Bạch Thông phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa
Bạch Thông có nhiều lợi thế về phát triển du lịch khi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cộng với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Bạch Thông đang tập trung khai thác thế mạnh của các điểm di tích lịch sử, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn gắn với du lịch trải nghiệm, hình thành các tour du lịch lịch sử, tâm linh, trải nghiệm trên địa bàn; tập trung thu hút đầu tư các điểm du lịch sinh thái đã được phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Bình quân, mỗi năm huyện thu hút hơn 2.000 lượt khách du lịch ghé thăm.
Bạch Thông được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh phong phú, hấp dẫn như: Thác Vằng Áng, thác Dơi thuộc xã Vi Hương; thác Tát Xà Mu thuộc xã Tân Tú; đập thủy điện thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh... là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, khám phá.
Bên cạnh đó, huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó 02 di tích lịch sử cấp quốc gia là Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng và Đồn Phủ Thông; các di tích lịch sử cấp tỉnh có thể gắn vào các tour du lịch là Di tích lịch sử Khuổi Lừa, thị trấn Phủ Thông; Nà Mặn, núi Cứu Quốc, xã Vi Hương; di tích lịch sử - văn hóa chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương...
Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh, tuyên truyền, quảng bá các nét đẹp văn hóa của các dân tộc qua các lễ hội văn hóa dân gian, các làn điệu hát Then, Sli, Lượn cọi, Pá dung... Hiện nay huyện có 03 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, gồm: Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, múa hát của người Tày, hát Pá dung của người Dao. Phát triển các câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ dân gian, dân tộc; các điểm du lịch trải nghiệm các cơ sở sản xuất OCOP như HTX Hương Ngàn; HTX Thiên An, Tổ hợp tác nông nghiệp Quân Hà... với các sản phẩm như tinh dầu, nấm, cao gắm, cao tía tô, giảo cổ lam, trang phục thổ cẩm....
Bà Đinh Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bạch Thông cho biết: Tài nguyên du lịch của huyện Bạch Thông khá phong phú, hấp dẫn nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng. Huyện chỉ có 06 cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu tập trung ở thị trấn Phủ Thông. Địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tiến hành tổ chức khảo sát đầy đủ 14/14 xã, thị trấn về tài nguyên du lịch, từng bước đưa các điểm tham quan, điểm du lịch của địa phương vào khai thác du lịch như lập quy hoạch đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn huyện; lồng ghép các nguồn vốn, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, điện, cơ sở vật chất, cơ chế tại các điểm có tiềm năng du lịch...
Theo Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 27/9/2021 của UBND huyện Bạch Thông, huyện phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 01 điểm và 01 khu du lịch được công nhận là Điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận và Khu du lịch sinh thái Cây Thị, xã Mỹ Thanh, đón ít nhất khoảng 45.000 lượt khách du lịch đến các điểm du lịch, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện; có 40% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, có thêm 02 điểm du lịch trên địa bàn được công nhận là Điểm du lịch thác Vằng Áng, xã Vi Hương và bãi đá Vằng Bó, thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, thu hút khoảng trên 80.000 lượt khách du lịch; tổng thu ước đạt trên 10 tỷ đồng; có 60% nguồn nhân lực được đào tạo.