Bài 1: Đổi mới để phát triển thể chế và thể chế vì đổi mới, dân chủ, pháp quyền
Phát triển tầm nhìn, thể chế và lực lượng đổi mới trong kỷ nguyên mới
Lời Tòa soạn:Sau gần 40 năm, công cuộc Đổi mới toàn diện, đồng bộ đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, không ít tiềm năng, lợi thế và xung lực đổi mới, ở góc độ nào đó, chưa được khai thác ngang tầm, sử dụng hiệu quả và khởi động đúng mức. Từ thực tiễn phát triển công cuộc Đổi mới sau 40 năm và dự báo tương lai càng cho thấy, tầm nhìn - thể chế - lực lượng là ba nhân tố cơ bản quyết định thành công. Để góp phần luận giải sâu hơn về nội dung này, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xoay quanh chủ đề: “Phát triển tầm nhìn, thể chế và lực lượng đổi mới trong kỷ nguyên mới”.
Bài 1:
Đổi mới để phát triển thể chế và thể chế vì đổi mới, dân chủ, pháp quyền
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Thời kỳ cạnh tranh và phát triển mới của thế giới, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong không gian phẳng và tốc độ toàn cầu hóa, đã và đang mở ra những cơ hội phát triển mới mẻ chưa từng có, với quy mô, tốc độ đột phá nhưng cũng đặt ra những thách thức tụt hậu nan giải đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu.
Cải cách, đổi mới trong thời kỳ 4.0 mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa
Theo đó, thời cơ chiến lược hay nguy cơ bỏ lỡ vận hội và hiểm họa lệ thuộc khôn lường hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiên lượng, lựa chọn, đón bắt và giải quyết của chúng ta trên con đường phát triển. Điều này đòi hỏi không chỉ về tầm nhìnchiến lược mà còn thách thức về sự chuẩn bị thế lực một cách vững chắc, chủ động đón lấy thời cơ một cách tỉnh táo và tạo ra thời cơ một cách hiện thực, để đất nước phát triển, “cất cánh”. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ phải được đặt trên những tiền đề và điều kiện vững chắc như vậy.
Đó cũng chính là câu trả lời thách thức của lịch sử nước nhà về tầm nhìn và phương lược xử lý giữa các phương diện đổi mới của Đảng tiến tới mục tiêu XHCN một cách khoa học, cách mạng và mang tầm chiến lược.
Vấn đề nổi lên có tính bước ngoặt, chuyển giai đoạn, cần vạch rõ sao cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thấy rằng, nếu Đổi mới 35 năm qua (1986 - 2020) là bằng đường lối Đổi mới đưa nước ta từ một nước nghèo, khủng hoảng kém phát triển thành một nước ổn định chính trị - xã hội và phát triển trung bình có vị thế lớn trên thế giới, thì Đổi mới nhịp 30 năm tiếp theo, từ 2016 trở đi là đổi mới, sáng tạo, với tên gọi đổi mới thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với gia tốc mới phát triển cơ bản để đưa nước ta từ nước phát triển trung bình thấp thành nước công nghiệp, có thu nhập cao theo định hướng XHCN, vào giữa thế kỷ XXI, tức từ 20 đến 25 năm tới!
Những mâu thuẫn thật sự gay gắt bậc nhất giữa tiếp tục tụt hậu, phát triển chậm chạp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với yêu cầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển cao, vững mạnh đang cần kíp đòi hỏi phải được hóa giải một cách kiên định, tổng thể, nhưng thấm đẫm nhân văn và tinh tế, trong kỷ nguyên mới 20 năm tới.
Nó đòi hỏi sự toàn chỉnh về chất của sự phát triển mới hiện diện trước hết ở tầm nhìn, lộ trình và phương lược đổi mới. Nói gọn lại là, sự kết tinh nội lực đủ mạnh sau nhịp 40 năm Đổi mới, tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập và phát triển mới, với tất cả các ngoại xung lực, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, phù hợpvới xu thế phát triển của thế giới đương đại đang vận động, củng cố và phát triển một cách đa dạng sự nhất thể hóa ở tầm khu vực…
Nó đòi hỏi tiếp tục sự phát triển tuần tự kết hợp vớinhảy vọt biện chứng đã chín muồi không chỉ về phương diện nhận thức mà còn trên bình diện tổ chức thực tiễn, không chỉ về sự phát triển về định tính mà quan trọng hơn là sự hoàn thiện về định lượng mang tính tổng thể, toàn diện và phù hợp, không chỉ về quy mô mang tính đồng bộ mà còn là nhịp độ phát triển ngang tầm và hài hòa tất thảy các phương diện, lĩnh vực đổi mới một cách chỉnh thể và toàn diện của công cuộc Đổi mới được khởi xướng từ năm 1986.
Vì thế, không có cách nào khác là phải cải cách, đổi mới trong thời kỳ 4.0 mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với khát vọng trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này, với một Nhà nước thực sự mang tầm kiến tạo, liêm chính, pháp quyền, vững mạnh và giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia, tiếp tục nâng cao hơn vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra ở đây là, xử lý các mối quan hệ trong tổng thể đổi mới như thế nào?
Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Ở vào thời khắc chúng ta khởi động công cuộc Đổi mới tháng 12.1986, kinh nghiệm lựa chọn đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, giải quyết sự khủng hoảng kinh tế đất nước nổi lên cấp bách, là ưu tiên số một. Đồng thời, chủ động giải quyết đồng bộ các vấn đề khác đã để lại một bài học lớn về phương pháp luận và tổ chức thực tiễn trên phương diện này, cho hiện nay và tương lai.
