Bài 1: Cống hiến hết mình tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở
Sau thời gian công tác, trở về địa phương, nhìn chung đội ngũ đảng viên hưu trí vẫn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại nơi cư trú, trở thành 'đầu tàu' gương mẫu. Họ còn được coi là 'vốn quý' ở cơ sở, đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm để sát cánh cùng lớp đảng viên ở chi bộ phố, thôn, bản thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phát huy vai trò, trí tuệ của đảng viên hưu trí
Đồng chí Hoàng Bùi Phiến, đảng viên hưu trí, bí thư chi bộ thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch (Quảng Xương) vận động hộ dân cải tạo vườn tạp. Ảnh: minh trang
Nghỉ hưu không nghỉ việc
Về hưu mà bận rộn chẳng kém khi còn đương chức, nhưng đảng viên 40 năm tuổi Đảng Vi Văn Thông, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Khương (Lang Chánh) không nề hà, than vãn, mà luôn vui vẻ gánh vác nhiệm vụ. Cùng với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong quân ngũ, công tác chính quyền tại địa phương, già làng bản Bôn, ông Vi Văn Thông luôn nói đi đôi với làm, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng khu dân cư văn hóa... Ngay từ khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông Thông đã tham gia công tác trực đảng ủy xã và có 12 năm làm chủ tịch UBND xã. Ông đã cùng với tập thể đảng ủy vận động kêu gọi sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cấp trên đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng làm nền móng cho sự phát triển của xã vùng biên, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức tích cực, chủ động sản xuất. Ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện vai trò gương mẫu, cầu thị, nỗ lực làm việc mang đến cuộc sống ấm no cho người dân vùng biên cương còn nhiều khó khăn. Ông Thông tâm sự: “Tôi rất chú trọng xây dựng tình cảm gia đình, tình đoàn kết Nhân dân trong bản. Gia đình phải hòa thuận thì bản mới đoàn kết. Với vai trò già làng, tôi đã hòa giải nhiều việc, trong đó có hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, làng xóm... tôi vận động, tuyên truyền, giải thích hợp tình, hợp lý, nên bà con nhận thức được đã chí thú làm ăn. Bản Bôn không còn tình trạng mất trật tự an ninh, đặc biệt nhiều năm nay không có tình trạng buôn bán ma túy, trồng cây thuốc phiện, bỏ được nhiều hủ tục như: Không cúng khi ốm đau; thách cưới; tảo hôn; không chăn nuôi dưới gầm sàn nhà...”. Đến nay diện mạo bản Bôn đã có nhiều thay đổi, 100% tuyến đường trong bản đã bê tông, năm 2017 bản đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 được UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác an ninh trật tự. Không chỉ làm tốt việc làng, gia đình ông Thông còn đi đầu trong phát triển kinh tế, hiến 3.000m2 đất xây dựng trường mầm non.
Xác định “đã là đảng viên thì dù đang công tác hay nghỉ hưu, khi Đảng cử, dân bầu phải hoàn thành tốt mọi công việc”, vì thế, khi nghỉ hưu, bà Phạm Thị Cậy, nguyên cán bộ Cục Thống kê tỉnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của phố, được đảng viên bầu làm Bí thư chi bộ phố 6, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa). Là chi bộ có nhiều đảng viên từng công tác, đảm nhận các chức vụ, vị trí quan trọng của tỉnh và nhiều đảng viên đang công tác tại các ban, sở, ngành..., 14 năm tham gia việc phố, bà Cậy luôn biết tranh thủ ý kiến góp ý của các đảng viên trong chi bộ, nhất là đảng viên có kinh nghiệm thực tiễn, có trí tuệ và nhiệt huyết mỗi khi xây dựng nghị quyết, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo phố 6 thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bà cùng chi ủy, chi bộ luôn đổi mới phương pháp công tác và lề lối làm việc, xác định rõ trách nhiệm “đi trước” của từng cán bộ, đảng viên nên đã phát huy được trí tuệ, nhiệt huyết của nhiều đảng viên hưu trí trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Phố tập trung nhiều hộ sinh sống, đa phần là công chức và tiểu thương, nhưng tình hình tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và người dân khu phố luôn ổn định, người dân đoàn kết giúp đỡ, chia sẻ với nhau mọi việc. Phố được Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa công nhận “Tổ dân phố kiểu mẫu” năm 2016; 19 năm liên tục (2001-2019) đạt “Tổ dân phố văn hóa”. Bà Cậy cho biết: “Còn sức khỏe, còn khả năng mà không tham gia việc phố, phường là chưa làm tròn nhiệm vụ Đảng cử, dân tin. Vả lại, tôi làm để tạo động lực cho người khác”.
