Bài 1: Chưa phát huy hết hiệu quả sau đầu tư
Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc từ các quy định của pháp luật; công tác khảo sát thiết kế ban đầu của một số công trình chưa chặt chẽ; quản lý sau đầu tư của chính quyền địa phương còn yếu... làm cho nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do Nhà nước đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả. Đây là thực trạng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh qua giám sát việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung do Nhà nước đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022.
Chủ yếu do cộng đồng, tổ chức, cá nhân quản lý
Kết quả giám sát thực tế cho thấy các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tích hợp quy hoạch mạng lưới cấp nước sinh hoạt vào quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% (tăng 6% so với năm 2018), trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chiếm 38,6%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là 41% (tăng 7% so với năm 2018), trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chiếm 12,8%, cơ bản các chỉ tiêu về nước sạch đã đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV.
Đáng chú ý, cách thức đầu tư, công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình có nhiều đổi mới. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang áp dụng 4 mô hình quản lý, khai thác, vận hành công trình, trong đó tập trung chủ yếu là do cộng đồng, tổ chức cá nhân quản lý, vận hành 753 công trình, chiếm 90.5%. Tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, quản lý sau đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án, công trình tại các khu dân cư có sự phát triển đô thị hóa cao và tập trung mật độ dân cư lớn. Kết quả, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước nông thôn…
Thiết kế chưa chặt chẽ, quản lý sau đầu tư còn yếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc từ hệ thống văn bản của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi Nghị định số 43/2022/NĐ-CP có hiệu lực (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện). Việc tham mưu UBND tỉnh triển khai Nghị định số 43/2022/NĐ-CP chưa kịp thời. Quy định giá nước theo khu vực mà không quy định theo loại công trình chưa phù hợp với thực tế (những công trình được quản lý vận hành, cung cấp nước ổn định có giá thu tiền nước bằng những công trình không hiệu quả cùng trên một địa bàn xã, huyện).
Công tác khảo sát thiết kế ban đầu của một số công trình chưa chặt chẽ, dẫn đến khi công trình hoàn thành không sử dụng được do lựa chọn giải pháp thiết kế, nguồn nước không phù hợp. Thậm chí, có những công trình không xuất phát từ nhu cầu thực tế, không xin ý kiến đánh giá sự cần thiết của các cơ quan chuyên môn trước khi chuẩn bị đầu tư; hoặc công trình sau khi xây dựng xong người dân phải bổ sung thiết bị làm phát sinh thêm chi phí dẫn đến không đạt được mục tiêu và phát huy hiệu quả như mong đợi.
Công tác quản lý sau đầu tư của chính quyền địa phương còn yếu, đa số các xã, thị trấn chưa rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình để chủ động đề nghị thanh lý đối với các công trình không hoạt động, công trình không có khả năng sửa chữa. Không báo cáo kê khai khi có biến động về tài sản, khi công trình hư hỏng, không sử dụng được, xuống cấp không được bảo dưỡng thường xuyên, dẫn tới công trình sau khi được đầu tư không phát huy được hết hiệu quả sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn cơ sở quản lý, khai thác công trình chưa tốt, chưa quan tâm vận động tuyên truyền người dân đóng tiền sử dụng nước nên không bảo đảm kinh phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên (có tới 70% số công trình không thu được tiền nước). Từ hư hỏng nhỏ không có giải pháp khắc phục kịp thời, dẫn đến hư hỏng lớn hơn, dần bị xuống cấp, dẫn đến công trình không có khả năng cấp nước. Công trình do Nhà nước đầu tư, cộng đồng quản lý nên chưa hình thành ý thức bảo vệ tài sản chung, công trình chung. Các hành vi vi phạm đến công trình không được báo cáo, tố giác phản ánh tới cấp chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, từ đó gây hư, hệ quả công trình không bảo đảm năng lực cấp nước.