Bài 1: Đổi mới nhân lực phát triển Hải quan số, Hải quan thông minh
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là nhân tố quan trọng, giúp cơ quan hải quan tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại.
Đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số. Để đạt được kế hoạch này, ngành Hải quan đã triển khai nhiều kế hoạch thực hiện trong đó mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu. Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 hoàn thành hải quan số, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xây dựng đội ngũ công chức Hải quan uy tín, tinh nhuệ
Trong những năm gần đây, ngành hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Để thực hiện hải quan số, hải quan thông minh, đòi hỏi phải có lực lượng cán bộ công chức (CBCC) tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và phẩm chất đạo đức tốt.
Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 chỉ rõ giải pháp và tổ chức thực hiện trong việc tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực.
Trong đó, xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp: cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu; đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển đội ngũ công chức Hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đội ngũ công chức cấp Chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp Tổng cục và Hải quan vùng.
Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hải quan; xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm; xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực điện tử đảm bảo yêu cầu tự động hóa tối đa các thủ tục quản lý nguồn nhân lực.
Về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hải quan để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh và các yêu cầu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Triển khai Hệ thống quản lý cán bộ tập trung ngành Tài chính đảm bảo phù hợp với yêu cầu của ngành hải quan. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong ngành Hải quan. Phát triển và bổ sung nguồn lực làm chủ các công nghệ hiện đại của cuộc Các mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực quản lý và các khâu nghiệp vụ đảm bảo thực hiện quản lý và triển khai hải quan số hiệu quả, hướng tới hải quan thông minh. Kiện toàn, bổ sung nguồn nhân lực Kiểm định hải quan trên cơ sở số lượng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra an toàn thực phẩm. Triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm đối với 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính (giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu (XNK), chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm định) đáp ứng yêu cầu triển khai và quản lý Hải quan trong môi trường số.
Tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, hiện đang quản lý trải dài trên 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên với khối lượng thông quan lớn nhất cả nước. Mỗi năm, trên 160 tỷ USD trị giá hàng hóa XNK được thông quan trên địa bàn Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý. Theo ông Trần Đức Hùng, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh, trung bình, mỗi cán bộ hải quan nơi đây phụ trách xử lý trị giá hàng hóa lên tới 1 tỷ USD hàng năm. Với khối lượng và giá trị hàng hóa thông quan lớn như vậy, việc sắp xếp, bố trí cán bộ linh hoạt là một trong những yêu cầu được đặt ra. Trong thực tế, khi khối lượng công việc ở các chi cục tăng đột biến thì cục cũng linh hoạt, điều động, biệt phái cán bộ, công chức tại các khối phòng, ban xuống để hỗ trợ các chi cục, tạo điều kiện thông quan nhanh nhất sớm nhất cho doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương hiện tại có 18 đơn vị thuộc và trực thuộc với 283 biên chế. Khối lượng công việc ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác quản lý nhà nước về hải quan, cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi cần có lực lượng biên chế phù hợp. Tuy nhiên, biên chế các năm gần đây tại đơn vị lại có xu hướng giảm. Do vậy, tình hình biên chế thiếu là một trong những thách thức lớn của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.
Trước tình hình khối lượng công việc tăng cao, thiếu biên chế, ông Nguyễn Trần Hiệu cho biết, đơn vị đã chú trọng việc sắp xếp, bố trí công chức hợp lý tại các đơn vị thuộc và trực thuộc và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người hiện có bằng việc phân công công tác phù hợp với năng lực, sở trường và kinh nghiệm của công chức đồng thời phân bổ địa bàn quản lý cụ thể để các đơn vị chi cục có thể đảm bảo thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị ở mức cao nhất. Đầu năm 2023, đơn vị đã ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 35/QĐ-HQBD ngày 18/01/2023 quy định địa bàn quản lý hải quan của các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương. Trong quá trình công tác thực tế, các đơn vị có thể báo cáo đề xuất để Lãnh đạo Cục xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp. Thường xuyên rà soát tổ chức bộ máy, chuẩn hóa trình độ trên cơ sở tiêu chuẩn ngạch, bậc đảm bảo đáp ứng yêu cầu vị trí công tác theo quy định vị trí việc làm của Tổng cục Hải quan. “Đơn vị đã cử tham gia các khóa đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh, gắn với vị trí việc làm do Tổng cục Hải quan tổ chức. Đồng thời đơn vị cũng chú trọng công tác tự đào tạo và phối hợp với các đơn vị ngoài ngành tổ chức các lớp nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ phục vụ công tác chuyên môn”, ông Nguyễn Trần Hiệu cho hay.
Quản lý và làm thủ tục hải quan cho gần 50.000 DN XNK, với lưu lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, với số thu nộp ngân sách nhà nước hàng năm chiếm 40% toàn ngành, trong những năm gần đây, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình quản lý hiện đại nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại, XNK của DN. Theo Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng, để triển hàng loạt chương trình, dự án cải cách, hiện đại hóa hải quan, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) tinh gọn, chuyên nghiệp để đạt hiệu quả công việc cao nhất. Từ năm 2019, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành sắp xếp bộ máy, tinh giản 30 tổ đội công tác, với 238 vị trí lãnh đạo được điều động. Việc lựa chọn, sắp xếp các vị trí để điều động đúng người, đúng việc đã phát huy hiệu quả công tác của đơn vị.
Theo ông Vũ Hoàng Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại, trong đó mỗi mức đánh giá, xếp loại đều có chỉ số, tiêu chí cụ thể làm căn cứ cho lãnh đạo các cấp khi giao việc cũng như đánh giá.
Rà soát tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn
Theo Chiến lược Phát triển hải quan đã được phê duyệt, ngành Hải quan đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngay từ lúc này, yếu tố con người và bộ máy nhân lực của ngành Hải quan phải được chú trọng và nâng cao để hướng tới hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.
Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) công nhận là giảng viên của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế. Nghiên cứu áp dụng triển khai các phương pháp đào tạo hiện đại, công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức Hải quan. Xây dựng mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng giữa các cấp, giữa các bộ phận trong cùng một đơn vị, trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, giữa các lĩnh vực nghiệp vụ; tăng cường liêm chính hải quan.
Ở góc độ đào tạo, ông Vũ Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam cho biết, nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhà trường đã bắt tay ngay vào triển khai Đề án đào tạo bồi dưỡng giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện giáo trình đào tạo theo khung năng lực vị trí việc làm và các chương trình đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu theo các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác hợp tác đào tạo, đặc biệt là hợp tác đào tạo quốc tế tạo bước đệm xây dựng Trường Hải quan Việt Nam trở thành Trung tâm đào tạo Hải quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương (A/P RTC) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, chuyên viên, nhân viên có năng lực chuyên môn, năng động, thích ứng được với tình hình phát triển mới của nhà trường; triển khai có hiệu quả phần mềm LMS do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và kiến nghị nâng cấp hệ thống đáp ứng nhu cầu đào tạo trực tuyến trong thời gian tới. Đặc biệt, nhà trường đã chủ động xây dựng các định hướng, kế hoạch phát triển của đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tự chủ tài chính trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo cho cộng đồng DN trên cả nước.
Trước yêu cầu từ thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đổi mới, chương trình, nội dung bồi dưỡng đã được cập nhật kịp thời với những chính sách, chế độ, quy trình thủ tục mới tại từng giai đoạn. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ...Trong đó, nhà trường đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo trực tiếp; thực tế, thực hành tại các đơn vị vụ, cục; đào tạo phối kết hợp với các đơn vị Vụ, Cục trong, ngoài ngành và với các tổ chức ngoài nước… Hình thức giảng dạy cũng được đổi mới, hoàn thiện và được chuyên môn hóa: Lấy người học làm trung tâm, thực hành, thảo luận nhóm nhiều hơn lý thuyết, dùng hình ảnh, clip, giáo cụ trực quan minh họa cho bài giảng… Ông Vũ Văn Khánh cho biết, trung bình hàng năm nhà trường tổ chức khoảng 150 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với khoảng 17.000 lượt CBCC, viên chức tham gia; rà soát và xây dựng khung chương trình, tài liệu giảng dạy một số lớp chuyên sâu về nghiệp vụ cho CBCC trong Ngành như: ngạch Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên chính hải quan, công chức tuyển mới, tiếng Anh chuyên ngành hải quan, xuất xứ hàng hóa, quản lý rủi ro…Nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành xây dựng giáo trình, kế hoạch, chương trình, tổ chức các lớp đào tạo, chuyên sâu về các biện pháp nghiệp vụ hải quan; nghiệp vụ về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; công tác điều tra; kiểm soát ma túy, kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Mục tiêu quan trọng hàng đầu đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, hiện đại. Chia sẻ về các giải pháp để đạt được mục tiêu này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, ngoài các giải pháp về mặt thể chế; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra là xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xác định vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt, vì vậy, ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại.
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng lực lượng, vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ luôn được Tổng cục Hải quan xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện nghiêm minh vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những năm qua, ngành Hải quan đã đề ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa phòng và chống. Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2023, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan. Quy chế nêu rõ 12 nhóm hành vi vi phạm hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ của công chức, viên chức Hải quan sẽ bị xem xét xử lý như: hành vi vi phạm trong lĩnh vực chấp hành kỷ cương, kỷ luật; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và công tác tổ chức cán bộ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực giám sát quản lý về hải quan; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu; hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm soát hải quan và điều tra chống buôn lậu; hành vi vi phạm trong lĩnh vực Thanh tra - Kiểm tra…