Chiếm hơn 26% tổng số đảng viên của cả tỉnh (60.124 đảng viên hưu trí/228.782 đảng viên toàn tỉnh), khi nghỉ hưu, các đảng viên không hề nghỉ việc, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương. Nhiều đảng viên, trong đó có cả các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục cống hiến, tham gia vào các hoạt động phong trào xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương khi được Đảng cử, dân bầu. Các đảng viên hưu trí còn tích cực tham gia sinh hoạt ở các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm, như: Câu lạc bộ Hàm Rồng, CLB Đò Lèn, Hội cựu Giáo chức... đây là nơi để các đảng viên hưu trí tiếp tục có thêm nhiều đóng góp với cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Lan tỏa niềm tin
Với số lượng đảng viên của Quỹ Tín dụng Nhân dân xã Quảng Trạch (Quảng Xương) có thể thành lập một chi bộ, nhưng đồng chí Lê Đăng Hoan, Giám đốc quỹ đã đề xuất cho các đảng viên được tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn để nắm bắt tình hình đời sống của Nhân dân, tham gia góp ý định hướng phát triển kinh tế tại địa phương. Cá nhân đồng chí Hoan là đảng viên của chi bộ thôn Câu Đồng đã tích cực đóng góp ý kiến về chương trình giảm nghèo, xây dựng nghị quyết, chương trình hành động của chi bộ... Đồng chí Hoan đã bàn với HĐQT quỹ bảo lãnh cho một số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn tại quỹ, trong đó có gia đình bà Nhanh được vay 40 triệu đồng để trả nợ vay nóng và phát triển sản xuất. Sau 2 năm vay vốn, gia đình bà Nhanh đã ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Nói về vai trò, uy tín của những đảng viên hưu trí của chi bộ mình, đồng chí Hoàng Bùi Phiến, Bí thư chi hộ thôn Câu Đồng cho biết: Chi bộ có 55 đảng viên, trong đó có 26 đảng viên hưu trí. Với kinh nghiệm công tác trước đó và trách nhiệm của người đảng viên, các đảng viên hưu trí sinh hoạt tại chi bộ đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực trong xây dựng nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo, điều hành hoạt động của chi ủy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đồng chí Phiến cũng là đảng viên hưu trí được Đảng cử, dân tin bầu làm bí thư chi bộ thôn 4 nhiệm kỳ. Dù con cái trưởng thành, bản thân có lương hưu, nhưng hai vợ chồng vẫn sản xuất nông nghiệp. Đồng chí chia sẻ: “Người dân đa số sản xuất, làm dịch vụ nên tôi tham gia sản xuất để gần dân, hiểu dân và giúp chi bộ đưa ra những chương trình, nghị quyết sát thực hơn”.
Nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 327, Quân khu 3, ông Nguyễn Hữu Thân chi bộ thôn 1, xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) đã xắn tay cùng chi bộ chăm lo công việc của Đảng. Có kinh nghiệm 33 năm công tác trong quân đội và được đào tạo bài bản chuyên ngành về xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền Nhà nước nên ông Thân đã nhiệt huyết đóng góp ý kiến với chi ủy, chi bộ nhiều việc, trong đó có việc định hướng chuẩn bị nghị quyết, nội dung các kỳ sinh hoạt chi bộ, cách tuyên truyền, vận động đảng viên, Nhân dân và đặc biệt chú trọng xây dựng đoàn kết trong cấp ủy, trong chi bộ. Mỗi đồng chí trong chi ủy phải chân thành, thẳng thắn, đoàn kết thì mới tạo được sự tin tưởng lẫn nhau, chỉ đạo, điều hành công việc thuận lợi, rồi từ đó mới tạo được sự đoàn kết trong chi bộ. Bởi thế, chi bộ thôn 1 có hơn 41 đảng viên/260 hộ nhưng tiếng nói của ông Thân và nhiều đảng viên hưu trí ở chi bộ rất có trọng lượng, được người dân tin tưởng.
Là lực lượng rất quan trọng có trí tuệ, kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác, có trình độ hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trở về địa phương, bằng kinh nghiệm, uy tín, sự gương mẫu của mình, các đảng viên hưu trí nhiều địa phương trong tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Họ là “cầu nối” giúp khơi nguồn sức mạnh, tạo niềm tin bền chặt giữa Nhân dân với Đảng. Những đóng góp của đảng viên hưu trí dù ở mức độ nào cũng đã và đang khẳng định vai trò, vị thế “đầu tàu”, gương mẫu trong gia đình và xã hội. Họ luôn đặt trách nhiệm, uy tín của người đảng viên lên trên nên được Đảng mến, dân tin, từ đó cống hiến sức mình tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở. Tuy nhiên cũng còn những đảng viên hưu trí trốn tránh trách nhiệm, đánh mất vai trò của người đảng viên tại địa phương. Điều này đặt ra vấn đề là làm sao để tiếp tục phát huy tính tự giác, vai trò nêu gương của đảng viên hưu trí.
Nhóm PV Phòng XDĐ-NC
Bài 2: Đề cao tính tự giác.