Bài 1: Doanh nghiệp nhà nước - nòng cốt trong thực thi 'bộ tứ chiến lược'
'Bộ tứ chiến lược': Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành đã mở đường cho phát triển bền vững, tự cường và chủ động thích ứng trong kỷ nguyên mới. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không chỉ là chủ thể kinh tế mà còn là lực lượng chính trị - xã hội đặc biệt, có vai trò dẫn dắt, nêu gương và tạo hiệu ứng lan tỏa trong thực thi các nghị quyết chiến lược này.

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết cần cải thiện môi trường đầu tư, phát huy nguồn lực doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong ứng phó với các biến động thị trường và tận dụng các cơ hội để bứt phá, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng cao cho giai đoạn sắp tới. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị ban hành bốn nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Bốn nghị quyết này đã trở thành “bộ tứ” Nghị quyết chiến lược, đặt nền móng cho hành trình phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, DNNN vốn được xác định là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, là lực lượng thực thi chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo quốc gia, giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Đây chính là lực lượng trọng yếu, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực thi “bộ tứ chiến lược”.

Sở dĩ có thể nói như vậy bởi trong suốt thời gian qua, DNNN đã chứng minh vai trò của mình qua từng thời kỳ lịch sử và từng lĩnh vực. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, DNNN luôn đóng vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và độc lập của nền kinh tế quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, dù chỉ chiếm chưa đến 0,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng các DNNN nắm giữ tới 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn. Họ đang kiểm soát phần lớn những ngành nghề chiến lược: 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% phân bón, phần lớn hạ tầng cảng hàng không, đường sắt và một phần quan trọng hệ thống viễn thông quốc gia.
Những con số này không chỉ phản ánh quy mô, mà còn cho thấy vai trò đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh quốc gia của DNNN. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)... là những ví dụ điển hình về các doanh nghiệp giữ “vị trí chiến lược” trên bản đồ kinh tế - xã hội Việt Nam.
Nếu nói khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực tạo bước nhảy vọt cho nền kinh tế thì DNNN đã khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực này thời gian qua, ngay cả trước khi Nghị quyết 57 ra đời. Với tiềm lực tài chính, nhân lực và cơ sở hạ tầng, DNNN đã dẫn dắt đổi mới công nghệ. Tiêu biểu như Petrovietnam, Viettel là những lực lượng chủ công trong việc đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, chuyển đổi số và công nghệ cao.
Petrovietnam đã sớm triển khai hệ thống quản trị dữ liệu địa chất số hóa, ứng dụng AI, Big Data, IoT, vận hành bản đồ sao số (Digital Twin) và nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tối ưu hóa quy trình lọc hóa dầu bằng công nghệ hiện đại. Tập đoàn đã kế thừa và phát triển nhiều thành tựu khoa học công nghệ dầu khí, được Đảng và Nhà nước trao tặng các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ cho các công trình, cụm công trình nghiên cứu và các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp to lớn trong hoạt động của ngành. Các công nghệ mới giúp Petrovietnam tối ưu hóa sản lượng, tối ưu hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động (sản lượng khai thác có thể tăng 2-6% và chi phí khoan và hoàn thiện giảm khoảng 25%).
Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam đã nghiên cứu đón đầu xu thế trong công nghiệp dầu khí, năng lượng như: công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCS/CCUS), sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, chế biến khí có hàm lượng CO2 cao, hydrogen, điện gió ngoài khơi.

Nhờ vậy, Petrovietnam không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, mà còn tiên phong trong khai thác dầu khí biển sâu, sản xuất điện khí, lọc hóa dầu - những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, rủi ro lớn. Tập đoàn đang điều hành các mỏ khí lớn (Nam Côn Sơn, PM3 Cà Mau, Đại Hùng...), đầu tư trạm nhập khẩu khí hóa lỏng LNG Thị Vải, phát triển các trung tâm điện khí LNG Nhơn Trạch, Quảng Ninh, Cà Mau... Đây là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa chuyển đổi từ điện than sang điện sạch.
