BÀI 1: Doanh nghiệp khó tăng tốc
Thích ứng an toàn, chuyển trạng thái sang 'bình thường mới', hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là tình trạng thiếu hụt lao động. Thiếu hụt một lượng lớn lao động, nhưng các DN lại rất khó tuyển dụng trong thời điểm cuối năm.THIẾU HỤT KHOẢNG 20% LAO ĐỘNG
Sau thời gian giãn cách xã hội, đầu tháng 10-2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều DN đã dần khôi phục sản xuất, kinh doanh trở lại. Do đó, nhiều DN có kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DN chưa thể tăng tốc sản xuất vì chưa đảm bảo lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp.
Ông Ngô Xuân Thuyên, Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy) cho biết, DN đang thiếu lao động trầm trọng. Công suất nhà máy cần 2.500 lao động, nhưng sau thời điểm giãn cách xã hội giảm chỉ còn 1.200 người nên công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng. Để thu hút lao động, công ty đã nâng thêm các khoản chi như: Trợ cấp xăng xe, nhà ở, tiền cơm…
Nằm trong bức tranh chung này, Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công) cũng đang thiếu lực lượng lao động sản xuất. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Công Tiến cho biết, từ tháng 11-2021, DN bắt đầu trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới. Trước dịch, DN có 1.850 lao động, hiện giảm xuống còn 1.550 người. Nguyên nhân thiếu lao động là do một số khối học sinh chưa đi học tập trung trở lại, công nhân phải nghỉ việc trông con. Mặt khác, thực tế cũng có tình trạng công nhân e ngại tình hình dịch bệnh nên ngại đến công ty làm việc…
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang, hiện hầu hết các DN, nhất là các DN đang mở rộng sản xuất, kinh doanh, mới thành lập đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là thiếu lao động phổ thông. Đối với các DN hoạt động chế biến thủy sản cũng xảy ra tình trạng thiếu lao động nhưng không lớn, chỉ dao động từ 50 - 150 lao động, để bù đắp vào số lao động đã nghỉ việc. Còn theo đánh giá của Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường, hiện các DN trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu hụt khoảng 20% lao động.
TUYỂN DỤNG KHÓ
Thực tế cho thấy, do thiếu lao động nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các DN trên địa bàn tỉnh đang rất cao. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn khó tuyển được lao động. Theo bà Lê Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước), để đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, DN đang mở rộng thêm quy mô và xây dựng thêm nhà máy mới. Để đủ số lượng công nhân, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm 1.000 lao động.
Thời gian qua, DN đã tuyển dụng và đào tạo cho lao động mới để làm việc tại xưởng mới. Để thu hút nguồn nhân lực, công nhân khi vào làm đủ 3 tháng sẽ được DN khen thưởng hoặc tặng quà. Ngoài ra, công nhân khi giới thiệu được lao động mới sẽ được công ty thưởng tiền mặt. Tổng thu nhập cho lao động thử việc hiện nay khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Hết thời gian thử việc, công nhân sẽ được tăng lương, dao động ở mức khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Do tình hình dịch bệnh nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Hiện DN đang nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ trong việc tuyển dụng lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, khi DN bước vào sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, nhiều công nhân chưa trở lại làm việc dẫn đến thiếu hụt lao động. Để đảm bảo số lượng lao động trở lại làm việc, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các ngành, nhất là Sở
LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang để giới thiệu, tư vấn cho DN và người lao động. Ngoài tư vấn trực tiếp còn có chương trình tư vấn giới thiệu việc làm, công bố nhu cầu DN, để người lao động biết và tiếp cận. DN thiếu hụt lao động là do công nhân phải tạm hoãn hợp đồng lao động. Đến khi được làm việc trở lại, có một số công nhân chuyển công việc khác, chuyển địa bàn dẫn đến việc thiếu lao động.
Cũng theo đồng chí Lê Minh Hùng, việc thiếu lao động trong tỉnh tương đối lớn. Các DN đang có nhu cầu gấp cũng đã đưa ra các chính sách thu hút, nhưng lao động chưa đi làm được do thực hiện quy định phòng, chống dịch, di chuyển địa bàn. Tuy nhiên, việc thiếu lao động chỉ xảy ra tạm thời và ngay tại thời điểm dịch. Về sau, lượng lao động thiếu hụt sẽ được bù đắp, do nguồn lao động của tỉnh Tiền Giang dù chuyển đi nhưng cũng có nguồn lao động từ tỉnh khác chuyển về địa phương. Hiện nhiều công nhân vẫn chưa quay trở lại công ty cũ làm việc, số công nhân này cũng là nguồn cung ứng lao động cho tỉnh.
Cũng như một số DN khác, Công ty TNHH Dệt len EcoWay (huyện Cai Lậy) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện DN, khi tuyển dụng, những công nhân chưa có tay nghề sẽ được công ty đào tạo hoặc bố trí làm một số việc phụ trợ để làm quen với công việc. Tuy nhiên, đa số người lao động lại không không chịu học nghề, không đồng ý làm những công việc mới này.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang tiếp nhận 31 DN đang có nhu cầu tuyển dụng với 5.707 vị trí việc làm. Trong khi đó, số lao động đến đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm chỉ có 147 lao động nên việc cung ứng lao động cho DN gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong tỉnh vẫn còn khá lớn, nhất là lao động phổ thông của các DN tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và một số công ty tại TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công… dự kiến trên 15.000 lao động. Các DN này có nhu cầu tuyển lao động do mở rộng sản xuất, kinh doanh, mới thành lập và thiếu lao động cục bộ.
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, hiện nguồn cung lao động không còn dồi dào như trước nên hầu hết các DN gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Do có sự cạnh tranh về nguồn lao động nên các DN có nhiều chính sách thu hút người lao động. Ngoài mức lương cơ bản còn có thêm các khoản phụ cấp, hỗ trợ khác như: Tiền thưởng chuyên cần, phụ cấp nhà ở - đi lại, phụ cấp tiền cơm, tiền sản lượng khi làm ở hiện trường, có xe đưa rước công nhân…
Thời điểm cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình lao động đang làm việc tại các DN tương đối ổn định, không có biến động lớn vì người lao động chờ nhận được tiền lương, tiền thưởng Tết Nguyên đán 2022. Mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 nên một số lao động vẫn còn e ngại đi làm việc. Do vậy, hầu hết các DN gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, nếu có tuyển được lao động thì cũng không đáng kể.
LÝ OANH - ANH THƯ
(còn tiếp)