Bài 1: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Cái được lớn nhất trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (Chỉ thị 40) của huyện Quảng Ninh chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm của cán bộ và người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đều và giảm sâu theo từng năm; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao rõ rệt...

Cán bộ quyết tâm

Qua 10 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Quảng Ninh đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn thể, đội ngũ cán bộ viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế, xã hội được thể hiện rõ qua từng chủ trương hành động. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát chuyên đề, lồng ghép trong các đợt giám sát thực hiện các chương trình tín dụng chính sách qua các năm.

Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền, giúp cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền được thường xuyên; việc theo dõi nắm bắt tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách được kịp thời; công tác tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ NHCSXH Hoàng Hải Nam (người đứng) đang tuyên truyền chủ trương chính sách mới đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Ploang, xã Trường Sơn. Ảnh: T. Ngọc

Cán bộ NHCSXH Hoàng Hải Nam (người đứng) đang tuyên truyền chủ trương chính sách mới đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Ploang, xã Trường Sơn. Ảnh: T. Ngọc

Bên cạnh đó, việc định kỳ sơ kết, tổng kết hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy các kết quả đạt được và kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hàng năm, UBND huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40, UBND huyện đã chuyển sang NHCSXH 10,313 tỷ đồng; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 15 điểm giao dịch cố định tại UBND các xã, thị trấn. Cùng với đó, Ban Đại diện NHCSXH đã được kiện toàn đến cấp xã với việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Đến nay, đã có 15/15 chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.

Đặc biệt, cùng với sự lớn mạnh về "lượng", "chất" của hoạt động tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt. Trong 10 năm qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã tổ chức 165 lớp, với 6.820 học viên là cán bộ ngoài hệ thống NHCSXH tham dự các lớp tập huấn về quản lý hoạt động tín dụng, nghiệp vụ ủy thác, công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, kiểm tra giám sát, quy trình bình xét cho vay, bình xét nợ rủi ro, đề nghị xử lý, quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Ngân hàng tận tụy

Xác định đối tượng phục vụ của hoạt động tín dụng chính sách xã hội là bà con vùng sâu, vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp và nhận thức không đồng đều; do đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng xã hội đã được đa dạng hóa về nội dung và hình thức; các thông tin về các chương trình tín dụng chính sách được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, truyền hình, đài phát thanh địa phương, đài truyền thanh xã, thị trấn.

Ngoài ra, còn được đăng tải trên các tờ thông tin, tập san, tờ rơi hoạt động của NHCSXH, của các Hội, đoàn thể phát tới cán bộ Hội cơ sở, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn; nội dung về chính sách tín dụng xã hội còn được đưa vào các hội thi của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy cấp cơ sở; đặc biệt, những nội dung trên đều được NHCSXH huyện công khai cập nhật trên bảng thông tin treo tại trụ sở UBND xã, thị trấn.

Là một cán bộ tín dụng trẻ, Hoàng Hải Nam luôn xung phong phụ trách những địa bàn khó, ở xa và đi lại khó khăn. Anh cảm thông với những vất vả của bà con nên luôn bám sát địa bàn để xử lý kịp thời những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sớm tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Hoàng Hải Nam chia sẻ, trong chuyến công tác thực tế đến bản Ploang, xã Trường Sơn - một bản với nhiều cái không: không điện, không sóng viễn thông, không hộ khá, giàu… và cái có duy nhất là tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Với những cái ''Nhất" không mong muốn như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để tuyên truyền cho bà con hiểu được các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đang triển khai hỗ trợ đồng bào, từ đó, người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

"Tôi nhận ra rằng, để xóa nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào trước tiên phải là vốn và cách làm. Vốn thì đã có NHCSXH, còn cách làm không chỉ có nói với bà con, mà phải cùng bàn, cùng làm, nuôi con gì, trồng cây gì, trồng và chăm sóc như thế nào…" - anh Hoàng Hải Nam chia sẻ.

Sau một thời gian làm cán bộ tín dụng tại NHCSXH huyện Quảng Ninh, nhiều lần cùng ăn, cùng ngủ với đồng bào, điều Hoàng Hải Nam thấm thía là bất kì việc to, việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, việc gì cũng thành công.

Điều thấm thía của Hoàng Hải Nam cũng là những kinh nghiệm mà Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hoàng Xuân Ninh - thuộc hội nông dân xã Trường Sơn rút ra sau nhiều năm phụ trách địa bàn bản Hôi Rấy và Nước Đắng. Đây là 2 bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Trường Sơn, chưa có đường bộ về đến bản, chưa có điện lưới. Muốn đến 2 bản Hôi Rấy và Nước Đắng, không có cách nào khác ngoài đi đò, vượt con thác Tam Lu trắc trở, hai bên vách núi dựng đứng...

"Nhưng thật vui, vì chúng tôi đã vận động được 43 hộ dân đang vay vốn với dư nợ 2,627 tỷ đồng, bình quân dư nợ 61 triệu đồng/hộ. Các hộ chịu khó làm ăn, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng nên không có nợ quá hạn..." - Tổ trưởng Hoàng Xuân Ninh phấn khởi nói.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-chuyen-bien-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-i378600/