Bạch Vân - Chắt chiu cho tiếng hát ca trù

Gặp chị - NSƯT Bạch Vân tôi có nhiều bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là bởi chị cùng tuổi Đinh Dậu với tôi. Bất ngờ thứ hai cũng đặc biệt nhất là khi được biết chị là con gái Nghệ An mà lại mang nghiệp đào nương.

NSƯT Bạch Vân.

NSƯT Bạch Vân.

1.Ca trù còn gọi với cái tên khác là hát cô đầu, hát ả đào hay hát nhà trò, là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, là loại hình âm nhạc có tuổi đời hiếm thấy. Thứ âm nhạc này thường được ca trong cung đình, được giới quý tộc và trí thức yêu thích.

Ca trù xưa thường được biểu diễn tại cung đình, ở các đình làng, sau đó phát triển ra các giáo phường, cộng với việc khi diễn xướng người ta thường trọng dụng các cô gái trẻ (ca nương) nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của giới văn sĩ thời đó và dần bị biến tướng theo “chiều hướng không lành mạnh”.

Thời Pháp thuộc, ca trù phát triển ở các đô thị trong các ca quán nơi cung cấp rượu và thuốc phiện, do đó mỗi khi nghe nói ai đó đi hát ca trù là người ta nghĩ ngay dến những điều không tốt đẹp. Chẳng thế thời đó đã lưu truyền câu dè bỉu những ai đến phố Khâm Thiên để nghe hát và hát ca trù: "Nhớ người nhớ phố Khâm Thiên/ Ả đào một kiếp thành tên bẽ bàng".

Sau năm 1945 khi chính quyền về tay nhân dân thì ca trù càng bị phê phán gắn với các hoạt động mại dâm chế độ cũ. Sau năm 1954 ca trù chính thức bị cấm nhưng được khôi phục sau khi công cuộc Đổi mới, được phát động cuối năm 1986 và ngày nay hay được xem là bộ môn nghệ thuật bác học của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Tôi gặp đào nương - NSƯT Bạch Vân (Lê Thị Bạch Vân) lần đầu cách đây quãng 35 năm. Lần ấy cánh làm thơ trẻ chúng tôi rủ nhau tới Bích Câu đạo quán trên phố Cát Linh, Hà Nội để nghe ca trù. Đây là một đạo quán được xây dựng từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 đời vua Lê Thánh Tông.

Bích Câu đạo quán có lẽ không xa lạ với nhiều người tu tiên, một phần bởi đây là "quán" của đạo giáo Việt Nam, thờ tiên ông Trần Tú Uyên. Từ khi hình thành Bích Câu đạo quán là nơi tao nhân mặc khách và các quan lại, nho sinh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tụ hội để dâng, vịnh thơ phú. Dạo đó đào nương Bạch Vân cùng nhóm hát ca trù của chị lập câu lạc bộ ca trù ở đây. Tôi thầm nghĩ, cô cháu đời thứ 17 của Lê Thái Tổ cũng khéo chọn địa điểm để khởi đầu nghiệp cầm ca.

NSƯT Bạch Vân trong một buổi biểu diễn ca trù.

NSƯT Bạch Vân trong một buổi biểu diễn ca trù.

Tối đó, khi chúng tôi tới Bích Câu đạo quán đã thấy một nhóm các cô gái trẻ tay đàn, tay phách ngồi chiếu trải giữa sàn nhà hát say sưa. Tiếng phách, tiếng mõ cùng tiếng hát nghe “lạ tai” đã thu hút chúng tôi. Phần vì cảm thấy “mới lạ”, phần vì dạo đó ca trù dường như mới manh nha trở lại nên cũng có nhiều tò mò. Tối ấy chúng tôi được giới thiệu về người phụ nữ tuổi ngoài 30 đang “mê mê” ngồi hát: “Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết chi chi/ Mười lăm năm thắm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu”. Câu nói cũng dường như nói hộ cả lòng chúng tôi về lối hát cũ mà như mới ấy.

Dần dần, hát ca trù được mở rộng, nhóm hát ca rù của chị Bạch Vân đã hát ở nhiều địa điểm trong thành phố. Tôi nhớ có lần chúng tôi tới nghe ca trù ở đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm. Đây là một trong bốn “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa, gồm bốn ngôi đền: Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành).

Dưới ánh đèn tỏ mờ trong đền Bạch Mã, cảm giác hiu hiu ấy rất dễ chạnh lòng người đến thưởng thức. Tối đó tôi thực sự lấy làm lạ là tại sao cô đào nương tên Bạch Vân, đang ngồi mê mê trên chiếu trải giữa nhà kia lại say hát ca trù hơn say đàn ông.

Bạch Vân mãi sau này tâm sự, chị cho rằng nếu từ thời ấy mà chị “đụng” vào chuyện chồng con thì chắc giờ làm gì có được Bạch Vân, đào nương ca trù “bậc nhất Hà thành”. Tôi lại càng lạ hơn bởi Lê Thị Bạch Vân là con út trong một gia đình có 6 anh chị em quê mạn Thanh Chương mãi trong xứ Nghệ lại đắm lòng với ca trù Hà thành.

