Bài 1: Cần bộ tiêu chí chuẩn rà soát, lựa chọn
Trong lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần 'không bàn lùi, chỉ bàn làm' theo các kết luận của Trung ương, việc sáp nhập để có các xã quy mô lớn hơn về diện tích, dân số sau khi không tổ chức cấp huyện là quyết tâm đúng. Quá trình thực hiện, cần hiểu, nắm rõ thực tiễn để có các giải pháp phù hợp; cần bộ tiêu chí chuẩn rà soát, đánh giá để lựa chọn ra được những cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Lắng nghe, đánh giá, rà soát cụ thể từ thực tiễn
Theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10.6.2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện hành, tùy theo quy mô đơn vị hành chính mà mỗi phường, xã, thị trấn hiện nay được bố trí từ 18 - 23 cán bộ, công chức. Thống kê từ Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019 - 2021, cả nước có 212.606 cán bộ công chức cấp xã, 82,3% cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học. Hiện nay, con số này tăng lên vào khoảng gần 230.000 cán bộ, công chức cấp xã và có khoảng 90% có trình độ đại học. Đến ngày 1.2.2025, Việt Nam có 10.053 đơn vị hành chính cấp xã, theo lộ trình sẽ thực hiện sắp xếp và giảm còn 5.000 xã, nếu tính bình quân mỗi xã khoảng 20 cán bộ, công chức thì con số cán bộ, công chức cấp xã bị ảnh hưởng bởi sắp xếp là 100.000 người.

Cán bộ phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phổ biến pháp luật cho người dân bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Bình Nguyên
Một trong những giải pháp được đưa ra khi không tổ chức cấp huyện là sẽ đưa cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường cho cấp xã. Bình quân mỗi huyện có khoảng 150 cán bộ, công chức thì sau khi bỏ 696 huyện sẽ có khoảng 104.400 cán bộ, công chức cấp huyện phải sắp xếp. Tính chung cả cấp xã sẽ có hơn 200.000 cán bộ, công chức dôi dư phải sắp xếp cho bộ máy mới. Đây là con số không hề nhỏ.
Phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế. Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Để tháo gỡ bài toán dôi dư, Nghị quyết 35 cũng có quy định mở. Theo đó, chậm nhất 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt, báo cáo Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, phương án sắp xếp như thế nào thiết nghĩ UBND cấp tỉnh cần lắng nghe, có sự đánh giá, rà soát cụ thể từ thực tiễn, đồng thời lấy ý kiến dân chủ trước khi quyết định.
Vừa hồng, vừa chuyên, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ
Thực tiễn hiện nay, cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức cấp xã phần lớn đã được chuẩn hóa. Đa số công chức cấp xã có bằng đại học, trong đó nhiều công chức có bằng đại học chính quy, kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm tiếp dân, giải quyết các vụ việc dân sự vì thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân. Vậy nên, “Lâu nay báo đài đưa tin bỏ cấp huyện và đưa cán bộ công chức huyện tăng cường cho xã mới sau sáp nhập, rất nhiều cán bộ, công chức cấp xã không khỏi tâm tư: “cán bộ, công chức cấp xã sẽ về đâu?. Theo tôi, không nên phân biệt cấp nào, kể cả tỉnh, cả huyện, cần đưa vào rà soát, đánh giá, ai không phù hợp vị trí việc làm, vi phạm kỷ luật thì xem xét để tinh giản. Như vậy mới có được bộ máy chính quyền cấp xã mới tinh - gọn - mạnh” - ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phân tích.
Lâu nay, tình trạng “có một bộ phận cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không chỉ ở cấp xã mà ở cấp nào cũng có những cán bộ, công chức làm việc chất lượng, hiệu quả không cao. Đợt sắp xếp này, cơ quan chức năng cần có bộ tiêu chí đánh giá, lượng hóa sản phẩm công việc của cán bộ, công chức trong năm mà rà cho sát. Ai chưa bảo đảm thì sẽ rõ ràng, đưa những người đó vào diện tinh giản. Đây là giải pháp cần thiết bảo đảm trong sạch bộ máy” - ông Ngô Đức Thái, xã Thịnh Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đề xuất.
Cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng đều là người thực thi công vụ, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật cán bộ, công chức sửa đổi hiện đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đã bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã. Đây là điều phù hợp thực tiễn, không nên phân biệt và tách riêng cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức trong hệ thống. Thiết nghĩ trong cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, không nên có tư tưởng phân biệt, định kiến cấp xã là yếu, kém, cần phải tinh gọn mà nên có bộ tiêu chí chuẩn để rà soát, đánh giá cán bộ, công chức nói chung để lựa chọn ra được những cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn mới.