Bài 1: Cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế khiến doanh nghiệp không 'mặn mà' đầu tư xây dựng chợ
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-Ctr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025, trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chỉ đạo đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo bài bản, khoa học từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đến nay, Chương trình đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu, dự kiến cuối nhiệm kỳ hoàn thành 14/19 chỉ tiêu. Hiện Ban Chỉ đạo Chương trình đã phân loại 5/19 chỉ tiêu còn khó khăn vướng mắc để chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên.
Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội: Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-Ctr/TU chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Hiện có 5 chỉ tiêu còn chậm triển khai thực hiện như: Đầu tư xây dựng chợ; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị. Công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Việc soạn thảo, ban hành các Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Đề án để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình còn chậm dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án thuộc danh mục các công trình ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 còn chưa đảm bảo tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của chương trình…
Khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn TP có 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1 (bao gồm 5 chợ đầu mối); 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3. Đến nay, toàn TP đang có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa. Thành phố cũng có chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía Nam và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.
Với sự vào cuộc nghiêm túc của UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, kết quả công tác quản lý, phát triển chợ đã đạt được những kết quả rõ nét. Cụ thể, toàn TP đã phân hạng được 421/453 chợ; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 171/453 chợ; phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng được 381 chợ.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong năm 2023, UBND TP đã ban hành kế hoạch dự kiến xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công (gồm 3 chợ tại quận Nam Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Mỹ Đức, 2 chợ tại huyện Thạch Thất); 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công (gồm 3 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Thanh Oai). Các chợ còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn TP chưa được quan tâm đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa đạt tiến độ đề ra. Các hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình... ở nhiều chợ đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Một số địa bàn của các địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu mua bán của Nhân dân, dẫn đến tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, theo quy định thì TP chỉ đầu tư chợ đầu mối, còn lại phân cấp cho địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi. Vì thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư thì cần sớm báo cáo TP để có phương án tháo gỡ. Đối với các chợ loại 1, TP cần phải quy hoạch để các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng.
Đề xuất chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng
Một nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu đầu tư xây dựng mới các chợ là do cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích doanh nghiệp, đã khiến việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tại một số địa bàn của các quận, huyện vẫn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm. Trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân), từ sáng sớm chợ họp trên vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Nhiều sạp kinh doanh thực phẩm tươi sống bày bán ngay trên tấm gỗ hoặc một lớp ni lông trải xuống nền đất... Tại Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), người dân buôn bán ngoài đường, trong khi dự án xây dựng chợ dân sinh Tây Mỗ được phê duyệt từ năm 2014 với diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư dự án khoảng 22,5 tỷ đồng, vẫn đang dở dang, mới chỉ có hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ được xây dựng.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, khi chuyển từ mô hình nhà nước quản lý sang doanh nghiệp quản lý, tiền thuê đất được tính vào giá thành đầu tư, kéo theo giá thuê diện tích bán hàng tăng 2-3 lần khiến các tiểu thương bỏ chợ, còn doanh nghiệp thua lỗ... vì thế dự án xây dựng chợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên (quận Ba Đình), đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh chợ ở Hà Nội không khó, do lợi ích của việc này rất rõ ràng, quan trọng là cơ chế. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ như: Vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan... góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất. Để thu hút hơn nữa cần có thêm những cơ chế hỗ trợ như Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng nếu dự án thuần túy là chợ truyền thống.
Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất TP chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu Nhân dân.
Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, văn minh thương mại... tại các chợ. Thành phố phải đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh...