành viên, trồng 5ha khoai sọ núi, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart và các trang mạng xã hội. Mỗi năm, HTX tiêu thụ 20 tấn khoai sọ, từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, thị trấn Bắc Yên, chia sẻ: Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể dễ dàng mua sắm online, thanh toán các đơn hàng, tiền điện, nước... không cần dùng tiền mặt. Đặc biệt, hiện nay, tôi còn có thể đăng ký hoặc giải quyết một số thủ tục hành chính bằng thao tác đơn giản, nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trên địa bàn huyện Bắc Yên vẫn còn hạn chế, do địa hình đồi núi cao, chia cắt, khó khăn trong việc phát triển hạ tầng số. Mạng 3G, 4G cơ bản được phủ sóng ở các bản trên địa bàn huyện nhưng chất lượng sóng tại một số nơi còn kém, còn một số điểm dân cư thuộc vùng lõm, không có sóng gây khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân...
Trong bước đi tiếp theo, huyện Bắc Yên tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng số; phát triển kỹ năng số cho người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin trên không gian mạng. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình.