Giá cà phê gây sốc
Giá cà phê thế giới hôm nay tăng mạnh trở lại sau 2 phiên lao dốc liền trước. Tại Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân đã chạm ngưỡng kỷ lục, kim ngạch 9 tháng vượt cả năm 2023.
Phiên giao dịch ngày 5/10 (giờ Việt Nam) chứng kiến biến động dữ dội của giá cà phê trên cả sàn London và New York. Thị trường có lúc ghi nhận giá giảm sâu 45 USD/tấn, và tăng cao nhất lên tới 174 USD/tấn.
Chốt phiên, giá robusta trên sàn London kỳ hạn giao tháng 11 tăng mạnh 146 USD lên mức 5.067 USD/tấn, trong khi giá giao tháng 1/2025 tăng 139 USD, đạt 4.859 USD/tấn. Còn trên sàn New York, giá arabica ở các kỳ hạn cũng tăng hơn 2%.
Cà phê Việt Nam thực sự hưởng lợi?
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng mạnh thời gian qua. Trong tháng 9, giá bình quân đạt 5.469 USD/tấn, mức cao nhất từng được ghi nhận.
Tính chung 9 tháng, giá trung bình mỗi tấn cà phê xuất khẩu đạt 3.897 USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê hiện là nông sản có mức tăng giá mạnh nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nhờ đó, Việt Nam thu gần 4,4 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê trong 9 tháng, tăng 40% so với cùng kỳ và vượt kim ngạch cả năm ngoái.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Phúc Sinh cho hay nhiều năm trước, mỗi tấn cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ có giá khoảng 1.200-1.600 USD, đỉnh điểm là 2.600 USD, còn bây giờ lên đến 5.000-6.000 USD.
Với giá cà phê nguyên liệu này, ông ước tính người tiêu dùng ở Mỹ có thể sẽ phải chi trả tới 20 USD cho mỗi ly cà phê ở cửa hàng. Do đó nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, cà phê trên thế giới sẽ thiết lập mặt bằng giá mới và nhu cầu tiêu thụ sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, biến động thị trường rất khôn lường, điển hình trước phiên tăng mạnh đêm qua, giá cà phê đã giảm sâu hơn 500 USD/tấn chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch liền trước. Nguyên nhân là sự leo thang trong cuộc xung đột giữa Iran và Israel, đồng thời Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) cũng bị trì hoãn hiệu lực.
Ông Thông cho rằng sự điều chỉnh là cần thiết. "Ở mức cao như hiện tại, người mua và người bán rất khó khăn. Thị trường chủ yếu bị tác động bởi đầu cơ, trong khi nông dân chưa thực sự hưởng lợi", ông nói và tiết lộ từ tháng 6 đến nay, Phúc Sinh và các doanh nghiệp khác không có hàng để thu mua.
Cần sản xuất bền vững
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, dự báo niên vụ 2024-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán và sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5-15% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay vẫn có thể vượt 5 tỷ USD, thậm chí đạt 6 tỷ USD nhờ đà tăng giá.
Theo ông Albert Bokkestijn, Quản lý dự án SNV-DFCD (Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan) - đơn vị vừa tài trợ không hoàn lại 431.250 euro (tương đương hơn 11,7 tỷ đồng) cho Phúc Sinh, khi thị trường cà phê ngày càng phát triển, giá ngày càng tăng cao, thì các doanh nghiệp và vùng trồng càng cần đến những giải pháp để phát triển một cách bền vững, đảm bảo hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Khi thị trường cà phê ngày càng phát triển, giá ngày càng tăng cao, thì các doanh nghiệp và vùng trồng càng cần đến những giải pháp để phát triển một cách bền vững.
Ông Albert Bokkestijn, Quản lý dự án SNV-DFCD
"Việc thu hút trực tiếp nông dân tham gia sản xuất bền vững sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, và bằng cách tuân thủ các biện pháp quản lý theo Tiêu chuẩn Nông nghiệp Bền vững (Rainforest Alliance), thì sẽ tăng khả năng phục hồi của người nông dân trước khí hậu và thị trường", ông Albert nhấn mạnh.
Đây là lý do quỹ Hà Lan này thời gian tới sẽ tài trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các sáng kiến phát triển bền vững và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của Phúc Sinh; đồng thời tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững ở Việt Nam để đồng hành trong thời gian tới.
Ông Phan Minh Thông cho biết sẽ sử dụng số tiền tài trợ từ DFCD để mở rộng số lượng hộ dân tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận phát triển bền vững, cũng như phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy định EUDR, đồng thời đầu tư vào các chương trình đào tạo mở rộng cho nông dân và nhân viên công ty về ESG và phát triển bền vững.
Theo ông Thông, thị trường cà phê sẽ dần ổn định lại trong tháng 10. "Dĩ nhiên, giá vẫn ở mức cao ít nhất trong 5 năm tới, có thể khoảng 4.000 USD/tấn, bởi nguồn cung không còn dồi dào như trước", ông nói.
Vị này đồng thời cho rằng trong vụ mùa sắp tới, nông dân sẽ có thể bán cà phê với giá cao. Đặc biệt, theo khảo sát của công ty, sản lượng đã cải thiện sau giai đoạn giá neo cao. "Thực tế nhiều địa phương đã 'cháy hàng' cây giống cà phê", ông Thông tiết lộ.
Trước đó, trong niên vụ 2023-2024, diện tích trồng cà phê tại Việt Nam là 709.041 ha, do các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, làm giảm mạnh nguồn cung cà phê robusta trên toàn cầu.
Song, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, với phần lớn sản lượng là robusta, chiếm khoảng 90-95% tổng sản lượng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-ca-phe-gay-soc-post1502212.html