Bạch Thông chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây vụ xuân

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, nông dân huyện Bạch Thông đang tích cực phòng trừ sâu bệnh gây hại, đẩy mạnh chăm sóc cây trồng vụ xuân.

Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) làm cỏ, sục bùn chăm sóc lúa xuân.

Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) làm cỏ, sục bùn chăm sóc lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 1.200ha lúa, cơ cấu chủ yếu là các giống lúa Khang dân, Hà phát 3, J02, HDT10 và một số giống lúa khác. Mặc dù đầu năm chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nhưng các địa phương vẫn khắc phục khó khăn, hoàn thành gieo cấy đúng khung thời vụ. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời tránh sâu bệnh hiệu quả hơn.

Thôn Nà Xỏm, xã Cẩm Giàng có khoảng 20ha lúa vụ xuân. Rét hại diễn ra vào đúng thời điểm mạ mới gieo, sau đó gặp trận mưa lớn ngày 23/3 nên 30% diện tích ruộng phải gieo lại do mạ bị chết rét, 12.000m2 lúa, 24.000m2 ngô, 600m2 rau màu bị hư hại do mưa lũ. Không chỉ vậy, nhiều diện tích lúa xuân của người dân Nà Xỏm còn bị ốc bươu vàng gây hại trên diện rộng.

Chị Nông Thùy Yên, người dân thôn Nà Xỏm cho biết: "Vụ xuân này gia đình tôi gieo cấy 2.700m2 giống lúa chất lượng cao và Khang dân. Thời điểm mới gieo cấy ốc bươu vàng xuất hiện khá nhiều, gia đình phải kết hợp bắt thủ công và phun thuốc diệt trừ 3 lần mới hết. Khoảng 200m2 ruộng bị vùi lấp do mưa lũ dù đã cố gắng khắc phục nhưng hiệu quả không cao". Tới thời điểm cây lúa đang đẻ nhánh, chị Yên sẽ tiến hành tháo nước ruộng để lúa đẻ nhánh nhiều hơn, tăng khả năng hút dinh dưỡng và khả năng chống đổ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Cùng với đó, gia đình chị thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, nhất là rầy nâu.

Gieo mạ sớm và cấy ngay sau Tết Nguyên đán nên đến nay diện tích lúa xuân của gia đình chị Hoàng Thị Son, xã Quân Hà phát triển khá tốt. Chất lượng gạo thơm ngon, giá bán cao nên chị Son dành toàn bộ 3.000m2 ruộng vụ xuân để cấy giống lúa Nhật J02 thay cho các giống lúa thuần hay sử dụng những vụ trước. Để ngăn ngừa ốc bươu vàng, chị thường xuyên thăm đồng để bắt thủ công, kết hợp phun thuốc diệt trừ. Chị Son cho biết: "Từ đầu năm đến nay mưa nhiều nên nước sản xuất luôn bảo đảm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi tập trung làm cỏ, sục bùn và bón thúc cho lúa xuân".

Đồng chí Lăng Văn Thụy- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết: Qua theo dõi trên các cánh đồng của huyện cho thấy, trà lúa xuân xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: Bệnh nghẹt rễ gây hại rải rác, diện tích nhiễm khoảng 0,5ha. Ốc bươu vàng gây hại rải rác diện tích lúa mới cấy, mật độ phổ biến 2 con/m2, mật độ cao 10 con/m2, cá biệt 25 con/m2, diện tích nhiễm 50ha. Dự báo trong thời gian tới ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ tiếp tục gây hại trên diện tích lúa cấy muộn, hồi xanh và tại các ổ dịch cũ. Để phòng trừ ốc bươu vàng bà con cần làm lưới chắn khi cho nước vào ruộng, vét rãnh trong ruộng để ốc tập trung vào rãnh, nhặt ốc đem tiêu hủy. Với diện tích mật độ ốc cao tiến hành phun thuốc ngay sau cấy. Đối với diện tích bị bệnh nghẹt rễ, cần khẩn trương sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa; sau đó tháo kiệt nước phơi nứt nẻ chân chim, kết hợp bón vôi bột 40 - 50kg/m2. Tuyệt đối không bón phân đạm trong thời kỳ này. Sau khi xử lý từ 3 - 5 ngày tiến hành kiểm tra, nếu thấy cây lúa ra rễ trắng mới và ra thêm lá mới thì phun các loại phân bón qua lá, giúp cây nhanh phục hồi. Riêng đối với diện tích lúa và ngô xuân bị hư hại do mưa lớn, bà con cần chăm sóc để cây phục hồi, phát triển trở lại.

Đối với khoảng 300ha ngô đang trong giai đoạn phát triển từ 5 - 7 lá, người dân tập trung làm cỏ, vun gốc kết hợp bón phân thúc lần 1 kết hợp làm cỏ, vun gốc. Trên cây cam, quýt cần chú ý phòng trừ sâu nhớt, bệnh phấn trắng gây hại. Những diện tích bị sâu nhớt gây hại nhẹ có thể sử dụng tro bếp vãi lên tán lá; những diện tích mật độ sâu cao tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Selecron 500ND, Regent 800WG, Padan 95SP,... phun kịp thời khi lộc non mới nhú bằng hạt gạo; phun lần hai sau 15 ngày. Có thể phun lần ba vào tháng 4 khi thấy sâu non gây hại trên quả non. Khi thấy bệnh phấn trắng xuất hiện phun một trong các loại thuốc như: Anvil 5SC, Lưu huỳnh vôi, Tilt Super 300EC,… phun 1 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày.../.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202204/bach-thong-cham-soc-phong-tru-sau-benh-hai-cay-vu-xuan-76e3173/