Bài 1: Chật đường, chật nhà văn hóa
Nếu ví những xã đạt chuẩn nông thôn mới là những chàng trai mới lớn, thì xây dựng nông thôn mới là may chiếc áo mới. Dường như chiếc áo ấy đang chật với những chàng trai đang vào tuổi trưởng thành.
Khi “chiếc áo” nông thôn mới đã chật
Theo thời gian, một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới dần bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp và những tiêu chí này cũng được thay đổi dần để theo kịp thực tế. Thế nhưng, nếu những tiêu chí “mềm” có thể thay đổi trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, thì những tiêu chí “cứng” như đường giao thông nông thôn hoặc nhà văn hóa không dễ thay đổi.
Tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 151 vào thôn Phú An 2, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) được đổ bê tông từ năm 2013. Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Nguyễn Hữu Lý tâm sự: ngày đổ bê tông tuyến đường này, người dân hồ hởi, phấn khởi. Với người dân Phú An 2, tuyến đường bê tông rộng 3 m thời điểm ấy dường như quá rộng với suy nghĩ. Thế nhưng, qua 7 năm, tuyến đường này trở nên quá hẹp, bởi lượng phương tiện trong thôn tăng chóng mặt, thậm chí không ít hộ mua ô tô để đi lại hoặc chở nông sản.
Dẫn chúng tôi “đi mục sở thị”, 800 m đầu tuyến chưa được mở rộng, 2 xe ô tô đi ngược chiều chỉ biết dừng lại nhìn nhau. Bí thư Chi bộ thôn Phú An 2 Bùi Văn Kha nói với giọng ngao ngán: nhiều lần giao thông trên tuyến đường này bị ách tắc, bởi 2 xe tô đi ngược chiều không chịu nhường nhau, thành ra mọi người tham gia giao thông cũng phải chờ đợi. Giá mà ngày đó đổ bê tông tuyến đường rộng hơn thì sẽ không lo tắc đường.
Không chỉ Bí thư Chi bộ thôn Phú An 2 tiếc nuối, mà bí thư chi bộ, trưởng các thôn và lãnh đạo xã cũng tự trách mình vì không nhìn xa trông rộng, bởi ở thời điểm đó, đổ được tuyến đường bê tông liên thôn rộng 3 m thay cho tuyến đường đất đã là kỳ tích. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý cho hay: để làm được tuyến đường bê tông liên thôn, ngoài nguồn lực do nhà nước hỗ trợ, người dân nông thôn phải cố gắng rất nhiều, làm được như thế cũng đã là nỗ lực vượt bậc. Không chỉ thôn Phú An 2, mà tuyến đường giao thông của 24 thôn còn lại của xã Phú Nhuận hiện đều chật, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.
Tạm biệt Phú Nhuận, chúng tôi tới Quang Kim (Bát Xát), một trong những xã dự kiến về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2020. Nói về chương trình xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Phàng Thị Cở tự hào: Quang Kim là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và dự kiến về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn nơi đây.
Với tiêu chí đường giao thông nông thôn, để về đích, nhiều tuyến đường đã được đổ bê tông, nhờ đó việc vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa cũng dễ hơn so với trước. Thế nhưng, nhiều tuyến đường giai đoạn đó chỉ được đổ bê tông rộng 2 - 3 m, hành lang đường cũng còn hạn chế, vì mặt bằng làm đường đều do người dân hiến đất của gia đình phục vụ mục tiêu chung. Để về đích nông thôn mới nâng cao, nhiều tuyến đường cần phải được mở rộng mặt đường cũng như hành lang đường để trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan.
