Cần sớm có xe phục vụ người dân và cán bộ, công chức tuyến Mỹ Tho-Cao Lãnh

Sau 10 ngày Trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp dời về Mỹ Tho, cán bộ, công chức và người dân mong sớm có phương tiện đi lại nơi làm việc mới, cách phường Cao Lãnh khoảng 90km. Để thuận tiện việc đi lại của cán bộ, công nhân viên chức và người dân, tỉnh Đồng Tháp nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp mở tuyến xe Cao Lãnh-Mỹ Tho.

Nhiều cán bộ, công nhân viên chức phường Cao Lãnh qua làm việc tại Mỹ Tho bằng xe khách.

Nhiều cán bộ, công nhân viên chức phường Cao Lãnh qua làm việc tại Mỹ Tho bằng xe khách.

Từ ngày 1/7, tỉnh Đồng Tháp mới đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp mới có 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 82 xã và 20 phường. Trung tâm hành chính của tỉnh được đặt tại .

Cũng từ ngày 1/7, đối với khối hành chính, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí tất cả cán bộ, công chức cấp trưởng phòng trở lên, cùng 70% công chức cấp phó phòng, chuyên viên của tỉnh Đồng Tháp cũ sang làm việc tại Mỹ Tho với gần 610 người.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, do đa phần cán bộ, công nhân viên chức có nơi ở tại phường Cao Lãnh, nên khi đi làm việc tại Mỹ Tho, nhiều cán bộ, công chức phải thường xuyên đi về. Theo đó, có người 1 tuần về nhà ở Cao Lãnh 1 lần, có người tuần về đôi ba lần. Cũng có trường hợp do hoàn cảnh gia đình gần như đi và về mỗi ngày.

Chị N.H.N., ngụ phường Cao Lãnh cho biết, từ ngày 1/7, chị cùng tất cả đồng nghiệp cơ quan về Mỹ Tho làm việc. Môi trường làm việc mới luôn được đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Việc tạo điều kiện chỗ ở hoặc thuê nhà hiện tại cũng được thuận lợi.

“Điều mà tôi cũng như nhiều cán bộ, công nhân viên chức đang mong muốn là sớm có được tuyến , hoặc còn không được thì có xe ô-tô khách tuyến Cao Lãnh-Mỹ Tho để thuận tiện cho việc đi lại làm việc”, chị N.H.N. cho biết.

Được biết, phần nhiều cán bộ, công nhân viên chức tỉnh Đồng Tháp cũ qua làm việc tại Mỹ Tho đi làm bằng xe máy, hoặc xe khách, một số ít tự lái xe ô-tô. Tuy nhiên, xe khách không đúng tuyến nên phải đi xe trung chuyển. Đoạn đường từ điểm đón xe về đến nhà ở phường Cao Lãnh mất khoảng 3-3,5 giờ.

 Xe gắn máy cũng là phương tiện được nhiều cán bộ, công nhân viên chức ở Cao Lãnh chọn đi làm việc tại phường Mỹ Tho.

Xe gắn máy cũng là phương tiện được nhiều cán bộ, công nhân viên chức ở Cao Lãnh chọn đi làm việc tại phường Mỹ Tho.

Được biết, để thuận tiện việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên chức tại nơi làm việc mới (trung tâm hành chính mới ở Mỹ Tho), tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp.

Theo đó, tỉnh đã dự kiến mức chi phí hỗ trợ gồm phương tiện đi lại và lưu trú hằng tháng, thời gian hỗ trợ trong 2 năm. Mức hỗ trợ này có thể có thay đổi ít hơn hoặc nhiều hơn sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt sau khi việc sáp nhập tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô-tô khách, xe buýt mở tuyến Cao lãnh-Mỹ Tho.

Cụ thể, trước đây, tỉnh Đồng Tháp (cũ) từng kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đầu tư có phương án mở tuyến xe để phục vụ cán bộ, công nhân viên chức và người dân đi tuyến Cao Lãnh-Mỹ Tho.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hồng Thanh cho biết: "Những ngày qua, chúng tôi có kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tuyến xe Cao Lãnh-Mỹ Tho. Sau đó, có 1 doanh nghiệp đã cho 1 xe khách vận hành thử từ Cao Lãnh đến trạm trung chuyển gần Mỹ Tho trong thời gian 1 tuần để tìm hiểu, đánh giá về số lượng khách đi lại.

Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với một doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt. Quá trình làm việc, doanh nghiệp cho biết, tuyến xe buýt khó khả thi do nhu cầu đi lại không nhiều. Trong tuần này, chúng tôi tiếp tục làm việc với doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu sớm có phương án khai thác xe khách tuyến cố định từ Cao Lãnh đến khu trung tâm hành chính mới tỉnh Đồng Tháp, đặt tại phường Mỹ Tho".

"Với tuyến này, sẽ cố gắng hằng ngày có tuyến xe buổi sáng sớm khởi hành từ phường Cao Lãnh. Vào buổi chiều sẽ có tuyến 17 giờ từ Mỹ Tho cũ về phường Cao Lãnh. Doanh nghiệp sẽ khai thác thử nghiệm, căn cứ nhu cầu như thế nào sẽ có đánh giá, điều chỉnh tiếp tục sao cho phù hợp”, ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết.

Tối 10/7, một số cán bộ, công chức thông tin với phóng viên, hôm nay, có một doanh nghiệp thông tin mở tuyến phường Cao Lãnh đi phường Mỹ Tho với giá vé 120 nghìn đồng/khách, trung chuyển tận nơi các cơ quan hành chính.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, trong ngày có doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách liên hệ để làm các thủ tục đăng ký nhưng chưa chính thức. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục kêu gọi thêm doanh nghiệp mở tuyến phường Cao Lãnh đi phường Mỹ Tho.

Qua đây cho thấy, ngoài chỗ ở, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đồng Tháp luôn đặc biệt quan tâm đến việc đi lại của cán bộ, công chức và người dân giữa trung tâm hành chính cũ và mới của tỉnh Đồng Tháp.

Dù mới đưa vào vận hành chính quyền hai cấp trong thời gian ngắn, việc sắp xếp đi lại, chỗ ở còn không ít khó khăn, nhưng tỉnh cũng đã sớm đề ra các giải pháp để cán bộ, công chức trong việc đi lại tại địa bàn mới sau khi sáp nhập được thuận tiện.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-som-co-xe-phuc-vu-nguoi-dan-va-can-bo-cong-chuc-tuyen-my-tho-cao-lanh-post892688.html