Cùng với đó, EVN đầu tư vào hệ thống điều độ điện tự động, chuyển đổi lưới điện thành lưới điện thông minh, áp dụng điện toán đám mây trong kiểm tra, giám sát hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam. Hiện nay, 87% sản lượng điện cả nước do các tập đoàn nhà nước như EVN, Petrovietnam, TKV vận hành - là “xương sống” cho đảm bảo an ninh năng lượng. Thực hiện mục tiêu “điện đi trước một bước” nhằm đáp ứng các nhu cầu gia tăng sản lượng điện hằng năm của nền kinh tế, cũng như tạo tiền đề phát triển kinh tế các vùng, miền trên cả nước, mỗi năm, EVN, Petrovietnam, TKV đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các nhà máy điện.
Đặc biệt, EVN đã dồn lực lớn phát triển hệ thống điện ngay cả những vùng sâu, hải đảo như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Vũng Tàu)... Riêng giai đoạn 2016-2020, chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo có nhu cầu vốn lên tới 13.720 tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước chỉ bố trí 1.450 tỷ đồng, phần còn lại EVN đã nỗ lực trong công tác huy động từ vốn vay nước ngoài để đảm bảo thực hiện chương trình.
Hay như Viettel là hình mẫu thành công trong nội lực công nghệ “Make in Vietnam” với 7.500 tỷ đồng chi phí đấu thầu. Tập đoàn đã làm chủ thiết kế và sản xuất trạm phát sóng 5G, vận hành mạng lưới điện toán đám mây, phát triển AI, blockchain, hạ tầng bảo mật số quốc gia.
Những nỗ lực này là lực đẩy thực tiễn để thực hiện thành công Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong khu vực DNNN có vai trò dẫn dắt.
Đầu tư xứng tầm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng chính là bàn đạp để các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nòng cốt nâng tầm vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế. Trong vai trò giữ vững thị phần quốc gia ở các thị trường chiến lược, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Petrovietnam, EVN, Viettel, Vietnam Airlines... chính là “lá cờ đầu” đảm bảo hiện diện của thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài, thông qua các hình thức hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là “anh cả” trong nhóm DNNN vươn mình ra “biển lớn”, Petrovietnam đã tiên phong trong hợp tác quốc tế về năng lượng, với các dự án khai thác dầu khí tại Nga, Venezuela, Algeria... Tập đoàn cũng tham gia các liên doanh với các tập đoàn năng lượng lớn như Gazprom, ExxonMobil, Total, Petronas... để khai thác khí thiên nhiên và phát triển các dự án LNG.
Tiêu biểu, hợp tác gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA với Petronas vừa qua là biểu tượng hợp tác quốc tế thành công của Petrovietnam. Tính đến hết năm 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ mét khối), trong đó gần 25 tỷ mét khối khí đã được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển tổ hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, đóng góp to lớn vào kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, dự án đã tạo ra doanh thu dầu khí lên đến 24,8 tỷ USD, mang lại giá trị kinh tế vượt trội và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của cả hai quốc gia. Việc tiếp tục gia hạn hợp đồng giúp Petrovietnam mang lại giá trị nguồn lực lớn cho quốc gia, đảm bảo khai thác tối đa tài nguyên dầu khí, duy trì nguồn cung khí ổn định cho Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng không thể không kể đến nỗ lực của Viettel đã phát triển mạng viễn thông tại 10 quốc gia, trong đó có Mozambique, Myanmar, Campuchia... Không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, Viettel còn xuất khẩu công nghệ, giải pháp số như hệ thống quản lý thuế, y tế, giáo dục, chứng minh năng lực công nghệ số Việt Nam ra thế giới. Năm 2024, báo cáo về doanh thu từ thị trường nước ngoài, trong đó có phần đóng góp của các dịch vụ số và công nghệ thông tin thông qua doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của Viettel Global đạt 35.368 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023, gấp 6 lần tăng trưởng viễn thông thế giới.