Sau này gặp chị nhiều lần được chị cho hay, chị tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, sau đó theo học tiếp ở khoa Thanh nhạc thuộc Nhạc viện Hà Nội. Ra trường Bạch Vân không theo nghiệp ca sĩ hát nhạc mới để dễ kiếm tiền, mà chị đầu quân về Phòng Văn hóa quần chúng thuộc Sở Văn hóa Hà Nội. Đó là năm 1986 đầy kham khó. Cô chuyên viên văn hóa quần chúng lại bén duyên với ca trù. Vậy là Bạch Vân quyết đi khắp nơi tìm gặp bằng được các nghệ nhân dân gian để học cho trọn đam mê. Kể cũng nhân duyên, kể như định mệnh, giọng hát của Bạch Vân dường như sinh ra chỉ để dành hát ca trù nên khi bén duyên với ca trù rồi thì giọng hát ấy nhanh chóng làm nên tên tuổi nghệ sĩ Bạch Vân.

2.Nắng đầu hè oi ả, NSƯT Bạch Vân nhắc cô học trò Mai Anh nhớ đặt bàn phách lên tấm khăn mặt bông. Thấy là lạ tôi bèn góp ý: “Lót vậy âm thanh nghe không thật tai”. Đào nương Bạch Vân nhỏ nhẹ: “Làm vậy để dưới nhà không bị ồn”.

Ra vậy, căn nhà số 78 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình này nghệ sĩ Bạch Vân định cư từ năm 1995, một ngôi nhà mặt phố nhưng lại mang vẻ tuềnh toàng. Lạ nhỉ, giữa chốn phố hội mà ở đó người ta đua nhau nếu không xây mới to đẹp để ở cho sướng thì cũng cho thuê làm cửa hàng cửa hiệu đèn điện sáng choang. Nghệ sĩ Bạch Vân cũng cho thuê nhà nhưng chỉ là cho thuê nhằm góp thêm chút thu nhập chắt chiu cho nghề hát chứ chị không cho thuê để gom tiền “mở mang” nhà cửa.

Ngồi nói chuyện với tôi đào nương Bạch Vân như chìm đi giữa bề bộn cửa nhà. Căn gác ọp ẹp và chật chội hẳn đi bởi dàn áo dài biểu diễn treo trên dây, cùng những chồng sách vở và đồ dùng cho sinh hoạt cá nhân. Tôi nói đùa: “Không chồng con kể cũng thoải mái”. Đào nương Bạch Vân cười: “Tôi cũng lấy chồng một lần rồi”.

Hóa ra cách đây mười mấy năm, Bạch Vân đã từng lên xe hoa. Người đàn ông mà chị chọn lựa không ngờ lại là một người “duyên chùa” không đặng. Nghệ sĩ Bạch Vân hồi đó tình cờ gặp chàng trong chùa Một Cột.

Thấy như người đàn ông tuổi Canh Tuất quê thị xã Mỹ Hào bên tỉnh Hưng Yên hình như chưa nguôi trần tục vì đã nhiều năm theo cửa phật mà vẫn chưa xuống tóc được nên Bạch Vân năn nỉ chàng bỏ chùa. Rồi chị giới thiệu anh đi học đàn. Học miết 2 năm liên tục thì chàng thành tài và theo hẳn chiếu ca trù của Bạch Vân. Họ sống với nhau không quá 1 năm thì chia tay duyên vợ tình chồng nhưng với chiếu ca trù thì lại bện lâu bện mãi.

Hằng đêm cuối tuần cặp tài tử giai nhân mà chàng là nghệ sĩ đàn đàn đáy Bá Hải còn nàng là cô đào nương ca trù Bạch Vân đều đặn ngồi bên nhau “níu kéo” câu hát ả đào như cách tỏ niềm gắn bó nhưng đó là sự gắn bó với nghề hát.

Đào nương Bạch Vân không giấu nổi nỗi xúc động. Hơn 30 năm gắn bó với ca trù và cũng chừng đó thời gian tên tuổi đào nương Bạch Vân nổi danh, vậy mà cũng chừng đó thời gian câu hát ca trù vẫn lay lắt nếu không muốn nói là nó có nguy cơ mai một. Gặng mãi Bạch Vân mới nói trong nước mắt: “Trên không quan tâm. Dưới cũng không để tâm. Đến muốn treo cái tấm áp phích mời chào du khách thì cũng bị tháo gỡ”. Tôi thấy băn khoăn, an ủi ư? Vô nghĩa. Động viên ư? Bằng thừa. Quan trọng là câu hát được ví là “dân ca Hà Nội” này phải được chính thành phố Hà Nội đưa vào thành một trong những mục tiêu gìn giữ và lưu truyền vốn quý.

Chuyện cũng tới trưa, nắng lên thêm oi. NSƯT Bạch Vân quệt tay lau những giọt nước mắt lăn trên gò má, chị thong thả cầm dùi, “lạc” vào câu hát cho tôi nghe những nhịp phách giòn đanh...

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bach-van-chat-chiu-cho-tieng-hat-ca-tru-10284188.html