Bắc Yên phát triển cây trồng có lợi thế

Bắc Yên là huyện vùng cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, việc phát triển nông nghiệp có nhiều bất lợi. Những năm qua, huyện Bắc Yên đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên kiểm tra vùng trồng chè tại xã Tà Xùa.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên kiểm tra vùng trồng chè tại xã Tà Xùa.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các vùng kinh tế chủ lực. Đối với các xã vùng cao (Hồng Ngài, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú) tập trung phát triển cây sơn tra, cây ăn quả ôn đới; phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và dược liệu dưới tán rừng. Đối với các xã vùng thấp (Song Pe, Phiêng Ban, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Chim Vàn, Pắc Ngà), thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển đa dạng các loại cây ăn quả nhiệt đới. Các địa bàn trọng điểm kinh tế, gồm: Thị trấn Bắc Yên, xã Mường Khoa, Tà Xùa, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các vùng khác trên địa bàn huyện kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Huyện Bắc Yên đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, để nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng. Cây Sơn tra, cây chè là cây có lợi thế trong sản xuất hàng hóa. Huyện đang khuyến khích người dân giảm dần diện tích trồng ngô, lúa nương và những cây trồng khác trên đất dốc kém hiệu quả, đưa các loại giống cây phù hợp, tiếp tục đầu tư thâm canh, cải tạo đất đai để trồng mới những loại cây cho năng suất, chất lượng cao. Chú trọng hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại xã Tà Xùa, với khí hậu lạnh, đất đai phù hợp với trồng các giống chè Shan tuyết. Từ năm 2016 đến nay, xã đã trồng mới hơn 50 ha, nâng tổng diện tích chè của xã lên gần 200 ha. Đặc biệt, Tà Xùa có 1.650 cây chè cổ thụ, tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Trinh. Sản lượng chè búp tươi của xã đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Sản phẩm chè búp tươi được các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Công ty Trà đặc sản Tây Bắc bao tiêu sản phẩm.

Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện quy hoạch thành từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy trình sạch, an toàn. Khuyến khích bà con tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu trồng mới 50 ha chè, nâng diện tích chè của xã lên 300 ha.

Anh Mùa A Châu, bản Bẹ, xã Tà Xùa cho biết: Chè búp tươi luôn được các công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Gia đình có 2 ha chè, mỗi năm thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình được cải thiện hơn rất nhiều.

Từ năm 2015 đến nay, Bắc Yên đã trồng mới 500 ha Sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có trên 2.580 ha sơn tra, trong đó, có 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã: Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh.

Ông Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, cho biết: Đến nay, gia đình đã trồng 37 ha cây sơn tra, vừa phủ xanh đất rừng, năm 2020, gia đình tôi thu gần 30 tấn quả, bán được 120 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt nên cây nào cũng sai quả, dự kiến sẽ thu hoạch được 40 tấn.

Cùng với quy hoạch và phát triển cây trồng có lợi thế, Bắc Yên luôn chú trọng sản xuất các cây trồng bảo đảm an ninh lương thực. Hiện nay, các xã vùng cao Bắc Yên có khoảng trên 1.000 ha lúa ruộng bậc thang, sản lượng hàng năm đạt trên 5.000 tấn, gồm các xã: Hang Chú, Xím Vàng, Làng Chếu và Tà Xùa. Nhân dân các xã đã đưa các loại giống lúa có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đồng thời, thường xuyên tu sửa 13 tuyến kênh mương, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất.

Phát triển các vùng cây có lợi thế đang là hướng đi đúng của huyện vùng cao Bắc Yên. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, thực hiện tốt công tác quy hoạch cây trồng có lợi thế; thay đổi hình thức và tư duy sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm của từng vùng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bac-yen-phat-trien-cay-trong-co-loi-the-43694