Trong khi đó, Vietnam Airlines vừa mang tính biểu tượng quốc gia, vừa đảm nhiệm vai trò điều tiết thị trường hàng không và kết nối quốc tế trong mọi tình huống, kể cả giai đoạn giãn cách vì đại dịch Covid-19.
Những nền tảng được kiến tạo dày dặn trong suốt quá trình hình thành và phát triển của các DNNN chính là cơ sở để tiếp tục tạo ra sự đột phát với tinh thần thúc đẩy của Nghị quyết 59.
DNNN là nguồn thực tiễn phong phú cho quá trình hoạch định chính sách, sửa đổi pháp luật. Với quy mô lớn, hoạt động trải dài ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông, logistics, khai khoáng... DNNN chính là “thực thể thí nghiệm thể chế trực tiếp”. Vì vậy, DNNN có vai trò quan trọng trong phản ánh kịp thời các bất cập pháp luật liên quan đến đầu tư công, quản lý vốn nhà nước, cơ chế giá, quy trình đấu thầu, thị trường điện, khí, dầu, hay năng lượng tái tạo... Từ đó, đề xuất sửa đổi luật, nghị định thông qua kênh hiệp hội, Ủy ban Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (nay là Bộ Tài chính), các Bộ/ngành liên quan hoặc kiến nghị trực tiếp với Chính phủ, Quốc hội.
Tiêu biểu, Petrovietnam là đơn vị đóng góp nhiều ý kiến cho Luật Dầu khí (sửa đổi), phản ánh yêu cầu về chia sẻ rủi ro, cải cách thủ tục, khuyến khích đầu tư vào mỏ cận biên, đồng thời đề xuất luật hóa cơ chế Hợp đồng Chia sản phẩm (PSC).

EVN tham gia đóng góp trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường điện cạnh tranh, vận hành lưới truyền tải điện, mua bán điện mặt trời và điện gió; Viettel và VNPT kiến nghị sửa đổi các quy định về cấp phép băng tần, hạ tầng dùng chung, bảo mật thông tin - giúp hình thành hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Mới đây nhất, các DNNN đã có những đóng góp hoàn thiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - bộ luật ống quan trọng mở ra chương mới, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, khai thông nguồn lực của lực lượng trọng yếu trong nền kinh tế.
DNNN đã làm tốt vai trò dẫn dắt, lan tỏa và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, xây dựng, logistics, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chủ động chia sẻ chuỗi giá trị, “kéo” doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển. Ví dụ, trong các dự án điện gió ngoài khơi mà Petrovietnam đang nghiên cứu, nhiều nhà thầu tư nhân Việt Nam được tạo điều kiện tham gia cung ứng dịch vụ, sản xuất thiết bị.
Thực hiện Nghị quyết 68 và chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao vai trò dẫn dắt, liên kết DNNN và doanh nghiệp tư nhân, Petrovietnam đã có hợp tác toàn diện với Tập đoàn Hòa Phát trong phát triển công nghiệp hay thông qua các đơn vị thành viên thiết lập hợp tác với Vingroup mở rộng cung ứng trạm sạc xe điện và các doanh nghiệp tư nhân khác - là mô hình tiêu biểu liên kết nguồn lực khu vực nhà nước và tư nhân, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động. Hay như Tập đoàn Viettel cũng là “bà đỡ” cho nhiều startup công nghệ thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo mở (open innovation), góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của DNNN trong việc dẫn dắt và liên kết với doanh nghiệp tư nhân
Thực thi thành công “bộ tứ chiến lược” Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 không chỉ cần chính sách tốt, mà còn cần những thực thể tiên phong dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm - điều mà DNNN đã và đang thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
DNNN với vai trò kép là lực lượng kinh tế nòng cốt và công cụ điều tiết vĩ mô cần được đặt đúng vị trí trong tiến trình thực hiện các nghị quyết lớn của Đảng, trở thành “người dẫn đường”, là chất xúc tác để nâng tầm phát triển toàn hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới.