HOSE - Bệ phóng cho doanh nghiệp 'vươn mình' cùng kỷ nguyên mới của đất nước

HOSE - tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/07/2000 và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Đây cũng là thời điểm mở đầu cho thời kỳ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong hành trình 25 năm hình thành và phát triển, HOSE đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp “vươn mình” thành công sau khi niêm yết cổ phiếu.

Cơ hội cho doanh nghiệp Nhà nước chuyển mình

REE là cổ phiếu của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh - một tập đoàn kinh doanh đa ngành được thành lập vào năm 1977. Sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng bằng hình thức cổ phần hóa năm 1993, REE là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2000.

Chia sẻ về vai trò của thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty này cho rằng, đây không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả mà còn là môi trường “tôi luyện” để doanh nghiệp hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn.

Sau 25 năm niêm yết, vốn điều lệ của công ty này đã tăng tới 31. REE cũng là một trong những mã cổ phiếu thường xuyên lọt rổ VN30, được các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước “săn đón”. REE được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong thành công với mô hình cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán, trở thành điểm sáng và nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác đang trong quá trình phát triển.

Thực tế, việc lựa chọn niêm yết cổ phiếu trên HOSE đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, niêm yết cổ phiếu không chỉ đơn thuần là thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, mà còn là bước chuyển mình mạnh mẽ về chất đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về công bố thông tin, minh bạch tài chính, và quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Quá trình này góp phần thay đổi tư duy quản trị, giúp các doanh nghiệp chuyển từ mô hình “quản lý nhà nước” sang “quản trị hiện đại”, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng niềm tin với cổ đông và nhà đầu tư.

Theo HOSE, các doanh nghiệp nhà nước thường lựa chọn thực hiện cổ phần hóa thông qua hoạt động đấu giá, phát hành lần đầu ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ để tăng vốn trên HOSE. Hơn 50% số doanh nghiệp đang niêm yết là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là một minh chứng rõ nét cho việc cổ phần hóa gắn với niêm yết hiệu quả trên HOSE, góp phần thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước và minh bạch hóa thông tin theo cơ chế thị trường.

Từ năm 2005 đến nay, có 584 cuộc đấu giá cổ phần, bán được hơn 4.800 triệu cổ phần và hơn 130 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 240.000 tỷ đồng về cho chủ sở hữu thực hiện trên HOSE. Trong số này, có 352 đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng cho doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thu về hơn 74.800 tỷ đồng cho nhà nước.

Một số cuộc đấu giá cổ phần và thoái vốn nhà nước tiêu biểu như: SAB (hơn 115.000 tỷ đồng), VCB (trên 10.000 tỷ đồng), VNM (hơn 9.500 tỷ đồng) không chỉ thể hiện tính hiệu quả về tài chính mà còn là bước ngoặt nâng cao năng lực quản trị và minh bạch thông tin.

Vốn điều lệ của nhiều doanh nghiệp nhà nước đã tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm mới lên niêm yết, tiêu biểu là các doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (74 lần); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (44 lần); Công ty cổ phần FPT (24 lần); Công ty cổ phần Gemadept (24 lần); Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (13,1 lần)…

Giới đầu tư kỳ vọng trong thời gian tới thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến nhiều cổ phiếu mới niêm yết từ làn sóng thoái vốn, niêm yết của các doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ hiện đang thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2024–2026, việc gắn IPO với niêm yết được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt tạo động lực cho một làn sóng chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất, hiệu quả và minh bạch hơn.

Kiến tạo thị trường minh bạch, công bằng và hiệu quả

Không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước, HOSE còn chứng kiến sự vươn lên của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầy, đến cuối tháng 4/2025, trên HOSE có 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 201 mã chứng quyền có bảo đảm, tương ứng với 178,4 tỷ chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE.

Các doanh nghiệp niên yết trên HOSE rất đa dạng về ngành nghề và quy mô, tập trung các doanh nghiệp lớn, đầu ngành với hoạt động kinh doanh ổn định. Tính đến cuối tháng 4/2025, bốn ngành có tỷ trọng cao nhất là Tài chính, Bất động sản, Hàng tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp, chiếm hơn 75% giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó ngành Tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 2,28 triệu tỷ đồng (chiếm 44,5% tổng giá trị vốn hóa).

Đáng chú ý, có hơn 40 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, có tới 45/100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024 và 24/30 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2024 hiện đang niêm yết trên HOSE.

Việc niêm yết trên HOSE cho thấy đây không chỉ là dấu mốc khẳng định vị thế và thương hiệu của doanh nghiệp niêm yết mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn, trong và ngoài nước. Chính vì vậy, HOSE đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp niêm yết trong chiến lược huy động vốn hiệu quả và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong vòng 25 năm, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đã vượt 520.000 tỷ đồng, với hơn 1.000 đợt phát hành có thu tiền; riêng ngành tài chính đã mang về hơn 230.000 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và vai trò ngày càng lớn của thị trường chứng khoán trong cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Mặt khác, chất lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng được nâng cao. Dữ liệu của HOSE giai đoạn 2015 – 2024 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giữ ở mức ổn định, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn sau niêm yết cũng như những thay đổi tích cực trong quản trị và chiến lược phát triển.

Việc trở thành doanh nghiệp niêm yết trên HOSE không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng, mà còn đi kèm với những yêu cầu khắt khe hơn về minh bạch và quản trị. Từ công bố thông tin, điều hành nội bộ đến trách nhiệm với cổ đông, doanh nghiệp buộc phải nâng cấp toàn diện để đáp ứng tiêu chuẩn giám sát ngày càng cao từ cơ quan quản lý.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE chia sẻ, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Một bước tiến đáng chú ý gần đây là HOSE đã triển khai thành công hệ thống công nghệ giao dịch mới (KRX) áp dụng trên toàn thị trường. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng hạng, đồng thời tích hợp với các chức năng như cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CPP) và các tiện ích hiện đại khác.

Tuy ra đời sau thị trường chứng khoán các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, nhưng sự tăng trưởng về quy mô vốn hóa và thanh khoản tại HOSE đang dần thu hẹp khoảng cách và trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực. Trong năm 2024, thanh khoản trên HOSE thuộc nhóm cao, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Việc Việt Nam có khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài hơn nữa, góp phần thúc đẩy giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.

Dự kiến trong ngày 28/7, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam và ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, các thành viên thị trường… Đây sẽ là dịp để các bên nhìn lại quá trình hình thành phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, cũng như định hướng chiến lược phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước thời gian tới.

H.Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/hose-be-phong-cho-doanh-nghiep-vuon-minhcung-ky-nguyen-moi-cua-dat-nuoc-20250727172507566.htm