Ví dụ như tuyến đường thôn Làng Quang, trước đây vốn là đường đất nhỏ hẹp, không thể đi được xe máy, nhưng nhờ xây dựng nông thôn mới, tuyến đường được đổ bê tông. Thế nhưng, con đường bê tông nhỏ để người dân dễ dàng chạy xe máy, phù hợp với những năm 2010 - 2015, đến năm 2020 trở nên chật hẹp. Người dân cần một tuyến đường rộng hơn để xe ô tô có chỗ tránh nhau, để những chiếc xe tải cỡ nhỏ có thể chở vật liệu xây dựng, vận chuyển nông sản, để phương tiện sản xuất như máy cày, máy cấy, máy tuốt lúa có kích thước cồng kềnh di chuyển dễ dàng…
Không chỉ chật đường, mà các xã nông thôn mới cũng đang đối mặt với một khó khăn khác, đó là chật nhà văn hóa. Dọc theo Quốc lộ 4D, các thôn Na Hạ 1, Na Hạ 2 và Củi Chủ, xã Lùng Vai (Mường Khương) bình yên nép vào ven những đồi chè mướt xanh. Những chiếc kẻng được đặt ở trung tâm của thôn, mỗi khi có việc, trưởng thôn sẽ đến đó gõ kẻng, bởi chưa có nhà văn hóa chung nên khi nghe tiếng kẻng gõ, người dân trong thôn sẽ đến nhà trưởng thôn họp bàn. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhà văn hóa thôn được xây dựng. Thời điểm đó, thôn Na Hạ 2 chỉ có khoảng 80 hộ, nhà văn hóa được xây dựng tương đối rộng rãi để phục vụ hoạt động vui chơi, sinh hoạt của người dân. Đến đầu năm 2020, thôn Na Hạ 2 sáp nhập với thôn Củi Chủ và một phần của thôn Na Hạ 1 thành thôn Na Hạ, dân số của thôn vì thế cũng tăng gấp hơn 2 lần so với trước. Nhà văn hóa thôn Na Hạ 2 được chọn là nhà văn hóa chung của thôn mới, căn nhà xây 3 gian khá rộng rãi trở nên chật chội, không còn đủ sức phục vụ các hoạt động chung.
Xã Phú Nhuận trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới có 33 thôn, sau đó sáp nhập còn 28 thôn và mới đây tiếp tục sáp nhập còn 25 thôn. Khi bắt tay triển khai xây dựng nông thôn mới, mỗi thôn đều làm 1 nhà văn hóa, với quy mô tối đa 80 chỗ ngồi, hoàn toàn phù hợp với các thôn. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có chủ trương sáp nhập các thôn. Khi triển khai chủ trương sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, xã Phú Nhuận đã sáp nhập một số thôn, dẫn đến số hộ tăng và hiển nhiên sức chứa của nhà văn hóa quá tải. Ví dụ như thôn Phú Hải 3 sáp nhập với thôn Phú Hải 4 thành thôn Phú Hải 3, có 167 hộ; thôn Nhuần 4 sáp nhập với thôn Nhuần 5 thành thôn Nhuần 4 với 170 hộ, nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người thì 2 thôn mới sáp nhập có từ 668 đến 680 người. Khi có việc họp thôn, nếu mỗi gia đình cử 1 người tham dự thì có gần 50% người dân phải ngồi ngoài nhà văn hóa thôn. “Khi thôn có công to, việc lớn, cần họp tất cả người dân thì nhà văn hóa không thể đáp ứng được. Không thể để người ngồi trong, người ngồi ngoài nhà văn hóa, bởi các hộ đều có quyền như nhau, họ đều đóng góp như nhau để xây nhà văn hóa thôn, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến suy nghĩ trái chiều, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý tâm sự.
Những khó khăn trên không chỉ riêng Phú Nhuận, Quang Kim, Lùng Vai, mà nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Nguyên nhân là do các tiêu chí mà các xã đạt được hầu như ở mức tối thiểu và phù hợp với thời điểm, chứ chưa mang tính lâu dài, chưa có sự liên kết vùng, dẫn đến không theo kịp sự phát triển, thay đổi trong thực tế. Đã đến lúc cần “may” lại những “chiếc áo” đã chật cho các xã nông thôn mới.