Bài 1: Đau xót nhưng kiên quyết 'chặt cành sâu'

Trong công tác xây dựng Đảng, một trong những nhiệm vụ có vai trò vô cùng quan trọng là kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Việc phát hiện, thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với những đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vừa giúp đảng viên có cơ hội sửa chữa khuyết điểm, vừa giúp tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Cũng chính vì thế, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác kỷ luật Đảng là 'chặt cành sâu để cứu cây'.

“Chặt cành sâu để cứu cây”

Xử lý nghiêm từ những vi phạm nhỏ

Chuyến công tác đầu tiên trong hành trình thực hiện loạt bài này của chúng tôi bắt đầu từ xã Tà Chải, huyện Bắc Hà vào một ngày đầu xuân năm 2020. Mùa xuân cũng là mùa cưới của đồng bào vùng cao, đâu đó tiếng nhạc đám cưới vang lên rộn ràng. Vậy nhưng, đối với gia đình đảng viên Vàng Văn Hiền ở thôn Na Kim thì chuyện cưới, hỏi của con lại gắn với niềm vui chưa trọn vẹn. Đầu năm 2019, gia đình ông Hiền tổ chức đám cưới cho con gái Vàng Thị Dinh. Mặc dù biết con rể sinh năm 2001, chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng gia đình ông Hiền vẫn kiên quyết tổ chức đám cưới cho con, bất chấp sự tuyên truyền, khuyên ngăn của Chi bộ thôn Na Kim và chính quyền xã Tà Chải.

Phóng viên trao đổi với gia đình đảng viên Vàng Văn Hiền ở thôn Na Kim.

Phóng viên trao đổi với gia đình đảng viên Vàng Văn Hiền ở thôn Na Kim.

Trên địa bàn huyện Bắc Hà, tình trạng tảo hôn đang có dấu hiệu gia tăng ở một số nơi, việc thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng không chỉ giúp đảng viên nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, mà còn để các đảng viên khác và quần chúng nhìn vào đó làm gương.

Cũng như Bắc Hà, nhiều đảng viên tại Sa Pa cũng vi phạm chính sách dân số và phải chịu kỷ luật của chi bộ. Qua trao đổi với đồng chí Lý A Dơ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Liên, chúng tôi được biết, Đảng bộ xã hiện có 11 chi bộ trực thuộc, trong đó 8 chi bộ thôn, bản và 3 chi bộ trường học, với 126 đảng viên. Do đặc thù là xã vùng cao của huyện, đa số đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, trình độ dân trí hạn chế, đảng viên chủ yếu vi phạm chính sách dân số. Ngoài ra, Sa Pa là khu du lịch quốc gia - địa bàn nhạy cảm về đất đai, cũng là lĩnh vực thường xảy ra sai phạm. Dù là vi phạm lớn hay nhỏ, đảng viên bình thường hay giữ chức vụ thì các chi bộ vẫn kiên quyết xử lý theo quy định.

Minh chứng cho điều này là Chi bộ 5 thôn San II đã thi hành kỷ luật đối với 3 đảng viên vi phạm. Trong đó, đảng viên Má A Đỏa là nhân viên y tế thôn nhưng vẫn vi phạm chính sách dân số, sinh con thứ 3 bị kỷ luật với hình thức khiển trách; đảng viên Lồ Sài Mình vi phạm chính sách dân số, sinh con thứ 5 bị khai trừ Đảng. Đặc biệt, đảng viên Má A Lù là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lao Chải năm 2017 và năm 2019 bị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Sa Pa kỷ luật khiển trách vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn để xảy ra sai phạm.

Ngoài ra, các chi bộ khác có 2 đảng viên là thôn đội trưởng, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn bị khai trừ Đảng (Chi bộ 3 thôn Hàng; Chi bộ 1 thôn Lý), 2 đảng viên bị khiển trách (Chi bộ 3 thôn Hàng; Chi bộ 5 thôn San 2) vì vi phạm chính sách dân số; 2 đảng viên là công chức địa chính xã bị khiển trách (Chi bộ 1 thôn Lý; Chi bộ 2 thôn Lồ) vì chưa sâu sát trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, để các hộ dân tự ý san gạt mặt bằng xây dựng nhà trên diện tích chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, dựng nhà không phép. Chi bộ Trường THCS Lao Chải cũng kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 1 đảng viên là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường vì thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để cấp dưới thực hiện sai hoặc quyết định sai; buộc thôi việc 1 đảng viên là giáo viên.

