Bài 1: Chưa sát nhu cầu thực tế sử dụng thuốc hàng năm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong việc đấu thầu, cung ứng thuốc thuộc danh mục được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán của các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2021 - 2024. Theo đó, xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc chưa sát với nhu cầu thực tế sử dụng thuốc hàng năm; qua nhiều lần đấu thầu tập trung cấp địa phương nhưng vẫn còn thiếu một số loại thuốc do nhà thầu không tham gia đấu thầu…

Cơ bản đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh

Kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2021 - 2024, các cơ sở y tế đã chủ động đề xuất danh mục, xây dựng nhu cầu sử dụng thuốc cơ bản phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh và phân tuyến kỹ thuật, Sở Y tế kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tham mưu, thực hiện công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương theo quy định. Việc triển khai công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương được tổ chức thực hiện cơ bản thuận lợi, kết quả trúng thầu đúng niên độ theo yêu cầu của giai đoạn 2021 - 2022 và 2023 - 2024, qua đấu thầu đã tiết kiệm được kinh phí mua thuốc. Trên cơ sở hợp đồng khung kết quả trúng thầu, các cơ sở y tế công lập của tỉnh tiến hành hợp đồng mua, cung ứng thuốc cụ thể với các doanh nghiệp.

 Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc bảo quản thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyệt

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc bảo quản thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyệt

Các cơ sở y tế mua thuốc, các doanh nghiệp cung ứng thuốc cơ bản bảo đảm theo kết quả trúng thầu; việc sử dụng thuốc BHYT tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế. Thuốc thuộc danh mục quỹ BHYT chi trả của các cơ sở y tế công lập cơ bản đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh. Một số đơn vị sử dụng thuốc BHYT đạt tỷ lệ cam kết tối thiểu 80% theo quy định. Việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân bảo đảm phù hợp với chỉ định trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Hội đồng thuốc và điều trị của các cơ sở y tế đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc theo quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập với cơ quan bảo hiểm xã hội cùng cấp trong việc ứng quỹ và thanh toán chi phí mua thuốc BHYT thực hiện bảo đảm quy định.

Vẫn còn thiếu một số loại thuốc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo đó, trung tâm y tế xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc chưa sát với nhu cầu thực tế sử dụng thuốc hàng năm (về mô hình bệnh tật, quy mô dân số và số lượng người dân có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại địa phương); nhiều cơ sở y tế thực hiện cam kết sử dụng thuốc BHYT chưa đạt tối thiểu 80% số lượng thuốc do đơn vị lập kế hoạch theo quy định. Qua nhiều lần đấu thầu tập trung cấp địa phương nhưng vẫn còn thiếu một số loại thuốc do nhà thầu không tham gia đấu thầu như: thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc phục vụ cấp cứu, thuốc tiền chất, thuốc chuyên khoa đặc trị, các vị thuốc y học cổ truyền… Vì vậy, các cơ sở y tế phải tự mua sắm theo các hình thức khác như: chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp nên gặp nhiều khó khăn.

Kết quả đấu thầu chưa bảo đảm về chủng loại đầy đủ theo danh mục thuốc đã đăng ký kế hoạch đấu thầu, việc cung ứng thuốc của một số nhà thầu (do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là thời điểm dịch Covid-19) còn chậm, chưa đầy đủ nên có thời điểm thiếu cục bộ một số loại thuốc ở một số cơ sở y tế, bệnh nhân phải mua một vài loại thuốc bên ngoài để điều trị. (Theo phản ánh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số trung tâm y tế như huyện Chư Prông, Mang Yang, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần kinh).

Bên cạnh đó, tại các đơn vị được giám sát hầu như khoa đông y, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng không điều trị bằng vị thuốc y học cổ truyền; các kho bảo quản thuốc tại một số đơn vị còn tình trạng xuống cấp chưa bảo đảm theo quy định như Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh; Trung tâm y tế huyện Chư Prông, Phú Thiện, Krông Pa; Bệnh viện Lao và bệnh phổi…

Một khó khăn nữa là đội ngũ viên chức tham gia thực hiện công tác đấu thầu hầu hết kiêm nhiệm, mặc dù đã được tập huấn nhưng hạn chế về kinh nghiệm, nghiệp vụ đấu thầu nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu thuốc. Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện hợp đồng mua thuốc, việc cung ứng thuốc thuộc danh mục thuốc đã trúng thầu tại các cơ sở y tế công lập chưa thường xuyên.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy khó khăn của các đơn vị y tế khi việc thanh toán, quyết toán 20% còn lại của quý IV từ quỹ BHYT phải chờ đến tháng 10 năm sau mới được thanh toán đã ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ, chính sách cho đội ngũ y, bác sĩ và chi trả tiền thuốc cho các nhà thầu. Nhất là các cơ sở y tế công lập thực hiện chế độ tự chủ 100%, trong khi đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được điều chỉnh kịp thời so với chính sách cải cách tiền lương mới hiện nay. Bên cạnh đó, giá thuốc kê cho bệnh nhân tính theo giá trúng thầu, chưa tính các chi phí khác nên ảnh hưởng đến chi phí chi thường xuyên của đơn vị. Trong khi, nguồn thu của một số đơn vị tự chủ không đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, dẫn đến có một số đơn vị nợ quá hạn các nhà thầu, ảnh hưởng đến công tác cung ứng đủ thuốc để phục vụ bệnh nhân.

Kiều Bảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-chua-sat-nhu-cau-thuc-te-su-dung-thuoc-hang-nam-post392819.html