Bài 1: Bức tranh giao thông đa sắc màu
LTS: Văn hóa giao thông có thể hiểu là cách ứng xử của con người với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và quan hệ giữa con người với nhau. Có thể nói, để xây dựng văn hóa giao thông thì đóng góp của người tham gia giao thông giữ một vai trò quan trọng, góp phần định hình, tạo nên bản sắc của văn hóa giao thông.
Trong bối cảnh bức tranh văn hóa giao thông Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thời kỳ hội nhập rất đa dạng, phong phú, có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực. Ở góc độ nhìn nhận tích cực, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu văn hóa giao thông được hoàn thiện và đi vào nền nếp sẽ là chuẩn mực để mọi người thực hiện… sẽ góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhan nhản vi phạm
Nhắc đến giao thông Thủ đô, hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến những “mảng tối” với muôn hình vạn trạng của những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông. Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc an toàn như: Không giữ khoảng cách an toàn; không tập trung khi lái xe dẫn đến không chú ý quan sát các biển chỉ dẫn giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu; dừng, đỗ xe tùy tiện mà không có cảnh báo đối với các phương tiện khác...
Trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; đi xe không có biển số, điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang hay đèo ba, đèo bốn, lạng lách, đánh võng, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, bóp còi inh ỏi hoặc vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại. Khi xảy ra va quệt thì thoái thác trách nhiệm, cãi vã, thậm chí gây gổ, đánh nhau...
Nhìn ở trục đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) là ví dụ. mặc dù được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông qua khu vực vẫn khá lộn xộn; không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn, đi sai làn, lấn làn. Đây là một trong những hình thái thể hiện của việc ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Tương tự, hình ảnh những vị phụ huynh chở con em bằng xe máy, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm cho trẻ… rất dễ thấy trên đường phố Hà Nội. Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ... song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.
Tại quận Hà Đông, trên khu vực ngã tư Lê Trọng Tấn, trong giờ tan tầm đông đúc, bản thân người viết không ít lần chứng kiến nhiều người lớn đang chở con em mình cũng văng tục, chửi bậy, buông lời nguyền rủa hoặc xô xát với người khác trong khi tham gia giao thông.
Nghiêm trọng hơn, thói quen tham gia giao thông chưa chuẩn mực của một bộ phận người lớn còn biến tướng, trở thành nhiều dạng hành vi khác khiến thế hệ trẻ “bắt chước”, học theo. Chẳng hạn như, trên Facebook, Youtube vẫn còn ghi lại hình ảnh người trẻ ngó lơ việc nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai trên xe buýt; hay xa hơn, việc đưa người khuyết tật, người cao tuổi qua đường, giúp đỡ người gặp nạn… lại bỗng dưng trở thành “kỳ quặc”, bất thường và bị một bộ phận người trẻ, những "anh hùng bàn phím" cho rằng đó là dàn dựng, không có thực.
Vẫn còn những gam màu sáng
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp xây dựng văn hóa giao thông tạo chuyển biến trên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông theo các tiêu chí chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phải khẳng định rằng, hơn chục năm trở lại đây, khi cư dân Thủ đô dần trở nên đông đúc, cơ sở hạ tầng quá tải, khái niệm “văn hóa giao thông” càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, nếu chú ý, bất kỳ ai cũng có thể thấy văn hóa giao thông vẫn hiện diện từ lâu chứ không phải quãng hơn chục năm gần đây mới có. Nói cách khác, những điều đẹp đẽ, việc tham gia giao thông có văn hóa, có chuẩn mực có thể thấy trên mọi ngóc ngách của Thủ đô.
Có thể thấy điều đó qua hình ảnh những người thanh niên dắt cụ bà qua đường, đám đông xúm lại đỡ một người vừa bị ngã sau va chạm trên đường. Hay thân thương hơn đó còn là hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông đẩy xe giúp người dân qua quãng đường ngập nước; tất cả các phương tiện đồng lòng di chuyển sang một bên, nhường đường cho xe cứu thương...
Theo nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Và hẳn nhiên, báo chí có vai trò quan trọng góp phần hình thành văn hóa giao thông.
“Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, trong đó văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng để tạo ra môi trường xã hội phát triển. Môi trường đó có an toàn, văn minh, nhân ái hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa. Của cải vật chất có nhiều đến mức nào đi nữa nhưng xã hội, con người ứng xử với nhau không có văn hóa thì cũng không thể xây dựng một xã hội văn minh được.
Xây dựng văn hóa giao thông không chỉ là xây dựng những văn bản khô cứng, đao to búa lớn, mà hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất. Là hãy chấp hành điều lệ giao thông, dừng lại khi gặp đèn đỏ, không vứt rác ra đường khi tham gia giao thông, không chen lấn, chậm lại một chút để nhường đường cho người khác, nói với nhau những lời dễ nghe khi lỡ va chạm… Để cho những thứ đẹp đẽ ấy lan tỏa, rất cần báo chí, truyền thông vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa”, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Chị Đinh Thị Lệ - giáo viên Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông) chia sẻ, bên cạnh những gam màu tối của một bộ phận người thiếu ý thức xây dựng văn hóa giao thông thì vẫn còn những người tuân thủ tốt. Và hơn hết, rất cần sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội những hành vi tuân thủ giao thông như đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, đúng tốc độ quy định…
“Tôi đã chứng kiến nhiều lần người điều khiển phương tiện giao thông cố nhoi lên để vượt đèn đỏ mà không muốn đợi dù chỉ vài giây. Vì muốn nhanh nên nhiều người đi xe lên cả vỉa hè, cho xe qua giải phân cách... Thế nhưng, tôi cũng thấy nhiều người tuân thủ Luật giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi ra đường và đội mũ cho trẻ nhỏ khi tới trường. Đây là điều rất quý và cần phải lan tỏa. Khi mỗi người chỉ cần ý thức một chút, biết tuân thủ luật giao thông một chút, nhường nhau một chút, sống chậm lại một chút thì vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông đã được hạn chế rất nhiều”, chị Đinh Thị Lệ nêu quan điểm.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-buc-tranh-giao-thong-da-sac-mau-151884.html