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy đã kiểm tra đối với 143 tổ chức đảng, 334 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 7 tổ chức đảng (tăng 6 tổ chức). Đối với đảng viên, trong nhiệm kỳ, tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 803 đảng viên (tăng 107 đảng viên, tăng 15,4% so với cùng kỳ).

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 615 đảng viên, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 188 đảng viên: Hình thức khiển trách 546 đảng viên, tăng 2 đảng viên; cảnh cáo 161 đảng viên, giảm 37 đảng viên; cấp ủy các cấp cách chức đối với 26 đảng viên, giảm 3 đảng viên; khai trừ 70 đảng viên, giảm 18 đảng viên.

Kỷ luật Đảng không có ngoại lệ

Thời gian gần đây, cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Bảo Yên vẫn chưa hết xôn xao về vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Một số cán bộ, đảng viên đang công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên và thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà đã vi phạm pháp luật gây thất thu cho ngân sách nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng đều bị xử lý, kỷ luật theo quy định.

Ông Vũ Khắc Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Tháng 12/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Đến tháng 5/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị trấn Phố Ràng và xã Bảo Hà. Vụ việc được Huyện ủy Bảo Yên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và được chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra làm rõ.

Theo đó, đảng viên Nông Minh Điệp, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù vì hành vi nhận tiền “bôi trơn” làm 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Ông Đỗ Như Dũng, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên giai đoạn 2012 - 2017 và ông Bùi Bảo Trung, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên giai đoạn 2012 - 2017 đều bị kỷ luật buộc thôi việc, khai trừ Đảng; kỷ luật cảnh cáo đối với đảng viên Mông Văn Chiêng, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; kỷ luật khiển trách đối với đảng viên Hà Đức Hưng, nguyên công chức địa chính xã Bảo Hà và đảng viên Lục Đức Quân, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hà.

Cũng liên quan đến vụ việc này, tại kỳ họp thứ 49, ngày 24/8/2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật ông Đỗ Lê Tín, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên) với hình thức cảnh cáo do trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng xem xét thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đặng Văn Dụng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên giai đoạn 2004 - 2017; bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (không ban hành quyết định xử lý kỷ luật do hết thời hiệu theo quy định); kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Phùng Văn Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên giai đoạn 2006 - 2008 do liên quan đến sai phạm trong việc ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Bảo Yên.

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bảo Yên, từ năm 2015 đến hết quý I/2020, Đảng bộ huyện có 69 đảng viên vi phạm phải thi hành kỷ luật Đảng, trong đó 40 đảng viên bị khiển trách, 19 đảng viên bị cảnh cáo, 3 đảng viên bị cách chức, 5 đảng viên bị khai trừ Đảng, 2 đảng viên bị phạt tù. Từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng đảng viên bị kỷ luật có xu hướng tăng, trong đó nhiều đảng viên giữ chức vụ quan trọng trong Đảng và bộ máy chính quyền địa phương, như Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chủ tịch UBND xã, chủ tịch HĐND xã, bí thư đảng ủy xã, bí thư chi bộ… bị xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Đức Huy, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 khẳng định: Trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, bất kỳ cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định, không có ngoại lệ, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn sự trong sạch của Đảng. Việc kỷ luật những đảng viên vi phạm tuy đau xót, nhưng cần thiết nhằm giúp các đảng viên vi phạm nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, hoàn thiện bản thân, đồng thời cũng răn đe, giáo dục các đảng viên khác phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chặt bỏ những “cành sâu” không những cứu được một cây, mà còn cứu được cả cánh rừng.

Bài 2: Mài “dao sắc” để “chặt cành sâu”

Thanh Nam - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/bai-1-dau-xot-nhung-kien-quyet-chat-canh-sau-z1n20201002112538762.htm