Bài 1 - Điện Biên 'lột xác' ngoạn mục

Vượt núi, băng rừng, lội suối, con đường phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Điện Biên chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng sau hơn 4 năm kiên cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021–2025, Điện Biên đang 'lột xác' ngoạn mục.

Gần 4.500 tỉ đồng được đầu tư; 36.160 hộ nghèo có thêm sinh kế; 32 chỉ tiêu hoàn thành, thậm chí vượt đích. Những con số khô khan bỗng trở thành minh chứng sống động cho một cuộc chuyển mình kỳ diệu giữa non cao mây trắng…

Gỡ nút thắt từ thể chế, trao quyền mạnh cho cơ sở

Ngay sau khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên đã chủ động vào cuộc với tinh thần “quyết liệt từ đầu, đồng bộ từ gốc”.

Phụ nữ dân tộc Thái huyện Điện Biên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa năm 2024 – một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Chương trình MTQG

Phụ nữ dân tộc Thái huyện Điện Biên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa năm 2024 – một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Chương trình MTQG

Một Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập vào cuối năm 2021, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban, và các sở ngành chủ chốt, Tài chính, Nông nghiệp & Môi trường, Dân tộc & Tôn giáo làm ủy viên thường trực.

Không dừng lại ở đó, toàn bộ 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị.

Ở cấp xã, Ban Quản lý Chương trình được thành lập đồng loạt, do Chủ tịch UBND xã đứng đầu, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, người uy tín trong cộng đồng để triển khai sâu tới từng bản, từng nhóm dân cư.

Một trong những đột phá quyết định thành công là việc tỉnh Điện Biên mạnh dạn tháo gỡ rào cản cơ chế bằng việc phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở thông qua Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND và sửa đổi tại Quyết định 17/2024/QĐ-UBND. Các cấp huyện, xã được trao quyền chủ động trong tổ chức thực hiện, giám sát và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, các văn bản quan trọng về quản lý tài chính như Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND cũng được ban hành kịp thời, quy định nguyên tắc, định mức phân bổ vốn, và cơ chế lồng ghép hiệu quả, minh bạch.

Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá với tổng cộng 118 cuộc kiểm tra được tổ chức trong 4 năm. Các hoạt động giám sát cộng đồng cũng được phát huy, đảm bảo khách quan, phản ánh đúng thực chất kết quả triển khai.

Về tuyên truyền, hơn 10.000 lượt cán bộ, người có uy tín, cộng đồng dân cư đã được tiếp cận thông tin chính sách thông qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội, hội nghị, tập huấn. Trang thông tin điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị được duy trì cập nhật, công khai minh bạch. Qua đó, người dân hiểu, tin, và đồng hành cùng Chương trình.

Hơn 36.000 hộ nghèo đổi đời, 32 chỉ tiêu "vượt rào" ngoạn mục

Tính đến hết tháng 4.2025, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình 1719 tại tỉnh Điện Biên đã đạt 4.510,168 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm hơn 4.011 tỉ đồng (gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí tới 366,174 tỉ đồng, vượt 182,57% kế hoạch; vốn tín dụng chính sách đạt 114,332 tỉ đồng; vốn huy động hợp pháp khác hơn 18,4 tỉ đồng.

Tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 68,09% một con số không dễ đạt trong bối cảnh địa hình hiểm trở, giao thông cách trở và cơ chế tài chính chưa hoàn toàn thông thoáng. Đặc biệt, riêng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương được giải ngân tới 82,08%, phản ánh nỗ lực tổ chức thực hiện bài bản và hiệu quả của địa phương.

Tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian tại Lễ hội Thành Bản Phủ – sự kiện tiêu biểu góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và lan tỏa tinh thần đoàn kết vùng cao trong khuôn khổ Chương trình MTQG

Tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian tại Lễ hội Thành Bản Phủ – sự kiện tiêu biểu góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và lan tỏa tinh thần đoàn kết vùng cao trong khuôn khổ Chương trình MTQG

Những con số ấy đã thực sự “chạm” vào đời sống của đồng bào. Toàn tỉnh có 36.160 hộ nghèo, cận nghèo DTTS được tạo việc làm hoặc tăng thu nhập đạt 100% kế hoạch được giao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh từ 34,9% (2021) xuống còn 21,29% (2024). Riêng hộ nghèo DTTS giảm từ 44,95% xuống 27,39%, tương đương mức giảm 5,85%/năm vượt mức chỉ tiêu giảm 5% được Chính phủ giao.

Cơ sở hạ tầng vùng cao được cải thiện rõ nét: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 85% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa (vượt xa mục tiêu 70%); 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố. Nước sạch sinh hoạt được đảm bảo cho 94% hộ DTTS; 30.646 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; 66 công trình nước tập trung được xây dựng mới.

Tỉnh cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu về sắp xếp, bố trí ổn định cho hộ di cư tự do; quy hoạch di dời 100% hộ sống ở vùng nguy cơ cao về nơi an toàn. Các chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, sinh kế, tín dụng chính sách được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, đúng tiến độ.

Về giáo dục, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,9%; tiểu học và THCS gần như đạt 100%; THPT đạt 72,12%, vượt chỉ tiêu đề ra (60%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt 65,1%, không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn khơi dậy khát vọng vươn lên từ chính mỗi người dân vùng cao.

Chăm lo “cái bụng” chưa đủ, Chương trình còn chăm sóc “cái đầu” và “cái hồn”. Tỉnh đã phục dựng 8 lễ hội truyền thống, thực hiện 3 dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thành lập 3 câu lạc bộ văn hóa dân gian tại các thôn vùng DTTS. 95,71% thôn có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên và chất lượng.

Về y tế, 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống còn 15,79%; 100% trẻ suy dinh dưỡng cấp được hỗ trợ dinh dưỡng; 50,7% trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vượt chuẩn quốc gia.

Các chỉ tiêu về bình đẳng giới cũng được chú trọng: 100% cán bộ cấp cơ sở được trang bị kỹ năng lồng ghép giới; 56% người dân vùng DTTS tiếp cận thông tin bình đẳng giới qua truyền thông; 100% nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn, hỗ trợ.

Dẫu vậy, hành trình không hoàn toàn bằng phẳng. Toàn tỉnh có 19 chỉ tiêu chưa thể đánh giá được do chưa xác định được đơn vị theo dõi, hoặc không được giao kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, có 17 chỉ tiêu khác đứng trước nguy cơ không hoàn thành do thiếu nguồn lực đầu tư, cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn còn chồng chéo giữa các nghị quyết và quy định pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111/2024/QH15 dù tạo thuận lợi cho điều chỉnh vốn trong nội bộ chương trình, nhưng lại bị “cản” bởi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4, không cho phép thay đổi cơ cấu chi đầu tư chi thường xuyên, khiến nhiều địa phương không thể linh hoạt điều chuyển vốn giữa các dự án.

Việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương dù vượt kế hoạch đề ra cũng chiếm dụng lớn nguồn thu của tỉnh, ảnh hưởng tới khả năng đầu tư cho các lĩnh vực khác.

Nhưng chính trong gian khó, ý chí của Điện Biên càng thêm sáng rõ. Những gì đã làm được trong 4 năm qua là thành quả của sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, của sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến bản, của từng cán bộ thôn bản tận tụy bám dân, bám chương trình, và quan trọng nhất là sự đồng hành, đồng lòng của người dân.

(Còn tiếp)

NAM HƯNG - NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/bai-1-dien-bien-lot-xac-ngoan-muc-150950.html