Quyết sách của Đại hội XIII của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, theo nghĩa đó, là quyết sách chính trị - lịch sử mang tầm nhìn thế kỷ. Đó là nhân tố quyết định vị thế và phát triển sức mạnh toàn diện của đất nước, vận mệnh mới và nặng nề của Đảng, mà mấu chốt là đột phá về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội.
Hoàn thiện thể chế và kiên quyết thực thi thể chế
Kinh nghiệm càng cho thấy, không nhận diện đúng về đổi mới thể chế chính trị, kinh tế, xã hội… và những vấn đề xung quanh chúng, không thể nói tới vấn đề đổi mới đúng, trúng và hiệu quả các phương diện trên, trong đời sống chính trị - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Liên quan tới công cuộc này, có thể nói, bao hàm 4 nhân tố rường cột cấu thành thể chế đất nước và chi phối việc đổi mới thể chế: Thể chế kinh tế giữ vai trò nền tảng, thể chế chính trị giữ vị thế trung tâm, thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu, và thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng.
Do đó, một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các thể chế liên quan tới kiến tạo hệ thể chế hoàn bị một cách đồng bộ và thống nhất, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế kinh tế… trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương xứng. Đó là đòi hỏi phát triển một cách tự nhiên. Vì, các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm trước, trong cuộc kiến thiết nước nhà, “phải được chú ý đến” và cần “coi trọng ngang nhau” một cách tổng thể và hài hòa.
Hiện nay, khi công cuộc Đổi mới đã đi được gần 40 năm, vấn đề tiếp tục đột phá đổi mới về thể chế, trước hết bảo đảm chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội trở nên cấp thiết trong tổng hòa sự nghiệp Đổi mới toàn diện, đồng bộ, tạo động lực bứt phá về kinh tế song hành với phát triển xã hội làm nền tảng công cuộc Đổi mới một cách mạnh dạn và kiên quyết, với xung lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số… trong hội nhập quốc tế. Đổi mới để phát triển thể chế và thể chế vì đổi mới, dân chủ và pháp quyền! Đó là biện chứng của sự phát triển của công cuộc đổi mới tiếp theo.
So với các quốc gia phát triển trước Việt Nam, Hàn Quốc mất 20 - 25 năm, từ một nền kinh tế xấp xỉ Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Trong khi chúng ta mất 35 năm để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì sao Việt Nam như vậy? Câu trả lời là bởi thể chế kinh tế thị trường của chưa được kiến tạo đồng bộ, phù hợp và tương xứng. Nhân tố quan trọng nhất là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường và xã hội, trong đó Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng và kiến tạo thể chế pháp luật cho thị trường phát triển. Nghĩa là, phải xây dựng hành lang pháp lý, chứ không phải xây dựng “một đoạn đường sắt để con tàu chạy trên hai đường ray”. Điều quan trọng nhất lúc này là, phải hoàn thiện thể chế và kiên quyết thực thi thể chế.
Nói cách khác, đó là toàn bộ các “mắt xích” quan trọng nhất trong toàn bộ sợi dây chuyền sự nghiệp Đổi mới sau gần 40 năm mà chúng ta phải ưu tiên đột phá thể chế, nếu muốn tạo nên cú “huých” đối với sự phát triển một cách chủ động, toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2030.
Trong đột phá về thể chế, không thể không kiến thiết, phát triển môi trường kinh tế - xã hội song hành, đồng bộ với môi trường chính trị - văn hóa và sinh thái Việt Nam. Đến lượt nó, thể chế là sự bảo đảm sự tự do phát triển kinh tế, xã hội, sự tự do, sáng tạo vô hạn của nhân tố con người một cách pháp quyền, dân chủ.
Bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại thì chính giá trị chung phổ quát ấy và là xu thế phát triển của thời đại đó; và các mục tiêu cơ bản có tính bản chất và có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là nhất trí hay gần đồng nhất với nhau. Bởi, các nước càng phát triển lên văn minh, hiện đại thì càng gần với chủ nghĩa xã hội văn minh, hiện đại, nhân văn và phát triển bền vững. Định hướng XHCN làm cho nó phù hợp với tính phổ quát và xu thế nhân văn, tất yếu ấy chứ không phải chủ nghĩa xã hội là khác, ngược với xu thế ấy.
Sức mạnh của quốc gia từ nền móng sức mạnh của kinh tế.
Lịch sử thế giới xác tín, một quốc gia chỉ cần ba, bốn thập kỷ để trở thành một cường quốc kinh tế nhưng phải cần hàng trăm năm, thậm chí nhiều trăm năm mới có thể trở thành cường quốc văn hóa. Việt Nam khát vọng trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa.
Chính vì vậy, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN một cách đặc thù, nhưng cần tránh rơi vào “vũng bùn” của căn bệnh đặc thù (chủ nghĩa ngoại lệ). Hơn nữa, cần thấy rằng, cái đặc thù là trên cơ sở cái chung, mang tính bản chất cụ thể, (có thể chưa) toàn vẹn, chứ không phải nằm ngoài cái chung. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa,đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước.
Xét về xu hướng và tính phổ quát, giá trị chung nói trên thì, nền kinh tế thị trường XHCN không phải là cái ngoại lệ nào đó. Bởi vì tính XHCN nảy sinh trên nền tảng kinh tế - xã hội hiện đại thông qua biến đổi có tính cách mạng gạt bỏ hình thức kinh tế - xã hội lỗi thời của nó, tức chủ nghĩa tư bản mà thôi. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nấc thang, giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN hiện đại, hoàn bị, dưới chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thứ gì khác. Nó là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội, để tạo nên thực lực và sức mạnh Việt Nam, tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam.